Dự đoán kết thúc xung đột ở Ukraine, phương Tây chấp nhận thực tế phũ phàng

09:07 21-09-2023

VOV.VN - Phương Tây dần chấp nhận thực tế phũ phàng, đó là cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không kết thúc sớm, đồng thời vạch kế hoạch để hỗ trợ dài lâu cho Kiev.

Dự đoán thời điểm kết thúc xung đột ở Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới sát cánh cùng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, thậm chí cả khi các quan chức phương Tây dự đoán cuộc xung đột sẽ kéo dài nhiều năm. Lời kêu gọi của ông Biden được đưa ra giữa bối cảnh nội bộ chính trường Mỹ đặt câu hỏi về cái giá của xung đột và sức ép gia tăng từ các nước đang phát triển trong việc nhanh chóng kết thúc giao tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9 và sẽ xuất hiện tại Washington trong tuần này. Tuy nhiên, với việc quân đội Ukraine đang chật vật để đạt được thành quả trên chiến trường dù được cung cấp hàng tỷ USD vũ khí, sự huấn luyện và các hình thức hỗ trợ khác từ phương Tây, ông Zelensky có thể sẽ đối mặt với quan điểm cứng rắn hơn từ các đối tác của mình.

Tại Quốc hội Mỹ, lập trường phản đối việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine ngày càng gia tăng và một vài ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau đã kêu gọi cắt giảm các cam kết. Tại những nơi khác, Ukraine và các đối tác hầu như không đạt được tiến triển trong việc nhận được sự ủng hộ từ các nước lớn ở Bán cầu Nam khi nhiều quốc gia hiện đang kêu gọi đàm phán hòa bình.

 

Ngày 19/9, tại cuộc họp ở Liên Hợp Quốc ông Biden khẳng định, Mỹ và đồng minh "sẽ tiếp tục sát cánh với những người dân Ukraine dũng cảm đang bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và sự tự do của mình".

 

Một quan chức cấp cao từ một nước G7 dự đoán xung đột có thể kéo dài khoảng 6 - 7 năm nữa và phương Tây cần lên kế hoạch tài chính để tiếp tục ủng hộ Kiev lâu dài.

Con số này cao hơn nhiều so với những gì nhiều quan chức dự đoán đầu năm nay nhưng nhịp độ phản công tương đối chậm của Ukraine trong những tháng gần đây đã làm giảm những kỳ vọng đó.

"Điều này không dễ dàng. Nó đặt nhiều sức ép lên các chính phủ qua các cuộc bầu cử khác nhau ở châu Âu. Nhưng việc có một chiến lược hỗ trợ dài hạn cho Ukraine sẽ đưa chúng ta đến thành công", Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jan Lipavsky nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Dù vậy, Ukraine đang đối mặt với thách thức gia tăng, từ việc thiếu nguồn cung vũ khí phương Tây cho tới tổn thất lực lượng, một quan chức cấp cao châu Âu đánh giá.

Các quan chức G7 đã thảo luận về kịch bản không mấy sáng sủa của cuộc xung đột ở Ukraine và cùng cho rằng nó sẽ kéo dài về trung hoặc dài hạn. Kiev và một số đối tác vẫn phản đối đàm phán ở thời điểm hiện tại và không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ giải pháp nào không bao gồm việc quân đội Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng phương Tây sẽ không thể hỗ trợ Kiev mãi. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn chấp nhận sự sáp nhập trên thực tế của Nga với 17% lãnh thổ Ukraine như hiện nay là không thể chấp nhận được và kết quả tối thiểu sẽ là Điện Kremlin rút quân khỏi toàn bộ các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái, quan chức trên cho hay.

"Các yếu tố vẫn chưa được sắp xếp phù hợp để Ukraine tạo nên thành quả nhanh chóng như họ từng làm được vào năm ngoái. Đây là một cuộc giao tranh rất khó khăn cho Ukraine", Dara Massicot, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá.

Phương Tây tính kế đi đường dài

Mỹ và đồng minh đã cung cấp hàng chục tỷ USD hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine để đẩy lùi quân đội Nga trong khi cố gắng tránh những hành động trực tiếp có thể mở rộng quy mô xung đột.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp sự phản đối gia tăng. Theo ông, việc không ủng hộ cho Ukraine sẽ khiến liên minh trả giá về lâu dài bởi "chúng ta sẽ trở nên dễ tổn thương trước Nga".

"Vì thế, việc ủng hộ Ukraine nằm trong lợi ích an ninh của chúng ta và tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều này".

Mùa hè vừa qua, EU đã thông báo gói hỗ trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro (tương đương 52 tỷ USD) cho Ukraine tới năm 2027 nhằm củng cố các cam kết của liên minh này. Đức - quốc gia hỗ trợ lớn thứ hai cho Ukraine trong cuộc xung đột, chỉ sau Mỹ, đã cam kết cung cấp 5 tỷ USD hàng năm cũng trong khoảng thời gian trên.

Tuy nhiên, tại Mỹ, việc Tổng thống Biden tìm cách thông qua gói hỗ trợ bổ sung trị giá 24 tỷ USD cho Ukraine đang vấp phải sự phản đối ngày càng lớn trong Quốc hội. Ông Zelensky sẽ gặp các nghị sĩ Mỹ ở Washington tuần này, trong đó có các nghị sĩ cấp cao đảng Cộng hòa đặt câu hỏi về yêu cầu hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Mặc dù phương Tây đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng của Kiev trong cuộc phản công hiện nay nhưng Ukraine vẫn gắp khó khăn trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ rộng khắp của Nga.

"Ukraine đã thâm nhập được vào một vài lớp phòng thủ. Đó chưa phải là sự thâm nhập 100% nhưng họ đã vượt qua một vài lớp", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho hay.

Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna cho biết, Ukraine đang đối mặt với việc Nga leo thang tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng khi mùa đông đến và Điện Kremlin sẽ tiếp tục cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này.

"Mọi người đang chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt", bà Olha Stefanishyna nói. Việc phong tỏa các cảng biển đặt nền kinh tế Ukraine vào "tình thế sống còn" trong khi “các điều kiện của Nga nhằm tái khởi động thỏa thuận đảm bảo thương mại trên Biển Đen là bất khả thi", quan chức Ukraine nói.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/du-doan-ket-thuc-xung-dot-o-ukraine-phuong-tay-chap-nhan-thuc-te-phu-phang-post1047156.vov - theo vov.vn