Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/10

08:42 04-10-2022

VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 3/10.

Pháp và Đức hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine. Các báo Pháp đã đăng tải thông tin Pháp sẽ cung cấp thêm từ 6 cho đến 12 khẩu pháo tự hành Caesar cho Ukraine. Đây là số vũ khí không thuộc biên chế quân đội Pháp mà là một đơn đặt hàng ban đầu được lên kế hoạch trang bị cho quân đội Đan Mạch.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức thông báo đã cùng Đan Mạch và Na Uy thống nhất chi 92 triệu euro để mua 16 khẩu pháo tự hành Zuzana-2 do Slovakia sản xuất để gửi đến Ukraine. Số vũ khí này dự kiến sẽ được giao cho Ukraine vào năm 2023.


Binh sỹ Ukraine nã pháo vào các vị trí của Nga ở khu vực Donbass, tháng 6/2022. Ảnh: Getty
Nga tiêu diệt 35 nhân viên an ninh Ukraine tại trụ sở bằng tên lửa. Thông tin từ phía Nga cho hay, ít nhất 35 nhân viên của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã bị chết sau khi quân đội Nga tấn công trụ sở của họ ở thành phố Dnipro, miền Đông Ukraine.

Phát ngôn viên Lục quân Nga, Igor Konasehnkov, cho biết: Vụ tấn công được thực hiện vào ngày 29/9, “sử dụng tên lửa chính xác cao bắn vào tòa nhà của Cơ quan An ninh Ukraine”. Theo Interfax, tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Konasehnkov cho biết thêm, “các cố vấn nước ngoài cũng thiệt mạng trong vụ tấn công này”.

9 quốc gia NATO ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh. Tổng thống của 9 nước NATO đã gặp nhau ngày 2/10 để thể hiện sự ủng hộ cho nỗ lực gia nhập liên minh của Ukraine, đồng thời hối thúc tất cả các nước thành viên "gia tăng đáng kể" hỗ trợ quân sự cho Kiev.

"Chúng tôi giữ vững quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008 về việc Ukraine trở thành thành viên trong tương lai", Tổng thống của các nước Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Litva, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia cho hay.

Mỹ cam kết giúp Ukraine giành lại lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh với người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba rằng Washington sẽ giúp Kiev “giành lại lãnh thổ” bằng vũ lực nếu cần thiết. Việc chuyển vũ khí cho Kiev là công cụ hàng đầu.

“Mỹ sẽ luôn tôn trọng các đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine và sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Kiev nhằm giành lại các vùng lãnh thổ cả bằng sức mạnh quân sự và ngoại giao”, Ngoại trưởng Blinken nói với người đồng cấp Kuleba ngày 1/10.

Mất thành phố chiến lược Lyman, quân Nga tiếp tục bị vây hãm. Sau khi để mất trung tâm hậu cần Lyman vào tay Ukraine, quân Nga tiếp tục bị vây hãm tại một số khu vực trong đó có Borova, một thành phố chiến lược khác.

Interfax của Ukraine đưa tin, Serhiy Cherevatyi, Phát ngôn viên của Nhóm Lực lượng phía Đông Ukraine, các lực lượng Ukraine đã kiểm soát Torske, một ngôi làng nhỏ ở vùng Donetsk, cách Lyman khoảng 15 km về phía đông. Tuy nhiên, thông tin này chưa thể xác minh.

Ukraine tăng cường tiến công ở phía Nam, giao tranh ác liệt. Chỉ một ngày sau khi tuyên bố kiểm soát Lyman, một trung tâm hậu cần chủ chốt của quân đội Nga ở phía Đông, Ukraine thông báo các lực lượng của nước này đang tăng cường tiến công về phía Nam.

Với giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch phản công kép khởi động ở phía Nam và phía Đông cách đây 1 tháng, Ukraine đang định nghĩa lại chiến lược của mình, theo đó yêu cầu sự kiên nhẫn, kỷ luật và chính xác. Đầu tiên, Ukraine sẽ sử dụng các tên lửa tầm xa để chia cắt các tuyến hậu cần của Nga và làm gián đoạn các trung tâm chỉ huy. Sau đó, Kiev sẽ tìm kiếm các điểm yếu trong hàng rào phòng thủ của Nga trước khi khai thác những điểm yếu đó và thâm nhập vào các khu vực phía sau phòng tuyến nhằm khiến Moscow phải rút khỏi các khu vực mà nước này kiểm soát và để lại số lượng lớn trang thiết bị quân sự có thể sử dụng.

