Đào tạo du lịch bậc đại học: Nhà trường cần lắng nghe doanh nghiệp

09:44 20-11-2020

VOV.VN - Về vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam, Phóng viên VOV.VN có bài phỏng vấn PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) để luận giải những "khoảng trống" trong đào tạo du lịch hiện nay.


PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội)
PV: Thưa PGS.TS Phạm Trương Hoàng, hiện nay nhiều doanh nghiệp du lịch "than phiền" về vấn đề thiếu nhân lực và khó tuyển dụng các sinh viên du lịch mới ra trường vì phải đào tạo thêm, thậm chí đào tạo lại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Phạm Trương Hoàng: Trước hết, phải thừa nhận là tốc độ phát triển rất nhanh của du lịch Việt Nam dẫn đến nhu cầu rất lớn về nhân lực du lịch, cả về số lượng và chất lượng mà hiện nay chúng ta chưa thể đáp ứng được. Ngay cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng thiếu nhân lực du lịch, vì đôi khi lĩnh vực này phát triển vượt dự đoán.

Lực lượng lao động trong ngành du lịch Việt Nam có thể được tư duy theo một hình tháp, ở đế là lao động phổ thông, trên là lao động nghề, tiếp đến là nhân lực cấp trung và đỉnh là nhân lực cấp cao. Hiện nay, nhân lực cấp trung và cấp cao là đối tượng dường như doanh nghiệp thấy thiếu nhất và "than phiền" nhiều nhất. Có thể lý giải câu chuyện này như sau:

Thứ nhất, số lượng sinh viên được đào tạo còn rất hạn chế. Các trường mới chỉ đào tạo được khoảng 1/3 nhu cầu của xã hội. Như vậy hiển nhiên là ngành du lịch thiếu nhân lực và các doanh nghiệp sẽ khó tuyển dụng vì cung vượt quá cầu. Khi số lượng còn chưa đáp ứng được thì chất lượng còn là bài toán khó hơn nữa.

Thứ hai, lao động phổ thông và lao động nghề có vẻ "dễ giải quyết" hơn, vì doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và chi phí để đào tạo. Người lao động ở cấp độ này thường được đào tạo theo hướng thực tiễn, nên nắm bắt công việc nhanh hơn. Trong khi đó, nhân lực cấp trung thì khó tuyển dụng vì số lượng ít mà mức lương cao hơn. Ngay cả khi tuyển dụng được rồi, doanh nghiệp lại phải lo giữ chân những lao động cấp trung này.

Thứ ba, cần phải hiểu chuyện đào tạo thêm là rất bình thường, vì mỗi doanh nghiệp lại có chuẩn mực riêng và mỗi cơ sở đào tạo lại có phương pháp tiếp cận riêng. Khác với lao động nghề, sinh viên đại học ngành du lịch ra trường luôn cần một thời gian để nắm bắt công việc, có sự tích luỹ để đạt tới năng lực quản lý. Bậc đại học cung cấp cho các em năng lực cao hơn về kiến thức, tư duy, phương pháp làm việc để hướng tới khả năng quản lý.

PV: Như vậy có nghĩa, đang tồn tại một "khoảng cách" giữa nhà trường và doanh nghiệp, dẫn đến việc nhiều sinh viên ra trường chưa thể đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng?

PGS.TS Phạm Trương Hoàng: Đúng là có những khoảng cách. Trên thực tế, việc một sinh viên tốt nghiệp đại học có thể làm việc tốt khi ra trường hay không, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Trước tiên là bản thân người lao động, họ được trang bị kiến thức nhưng liệu đã sử dụng kiến thức đó đúng lúc, đúng chỗ chưa, họ đã hiểu về công việc và có thái độ làm việc chuẩn mực hay chưa, có chịu được áp lực lớn từ công việc hay không.

Tiếp theo, như tôi đã nói, mỗi trường lại có cách tiếp cận, mục tiêu đào tạo và hướng đến đối tượng tuyển dụng riêng. Các trường xác định cho sinh viên của mình những vị trí việc làm khác nhau, theo những xu hướng vận động khác nhau. Ngành du lịch cũng cần rất nhiều vị trí việc làm chứ không chỉ là lao động dịch vụ, ví dụ như làm quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, giảng viên du lịch…

Hơn nữa, nhà tuyển dụng cũng có những chuẩn mực khác nhau. Ví dụ, có khách sạn đặt tiêu chí ý thức, thái độ lên hàng đầu chứ không phải chuyên môn, hoặc một công ty lữ hành khi tuyển dụng đòi hỏi đầu tiên với hướng dẫn viên là đủ sức khoẻ để đi tour cả ngày, chứ chưa phải là kiến thức. Hoặc để sinh viên có thể trở thành một giảng viên về du lịch (ngành du lịch Việt Nam đang rất thiếu lực lượng này) thì cũng phải có độ trễ, cần nhiều năm tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm.

Như vậy, nhiều khi câu chuyện là "đợi tàu hoả ở sân bay", tức là nhà trường và doanh nghiệp chưa gặp được nhau. Nhu cầu và nguồn cung "lệch nhau" khi nhà tuyển dụng có nhu cầu này nhưng lại tìm kiếm sinh viên của một trường hướng đến đào tạo cho một nhu cầu khác. Hoặc nhà tuyển dụng muốn sinh viên mới ra trường có thể làm việc được ngay, trong khi cử nhân đó lại được đào tạo theo hướng khác và cần có độ trễ để làm quen công việc mới ứng tuyển.


