Đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” quay về Việt Nam

09:31 16-02-2023

VOV.VN - Cổ vật Việt Nam, trong đó có cổ vật cung đình triều Nguyễn mang một giá trị to lớn. Vừa qua, thông tin ông Nguyễn Thế Hồng, ở tỉnh Bắc Ninh đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương là một tín hiệu đáng mừng.

Người thương lượng mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh. Ông Nguyễn Thế Hồng là người chủ động tìm hiểu về chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” khi Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra thông tin về đấu giá cổ vật này. Bộ Ngoại giao cùng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ ông Hồng trong suốt quá trình thương lượng và mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” để đưa bảo vật hồi hương.


Kim ấn Hoàng đế chi bảo
Thông qua thương lượng, ông Nguyễn Thế Hồng mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” với giá hơn 6,1 triệu euro. Hiện hợp đồng mua cổ vật đã hoàn tất, phía bên mua đang thực hiện các thủ tục chuyển tiền để đưa cổ vật hồi hương vào khoảng tháng 5 năm nay. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, việc một tư nhân đã bỏ ra mọi chi phí để mua và đưa ấn vàng này về nước thật sự là một tín hiệu rất vui trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản: “Việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một điều hết sức có ý nghĩa. Một cá nhân ở Việt Nam mua được và đưa về nước thì đó là điều hết sức đáng mừng rồi. Ông Nguyễn Thế Hồng với những tâm huyết rất đặc biệt, đã ký một cam kết với Cục Di sản Văn hóa sau này nếu Nhà nước hay là một tổ chức nào đó có điều kiện để phát huy tốt hơn thì ông sẵn sàng nhượng lại. Đó cũng là một tinh thần đáng biểu dương, không dễ gì mà có được một người như thế”, ông Hải nói.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841), nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, sau đó đưa ra Hà Nội.

Tuy nhiên, cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách “Quốc trưởng” của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại.


Ông Nguyễn Thế Hồng với chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nguồn ngân sách có hạn nên không thể tham gia mua được, việc xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản là điều đáng mừng: “Câu chuyện xác nhận cổ vật thật hay giả cho đến giờ này, trên thế giới chưa có cơ quan nào làm được việc đó. Bởi vì, cổ vật là muôn hình vạn trạng, nó chỉ dựa vào uy tín của nhà đấu giá và nó hoàn toàn tự nguyện. Thứ hai là vấn đề giá trị, bình thường có thể nó 10 đồng, nó lên gấp nghìn lần. Việc sử dụng tiền ngân sách, hầu như không thể”.

Khi 2 bảo vật triều Nguyễn gồm ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và chiếc bát vàng được đưa ra đấu giá tại Pháp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xã hội hóa nguồn lực. Địa phương đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương vận động gây Quỹ Bảo tồn Di sản Huế, kịp thương lượng với Nhà đấu giá Millon mua lại ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Tuy nhiên, do vướng “cơ chế” nên Quỹ Bảo tồn Di sản Huế vẫn chưa thể vận động kinh phí cho việc tham gia thương lượng mua lại cổ vật.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều liên kết với các trung tâm cổ vật lớn để có thể sưu tập, đấu giá… nhằm đưa các hiện vật về địa phương. Tuy nhiên, trong nguồn lực có hạn, tỉnh đưa ra các giải pháp hỗ trợ trong việc đấu giá cổ vật. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, tỉnh Thừa Thiên Huế huy động những người yêu văn hoá Huế, người yêu các cổ vật Huế tham gia hỗ trợ địa phương trong việc thu thập, đấu giá và hồi hương cổ vật.


Kim ấn Hoàng đế chi bảo
“Với một đối tác trong nước đưa bảo vật ấn “Hoàng đế chi bảo” về đúng với Việt Nam, Thừa Thiên Huế rất mong muốn phối hợp cùng đơn vị này để bàn phương án hợp tác để trưng bày, giới thiệu tại Thừa Thiên Huế. Đó là cách có thể làm được. Còn việc mua lại hay không còn do nguồn lực. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang xét các thủ tục pháp lý về bảo vật này, sau đó mới có phương án để bàn bạc cụ thể. Băn khoăn nhất là vấn đề nguồn lực. Hiện nay, với nguồn lực của tỉnh thì câu chuyện này rất khó khăn”, ông Bình nói./.

https://vov.vn/van-hoa/dua-an-vang-hoang-de-chi-bao-quay-ve-viet-nam-post1001997.vov - theo vov.vn