NATO cảnh báo việc Nga triển khai tàu ngầm hạt nhân mang vũ khí “ngày tận thế”. Nhật báo La Repubblica của Italy ngày 2/10 đưa tin, NATO đã gửi thông tin tình báo tới các nước thành viên, cảnh báo về việc Nga triển khai tàu ngầm K-329 Belgorod, mang theo ngư lôi hạt nhân Poseidon, được gọi là “vũ khí của ngày tận thế”.

Theo một số nguồn tin, tàu ngầm này hiện đang được triển khai tại vùng biển Bắc Cực. Mỹ đã kích hoạt mạng lưới vệ tinh để theo dõi ngư lôi nhờ sóng nhiệt phát ra khi chúng được kích hoạt trên mặt đất hoặc trên không trung, nhưng mạng lưới này lại rất khó phát hiện ngư lôi dưới biển.

Quan chức Anh cảnh báo khả năng xảy ra chiến tranh không gian. Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin cho rằng Nga có thể sử dụng vũ khí trên không gian để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của phương Tây. Theo ông Radakin cho biết, một động thái như vậy sẽ kích hoạt phản ứng từ NATO, nhưng sẽ khó có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp.

“Nga có nhiều năng lực trên không gian. Chúng ta đã thấy một ví dụ về điều đó vào cuối năm ngoái, khi Nga bắn hạ một vệ tinh cũ, tạo ra nhiều mảnh vỡ trôi nổi trong không gian. Nga có năng lực hạt nhân và cả năng lực dưới nước”, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin phát biểu với Telegraph. Tuyên bố của ông Radakin đề cập tới vụ thử tên lửa bắn hạ vệ tinh của Nga cuối năm 2021, trong đó Nga phóng tên lửa từ mặt đất để phá hủy một vệ tinh trinh sát cũ từ thời Liên Xô.

Các tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc ngừng rò rỉ. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết, các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 đã ngừng rò rỉ sau khi nhà chức trách phát hiện một số vết nứt tại các đường ống này vào tuần trước.

Nga nói có dấu vết của phương Tây trong vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc. Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin cho biết, Nga tiếp tục thu thập dữ kiện liên quan đến vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc và một số dữ liệu gián tiếp chỉ ra dấu vết của phương Tây.

Ông Naryshkin đưa ra tuyên bố này trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1. “Chúng tôi đang tiếp tục thu thập dữ kiện. Cho đến nay đó vẫn là những dữ liệu gián tiếp. Tuy nhiên, dữ liệu gián tiếp, bao gồm cả dữ liệu đã được công bố trước đó và dữ liệu chưa được công bố, đều chỉ ra có dấu vết của phương Tây trong vụ việc”, ông Naryshkin nói.

Cựu Giám đốc CIA cảnh báo hậu quả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh sẽ phá hủy quân đội và phương tiện quân sự của Nga ở Ukraine cũng như đánh chìm Hạm đội Biển Đen nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, cựu Giám đốc CIA David Petraeus cảnh báo .

Ông David Petraeu nhận định, nếu trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, "chúng tôi sẽ phản ứng bằng cách dẫn đầu nỗ lực tập thể của NATO nhằm gây thương vong cho bất kỳ binh lính Nga nào mà chúng tôi tìm thấy trên chiến trường Ukraine, cũng như tại Crimea và trên từng con tàu trên Biển Đen".

Hạ viện Nga phê chuẩn thỏa thuận sáp nhập 4 vùng Ukraine. Việc phê chuẩn diễn ra sau một buổi lễ tại Điện Kremlin ngày 30/9, trong đó Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo 4 vùng của Ukraine đã ký thỏa thuận sáp nhập vào vào Liên bang Nga.

Các hiệp ước nêu rõ biên giới của các vùng lãnh thổ mới là các đường biên giới “tồn tại vào ngày chúng hình thành và sáp nhập vào Liên bang Nga”, ranh giới của các vùng lãnh thổ mới với các quốc gia nước ngoài được coi là biên giới quốc gia của Liên bang Nga. Các vùng ở Donbass, Kherson và Zaporizhzhia sẽ vẫn giữ nguyên quy chế hiện nay, giữ nguyên tên hiện tại. Lãnh đạo các vùng này sẽ là thống đốc và do Tổng thống bổ nhiệm.

Nga chưa quyết định hợp tác với nước nào để sửa chữa Dòng chảy phương Bắc. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện vẫn chưa rõ sẽ mất bao lâu để sửa chữa các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 và Moscow có thể hợp tác với những quốc gia nào trong việc này.

“Không rõ chúng tôi có thể tin tưởng vào sự hợp tác quốc tế nào trong tình huống này, khi xét đến quan điểm đối lập của toàn bộ phương Tây với Nga”, ông Peskov nói.

https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-310-post974950.vov - theo vov.vn