Đất chảy và thảm họa sạt lở núi ở Miền Trung: Thảm họa đến từ đâu?

08:57 17-12-2020

VOV.VN - Những đợt mưa to, bão lũ lớn, sạt lở đất dồn dập ập đến trong một thời gian ngắn là điều chưa chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Vì sao có hiện tượng bất thường như vậy?.

Trong bài viết trước trong loạt bài “Đất chảy và thảm họa sạt lở núi ở miền Trung”, chúng tôi nhắc đến nỗi ám ảnh của người dân miền Trung trước thảm họa sạt lở núi vừa xảy ra, gây bao tang thương, mất mát trên các làng quê nghèo. Những đợt mưa to, bão lũ lớn, sạt lở đất dồn dập ập đến trong một thời gian ngắn là điều chưa chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Vì sao có hiện tượng bất thường như vậy?.


Trước khi xảy ra sạt lở, nhiều vùng ở huyện Nam Trà My, nơi gần thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xảy ra động đất kích thích
Thời tiết dị thường, mưa đặc biệt lớn

Đã qua tháng 12, mưa vẫn xối xả trút xuống các tỉnh miền Trung, tiếp tục gây ngập lụt, sạt lở đất. Số người thiệt mạng, mất tích, nhà cửa bị ngập lụt, cuốn trôi... vẫn chưa dừng lại. Đường về vùng cao các huyện miền núi Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vừa khắc phục chỗ này lại sạt lở chỗ kia. Suốt 3 tháng qua, những chiếc xe múc, xe ủi cùng lực lượng cứu hộ luôn túc trực dọc đường, sẵn sàng làm nhiệm vụ san gạt, thông đường khi xuất hiện điểm sạt lở mới. Tại hiện trường vụ sạt lở đất ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, lực lượng cứu nạn vẫn tiếp tục tìm kiếm người mất tích. Hơn 1 tháng trôi qua, những nấm mộ của người xấu số trong nóc Ông Đề luôn nghi ngút khói hương. Sau khi 8 người trong gia đình mình bị vùi lấp, ông Hồ Văn Hiền ngồi co ro trong túp lều bạt dựng tạm bên 3 ngôi mộ người thân ngóng tin 5 người thân mất tích đang được các lực lượng tiếp tục tìm kiếm “Tháng rồi, không biết rục chỗ mô, xương nằm ở đâu nữa. Vì nó cứ trôi theo bờ sông Leng, tìm mô ra được nữa.”

Những cơn lũ quét, nhiều vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra liên tiếp ở các huyện miền núi Nam Trà My, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam; Thủy Điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67… khiến lòng người bất an. Những đợt lũ chồng lũ, vượt đỉnh lũ lịch sử của nhiều năm trước đó, trước hết do lượng mưa quá lớn và kéo dài chưa từng thấy.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đến đầu tháng 12 năm nay, mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường: "Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra trên 457 trận thiên tai. Đặc biệt, giữa tháng 9 đến nay các trận bão, mưa lũ lịch sử ở Trung bộ, mưa phổ biến 1.000 đến 2.000mm. Một số nơi có lượng mưa đặc biệt lớn như Hướng Linh, Quảng Trị trên 3337 mm; A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế 3446 mm".

Mất nhiều rừng tự nhiên

Lũ lụt ngày càng dữ dội do rừng bị tàn phá tan hoang. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay độ che phủ rừng có tăng lên nhờ rừng trồng nhưng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25%. Nguyên nhân do đốt rừng làm rẫy, sống du canh du cư. Nhiều nơi chuyển đất có rừng sang đất sản xuất các cây kinh doanh, phá rừng để trồng các cây công nghiệp…


Đường ĐH1, ĐH 2 đi vào các xã vùng cao huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Thời gian gần đây, việc chuyển đổi đất rừng làm các dự án giao thông, thủy điện, tái định cư… một cách ồ ạt, thiếu đồng bộ dẫn đến mất nhiều diện tích rừng tự nhiên. Việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện đã xóa sổ nhiều khu rừng quý. Theo các chuyên gia sinh quyển, để tạo ra 1 MW điện, phải “đổi” ít nhất từ 10 - 30 ha rừng; và để có 1.000 ha làm thuỷ điện thì phải san bằng 1.000 - 2.000 ha đất rừng ở thượng nguồn.

Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, Khoa Địa lý địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế cho rằng, việc cắt xén sườn dốc, bạt núi, nổ mìn phá đá để xây dựng các công trình, dự án, làm nhà máy thủy điện đã tác động tiêu cực vào rừng, thúc đẩy nhanh mức độ sạt lở núi: “Năm 2019- 2020 là năm thời tiết khô hạn lớn nhất ở khu vực Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung núi chung. Hiện tượng này nó có thể thúc đẩy sự hình thành các khe nứt ở trên các lớp đất đá, đây chính là kênh dẫn nước khi mưa lớn xảy ra và làm thúc đẩy quá trình sạt lở đất. Trong tương lai, với sự thay đổi của thời tiết do biến đổi khí hậu thì quá trình sạt lở núi chắc chắn sẽ xảy ra, tần suất xuất hiện của sạt lở núi sẽ tăng dần.”

Thủy điện nhỏ, lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn

Theo người dân và chính quyền các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, từ khi xây dựng các công trình thủy điện, nhiều nơi đã xảy ra động đất kích thích. Sau những đợt mưa lớn kéo dài và cơn bão số 9 vừa qua, tại huyện Nam Trà My, hiện tượng rung lắc do động đất tiếp tục xảy ra, nhiều tiếng nổ rền vang trong lòng đất.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, sạt lở là hậu quả của việc kết hợp rất nhiều yếu tố, đất đai, địa hình, địa chất và mưa gió. Mưa lớn dài ngày, đất thấm nước lâu, gây nên sạt lở. Trong khi đó, việc bố trí dân cư, quá trình phát triển kinh tế dồn quá nhiều lên miền núi như khoét núi mở đường, làm thủy điện đã gây ra yếu tố rủi ro cho môi trường, tác động phá hoại mạnh tại các vùng núi: “Trên những dòng sông, chúng ta cứ lao lên làm thủy điện. Tại vì làm thủy điện kiếm ra nhiều tiền, thứ 2 đầu tư nhanh, hoàn vốn nhanh. Những đóng góp ấy rất nhỏ so với nền kinh tế nhưng gây thiệt hại không có gì bù đắp lại”, ông Tứ nói.


Đường vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở
Phó Giáo sư –Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, thảm họa sạt lở núi vừa qua lộ ra nhiều yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Hồ Uy Liêm nhận định: Ngoài yếu tố địa chất tự nhiên đặc trưng của khu vực miền Trung thì việc liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất như vừa qua còn có nguyên nhân chúng ta phá rừng nguyên sinh: "Khác với các miền núi phía Bắc núi đá nhiều, ít bị sạt lở; còn ở miền Trung chủ yếu là núi đất. Khi mưa nhiều, đất nhão ra, không giữ được thì sẽ sạt lở. Thứ hai là chúng ta quá phí phạm, phá hoại rừng nguyên sinh… Rừng nguyên sinh, nguyên lý của nó là cây cao bao nhiêu, rễ sâu bấy nhiêu và nó sẽ tạo nên một bức tường để giữ đất".

Những hậu quả nặng nề của lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung trở thành vấn đề nóng. Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, mất nhiều rừng tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất, ngập lụt nặng nề. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sạt lở, ngập lụt kéo dài ở miền Trung thời gian qua do chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên: "Câu chuyện hủy hoại rừng không còn là chuyện mới song nhưng nhìn lại lũ lụt sạt lở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này. Trong 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng ồ ạt với những quy mô khác nhau, cùng với mưu sinh của người dân cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, hàng chục ngàn héc ta rừng đầu nguồn mất đi. Chỉ tiêu phấn đấu về độ che rừng hàng năm đều tăng nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi".

Mưa lớn kéo dài, bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở núi diện rộng là chuyện khó tránh khỏi, người dân cần xác định tâm thế thích ứng, sống chung với thiên tai. Để tránh những thiệt hại nặng nề do sạt lở đất gây ra, liệu có thể đưa ra những cảnh báo sớm, giúp người dân chủ động phòng tránh rủi ro. Những nội dung này sẽ có trong phần cuối loạt bài “Đất chảy và thảm họa sạt lở núi ở miền Trung”./.

https://vov.vn/xa-hoi/dat-chay-va-tham-hoa-sat-lo-nui-o-mien-trung-tham-hoa-den-tu-dau-824468.vov - theo vov.vn