Đằng sau hàng trăm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga và Trung Quốc

09:30 03-05-2024

VOV.VN - Mỹ ngày 1/5 đã ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cũng như nhắm đến các công ty tại Trung Quốc mà Washington cáo buộc hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Moscow.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với gần 200 mục tiêu, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ định hơn 80 mục tiêu, trong một trong những đợt trừng phạt có phạm vi rộng nhất mà Washington nhắm vào Nga.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong, sau những cảnh báo liên tục từ Washington về việc hỗ trợ cho quân đội Nga, được đưa ra trong các chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken đến nước này.

Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga là một trong các vấn đề đe doạ làm xấu đi sự cải thiện gần đây trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Trong một tuyên bố, bà Yellen cho biết “Bộ Tài chính đã liên tục cảnh báo các công ty sẽ phải đối mặt với những hậu quả trầm trọng khi cung cấp hỗ trợ vật chất trong cuộc xung đột ở Ukraine và Mỹ hiện tại đang áp đặt các lệnh trừng phạt với gần 300 mục tiêu”.

Đại sứ quán Nga tại Washington hiện không đưa ra bất cứ bình luận nào.

 

Theo Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ, chính phủ nước này đang giảm sát việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng (phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự) theo luật pháp và quy định, đồng thời sự trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga là phù hợp với các quy định và nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ông Lưu Bằng Vũ cho biết: “Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của Mỹ”.

Mỹ cùng các quốc gia đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên hàng ngàn mục tiêu kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc xung đột này chứng kiến hàng ngàn người thiệt mạng cũng như phá hủy các thành phố.

Kể từ đó, Washington đã phải tìm cách ngăn chặn các quốc gia và công ty thoát khỏi các biện pháp hạn chế của phương Tây, trong đó có việc áp lệnh trừng pháp đối với các công ty ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Bên cạnh Trung Quốc, các lệnh trừng phạt ngày 1/5 vừa qua cũng đã nhắm tới gần 60 mục tiêu tại Azerbaijan, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE mà nước này cáo buộc đã hỗ trợ Moscow “có được công nghệ và thiết bị thiết yếu từ nước ngoài”.

Động thái này bao gồm các biện pháp trừng phạt một công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà Bộ Tài chính Mỹ cho rằng các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này như cánh quạt, động cơ và cảm biến được sử dụng để chế tạo máy bay không người lái cho một công ty của Nga. Các nhà cung ứng công nghệ khác có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong cũng là mục tiêu của lệnh trừng phạt này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà Washington cáo buộc hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, bao gồm việc vận chuyển các mặt hàng quan trọng cho câc đối tượng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ ở Nga, cũng như cáo buộc các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgyzstan và Malaysia vận chuyển các mặt hàng ưu tiên cao tới Moscow.

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ nước này vô cùng quan ngại về những công ty và tổ chức Trung Quốc đang cung cấp vật tư cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine với lý do rất đơn giản: “Trung Quốc là nguồn cung chính cho các bộ phận quan cho nền tảng công nghiệp quốc phòng Nga và Moscow cũng đang sử dụng chúng để tiếp tục cuộc xung đột tại Ukraine”.

“Nếu Trung Quốc chấm dứt hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng này, Nga sẽ phải vật lộn để duy trì chiến dịch quân sự của mình”, quan chức này nhận định.

Mỹ cũng cáo buộc Nga vi phạm một lệnh cấm vũ khí hoá học toàn cầu. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng cường những nỗ lực nhằm hạn chế việc Nga xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) trong tương lai, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này.

Các công ty con của công ty điện hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga cũng như 12 đơn vị trong công ty Sibanthracite, một trong những nhà sản xuất than luyện kim lớn nhất của Nga, cũng là đối tượng bị nhắm đến.

Bên cạnh đó, Washington đã áp các lệnh trừng phạt với Hãng hàng không Pobeda, một công ty con của hãng hàng không Aeroflot của Nga.

Bộ Thương mại Mỹ trước đó đã bổ sung hơn 200 máy bay Boeing và Airbus do các hãng hàng không Nga vận hành vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, như một phần trong các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Biden đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã trừng phạt 3 người có liên quan đến cái chết của Lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-hang-tram-lenh-trung-phat-cua-my-nham-vao-nga-va-trung-quoc-post1092678.vov - theo vov.vn