Điện ảnh - Di sản đặc biệt cần được bảo vệ

08:32 15-08-2023

VOV.VN - Một bộ phim dù có hay đến đâu, có giá trị có lớn đến mấy, nếu không còn được xem nữa, thì nó sẽ bị lãng quên, hay nói cách khác, di sản điện ảnh ấy sẽ chết.

Những “tượng đài” điện ảnh kinh điển như “Chị Tư Hậu”, “Cánh đồng hoang” hay “Bao giờ cho đến tháng Mười”… giờ quá khó để tìm bản đẹp. Đó là chưa kể một con số không nhỏ những thước phim đang nằm mốc trong kho bảo quản không máy lạnh. Là một di sản văn hóa, nếu không được chú trọng công tác lưu trữ, phục hồi và bảo tồn, những thước phim quý giá ấy có thể bị lãng quên. Nằm trong khuôn khổ dự án 'Mobilizing film professionals for regional cooperation in Asia' của UNESCO và chuỗi hoạt động "Di sản kể chuyện”, toạ đàm “Điện ảnh mà là di sản á?” diễn ra mới đây đã góp thêm tiếng nói về việc cần cấp bách lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa, nhất là với di sản tư liệu đặc biệt, cần được bảo vệ khẩn cấp.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, các bộ phim tài liệu, phim điện ảnh vốn liên quan sâu sắc tới tiến trình lịch sử chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học. Những tư liệu quay trên phim nhựa chính là hiện thân của đất nước, con người Việt Nam. Đây chính là lý do vì sao việc lưu trữ, bảo quản cần được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, nhiều thước phim điện ảnh, tài liệu cũ thường xuất hiện liền với vết xước trắng, loang lổ, giật, nháy... Theo Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (đạo diễn bộ phim “Đập cánh giữa không trung”), phim nhựa là vật liệu tuổi thọ có giới hạn, đòi hỏi sự chăm sóc ‘tận tình, khắt khe, nghiêm cẩn’ cũng như sự đầu tư không giới hạn cả tiền của lẫn sức người.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói: “Quan niệm của tôi, điện ảnh là một loại hình di sản tư liệu đặc thù, ngôn ngữ của nó là một ngôn ngữ khác, vật liệu nó là vật liệu khác, môi trường tạo tác nên nó cũng rất khác, điều kiện để sống còn của nó cũng rất khác nên là bản thân việc lưu trữ đã rất khác. Khác hẳn so với văn bia hoặc là mộc bản Triều Nguyễn.. Các bạn đã nhìn thấy kho phim khổng lồ của thế giới thì các bạn cũng thấy Việt Nam mình có kho phim tương tự như vậy, lưu trữ Nhà nước đã làm rất tốt nhưng công tác tiếp tục phục chế thì các chuyên gia ở viện phim có đủ nhân lực không, họ có được giúp đỡ về việc đó không và Nhà nước có còn đủ chi phí để tiếp tục làm công việc đó không thì đấy là điều cần nhiều phía trả lời. Từ chỗ lưu trữ được, phục chế được thì mới nghĩ đến chuyện bảo tồn nó đúng quy chuẩn, sau đó sẽ phát huy nó, phát huy bằng nhiều cách, chiếu phim cũng là một cách”.

 

Vì thế, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, số hóa phim là giải pháp cấp thiết giúp giảm thiểu, khắc phục những hao mòn hữu hình của phim nhựa khi đã xuống cấp và hỏng hóc. Thế nhưng, trong khu vực Châu Á, Việt Nam có tốc độ số hóa phim nhựa chậm hơn so với nhiều nước. Theo Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, do hạn chế về công nghệ nên hiện nay các tác phẩm được hãng phim truyện Việt Nam số hoá chỉ đạt hơn 1/3 thời lượng các tác phẩm điện ảnh gốc:

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Chỉ được 40%, do hãng làm bằng telexin, bán bản quyền các phim đấy cho người làm phát hành trên mạng nên yêu cầu rất thấp, đương nhiên bản chỉ phục vụ trên mạng, mở phim ra là có "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Em bé Hà Nội" hoặc là bất cứ phim gì, đấy chỉ là ghi chép lại, lưu giữ lại, chứ không phải là bảo tồn nó. Cái mà để bảo tồn thật sự là phải có công nghệ mới, thì sẽ được khoảng trên 90% và lúc đấy khán giả mới được hưởng thụ âm thanh hình ảnh, sự lộng lẫy của hình ảnh, ít nhất là cái mà hình ảnh đẹp đẽ nhất đã lưu giữ trong ký ức của mọi người”.

 

Từ kinh nghiệm lưu trữ, bảo tồn và phát huy các di sản điện ảnh trên thế giới, TS Trần Hoài nhà nghiên cứu về nhân học văn hóa và di sản học cho rằng Việt Nam cần xác nhận danh sách những tư liệu phim quý giá, nhằm đề xuất các chính sách cụ thể trong việc phục chế và bảo tồn phim: “Trên thế giới từ những năm 1980, UNESCO đã có những khuyến nghị trong việc phải bảo vệ những tư liệu hình ảnh động, trong đó có những cuốn phim và sau đó thì đến năm 1992, UNESCO đã chính thức có chương trình bảo vệ các di sản tư liệu trong chương trình Ký ức của thế giới trong đó có các cuốn phim được coi là một trong những nguồn di sản tư liệu quan trọng và nhiều cuốn phim đã được ghi danh trong các chương trình về bảo tồn di sản tư liệu này. Những kinh nghiệm trên thế giới rất là quý giá cho Việt Nam trong việc ghi danh các di sản phim để có những chính sách cụ thể về bảo tồn phim, không chỉ là những cuốn phim mà còn những giá trị khác liên quan, như là kỹ thuật làm phim, những người làm phim, địa điểm gắn với di sản này”.

Nhần mạnh tầm quan trọng của Nhà nước trong công việc bảo tồn tư liệu phim, PGS.TS Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm  thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất: “Có những di sản chắc chắn dù chưa được công nhận nhưng nó vẫn di sản, chẳng hạn như  đoạn phim bác Hồ phát biểu về tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, chắc chắn là di sản. Công việc bảo tồn tư liệu phim hay bảo tồn di sản nói chung nên thuộc về chính sách của Nhà nước, cần nguồn lực lớn, sự đồng thuận lớn và cả một hệ thống chính trị cũng như một hệ thống thiết chế văn hóa. Tôi nghĩ cần phải có một chiến lược từ bên ngành điện ảnh để có sự tư vấn chính sách đối với Đảng và Nhà nước cho công tác bảo tồn di sản phim ở Việt Nam, phải được Luật hóa được định nghĩa rõ ràng trong Luật di sản. Một đoạn phim, một thước phim, một chi tiết thôi là một phần của lịch sử dân tộc, chúng ta cần phải huy động mọi nguồn lực để bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này”.

Một bộ phim dù có hay đến đâu, có giá trị có lớn đến mấy, nếu không còn được xem nữa, thì nó sẽ bị lãng quên, hay nói cách khác, di sản điện ảnh ấy sẽ chết. Nền điện ảnh Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng đã được thế giới chú ý với nhiều bộ phim kinh điển như “Chị Tư Hậu”, “Cánh đồng hoang” hay “Bao giờ cho đến tháng Mười”… Nếu không có những biện pháp rốt ráo trong việc lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa với tư cách là một di sản tư liệu đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp, những thước phim quý giá này có thể sẽ không còn tồn tại.

https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/dien-anh-di-san-dac-biet-can-duoc-bao-ve-post1039139.vov - theo vov.vn