Đăng tải hình ảnh người khác với mục đích xấu có thể phải đi tù

10:16 25-05-2022

VOV.VN - Những đối tượng đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội với mục đích xấu sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật? Bản thân mỗi cá nhân có thể làm gì để bảo vệ hình ảnh của mình?

Khoản 2, Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định 2 trường hợp cá nhân, tổ chức có thể sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Thứ nhất là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích công cộng. Thứ hai là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Thế nhưng vẫn có những người sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích xấu, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.


Hình minh họa. Ảnh: Dân trí
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video mang nội dung gây tranh cãi như quan điểm về nam giới miền Bắc, phân biệt con trai đi xe máy tay ga và xe máy số…, trong đó, một cô gái đeo khẩu trang có nói “con trai đi xe số là dơ”. Nhiều kênh Facebook, TikTok không kiểm chứng thông tin đã chia sẻ lại video này. Ngay lập tức, đoạn video đã nhận nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng và những thông tin về cô gái với phát biểu chê con trai đi xe số đã bị phát tán trên mạng xã hội.
N. – nữ sinh trong đoạn video rất sốc khi thấy hình ảnh của mình bị lồng ghép vào thông tin sai lệch như thế và vội vàng lên tiếng đính chính rằng, đây là một sản phẩm cắt ghép, lồng tiếng vào hình một cách cố tình để câu tương tác. Trước đó, N. có chuyến du lịch đến Đà Lạt và được một người tiếp cận xin phỏng vấn. Những câu hỏi đặt ra hoàn toàn không đề cập đến chuyện phân biệt đi xe ga, xe số như nội dung phát tán trên mạng xã hội. Tiếng nói trong đoạn video cũng không phải của N. HM – người dựng và tung đoạn video lên mạng thừa nhận đã ghép giọng nói khác vào hình ảnh của cô gái để câu view, thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Tuy nhiên trên fanpage cá nhân, HM vẫn liên tục có những bài đăng, bình luận thách thức cộng đồng mạng và chế giễu nạn nhân.

N. đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan chức năng với mong muốn nhóm người bôi nhọ hình ảnh của mình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light cho biết, mỗi cá nhân được pháp luật quy định và bảo hộ đối với quyền nhân thân của mình. Trong trường hợp này thì quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình được quy định rất chi tiết tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.

Cụ thể, việc sử dụng các hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Và việc sử dụng những hình ảnh phục vụ của người khác với mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đấy là những quyền nhân thân cơ bản và được Bộ luật Dân sự quy định.

Trong trường hợp nữ sinh N., luật sư Nguyễn Văn Hưng cho rằng, người này đồng ý cho người khác sử dụng hình ảnh của mình, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng họ đã sử dụng không đúng mục đích ban đầu. Đồng thời, đã sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của họ. Rõ ràng trường hợp này, sự việc được chuyển hóa từ việc được người đó đồng tình thành hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo luật sư Hưng, trong trường hợp này, người vi phạm trước hết phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải công khai xin lỗi bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, đối với trường hợp sử dụng hình ảnh đó nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15 năm 2020 NĐCP. Theo đó, mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi này. Nếu như hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Bộ luật hình sự.

Cụ thể, tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về các tội làm nhục người khác. Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, hành vi cắt ghép đó cũng có thể thỏa mãn một tội danh khác, tội vu khống. Nếu người vi phạm cố tình sử dụng những hình ảnh của người khác để vu khống cho họ làm một hành động nào đó mà không có thật. Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ để chứng minh thì người cắt ghép, sử dụng hình ảnh đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vu khống.


Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light
Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng- 1 năm. Cụ thể: Bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, người khác. Đối với tội danh này hình phạt cao nhất theo quy định tại Khoản 3 Điều luật là 7 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-500000 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đấy là một số tội danh theo quy định của Luật hình sự. Do đó, người có hành vi cấp ghép, đăng tải hình ảnh, nhằm bôi nhọ, xuyên tạc người khác có thể bị xem xét đối với 2 tội danh này

Luật sư Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh, hiện nay các trang mạng xã hội rất phát triển, thu hút được lượng người dùng rất đông đảo. Bên cạnh những mặt tích cực cũng có những mặt tiêu cực. Đó là một số đối tượng sử dụng mạng xã hội nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, nói xấu làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Cơ quan chức năng cũng rất kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng này. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, các đối tượng sử dụng các hoạt động công nghệ cao cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng.

Luật sư Hưng khuyến cáo, người nào phát hiện đối tượng nào đó đăng tải hình ảnh của mình lên trên các mạng xã hội với mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu..., việc đầu tiên nên tập hợp đầy đủ các thông tin, những hình ảnh đó để gửi đến cơ quan chức năng làm căn cứ, chứng cứ để các cơ quan chức năng xem xét, tránh trường hợp bị các đối tượng có thể gỡ bài, xóa bài viết sẽ gây khó khăn trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải hết sức lưu ý đối với hoạt động của mình trên các mạng xã hội, tốt nhất mình biết tự bảo vệ mình, tránh tiết lộ quá nhiều thông tin, hình ảnh để các đối tượng xấu lợi dụng./.

https://vov.vn/phap-luat/dang-tai-hinh-anh-nguoi-khac-voi-muc-dich-xau-co-the-phai-di-tu-post945960.vov - theo vov.vn