PV: Theo ông có nên áp dụng một chuẩn chung cho các trường đại học đào tạo về du lịch, vì nhiều ý kiến không đồng tình chuyện mỗi trường lại dạy một kiểu?

PGS.TS Phạm Trương Hoàng: Theo tôi, việc áp chuẩn chung cho các trường đại học cần rất nhiều sự thận trọng, nên theo hướng gợi ý hơn là bắt buộc.

Đối với đào tạo nghề thì có thể sử dụng chuẩn vì lĩnh vực này ổn định, ít thay đổi hơn; nhưng đào tạo đại học thì cần phải linh hoạt, khai phóng, sáng tạo. Ví dụ, chuyên ngành marketing du lịch thì liên tục có những vận động mới, khi việc kinh doanh hay thị trường liên tục thay đổi và chương trình đào tạo phải thay đổi, bổ sung môn học mới. Ngoài ra các chương trình đại học phải rà soát, thay đổi theo chu kỳ 2 năm 1 lần, như vậy một chuẩn chung sẽ khó thực hiện được.

Không nên có cái nhìn tiêu cực về "mỗi trường dạy một kiểu". Nếu tất cả cùng dạy một kiểu thì có nguy cơ đào tạo đại trà. Chức năng của đào tạo đại học còn là định hướng và phát triển xã hội. Nếu áp chuẩn thì sẽ hạn chế khả năng đó. Như tôi biết, ở Mỹ có nhiều chuẩn đào tạo nhưng nhiều trường hàng đầu lại không theo. Những trường hàng đầu có chuẩn của riêng họ và định hướng được xã hội. Pháp cho phép các trường đại học thay đổi liên tục, họ chấp nhận sự thử nghiệm rất lớn, nhất là những trường hàng đầu; ví dụ các trường hàng đầu họ có thể phát triển các chương trình đào tạo không theo thông lệ của hệ thống đào tạo đại học 3-4 năm.

Hiện nay, việc đào tạo đại học cũng đã có những tiêu chuẩn nhất định, như số lượng tín chỉ, các môn kiến thức chung, môn chuyên ngành… Thay vì can thiệp sâu hơn thì nên để các trường tiếp tục tự công bố về chuẩn của mình, đồng thời cam kết 100% đầu ra phải đúng theo chuẩn. Các chuẩn đó rõ ràng, được chứng nhận và kiểm định. Việc kiểm định độc lập, nghiêm túc sẽ đóng vai trò quan trọng về đảm bảo chất lượng đầu ra. Các trường cũng hoàn toàn có thể tham khảo chuẩn của nhau.

PV: Vậy nếu không áp dụng chuẩn chung thì đâu là giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa học tập và thực tế, giữa nhà trường và nhà tuyển dụng trong lĩnh vực du lịch, thưa ông?

PGS.TS Phạm Trương Hoàng: Theo tôi, ngay lúc này, trên bình diện chung, chúng ta phải quan tâm về số lượng đào tạo, rồi từng bước nâng cao chất lượng. Các trường cần có nguồn sinh viên lớn hơn. Từ đó mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng tuyển dụng khác nhau và cả ngành du lịch nói chung.

Tiếp đó, nhà trường và doanh nghiệp du lịch cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa. Nhà trường mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tham gia đào tạo, đến giảng dạy tại nhà trường. Doanh nghiệp cung cấp môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên. Hiện nay có những chương trình đào tạo quản trị khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao. Sinh viên được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, được thực tập rất nhiều tại các khách sạn 5 sao ngay từ năm thứ nhất. Trong quá trình học, sinh viên sẽ thi các chứng chỉ nghề và có thể chuyển tiếp để học tại Mỹ.

Với nhân lực ngành lữ hành thì sẽ khó khăn hơn một chút, đòi hỏi nhiều giải pháp khác nhau để cung cấp kiến thức cho sinh viên. Nhà trường cần mời doanh nghiệp về trao đổi với sinh viên nhiều hơn, tổ chức các chuyến đi thực tế đến các điểm du lịch. Sinh viên lữ hành không nhất thiết phải đến thực tập tại văn phòng công ty mà cần đi thực địa, tiếp xúc với khách du lịch.

Quan trọng hơn, nhà trường cần phải lắng nghe ý kiến của nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và thẳng thắn nhìn nhận về chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên của mình. Khi có nhiều ý kiến góp ý thì phải nghiêm túc xem xét: khâu đào tạo đang gặp vấn đề ở đâu, khoảng trống là gì… sau đó rà soát, sửa đổi, bổ sung, cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của xã hội. Những phản hồi của đơn vị sử dụng lao động đều có tính xây dựng rất cao và nhà trường cần phải tham khảo thường xuyên.

PV: Xin cảm ơn ông./.

https://vov.vn/du-lich/dao-tao-du-lich-bac-dai-hoc-nha-truong-can-lang-nghe-doanh-nghiep-818515.vov - theo vov.vn