Đằng sau cơn ác mộng lớn nhất của Ukraine khi tác chiến với Nga

08:33 15-03-2024

VOV.VN - Thiết lập được ưu thế tác chiến điện tử sẽ giúp một bên vô hiệu hóa vũ khí đối phương mà không gây tổn hại cho chính mình.

Hệ thống tác chiến điện tử Nga chuyên “ngáng đường” Ukraine

Lực lượng Chiến dịch Đặc biệt của Ukraine đã thông báo trên kênh Telegram chính thức của mình rằng hệ thống tác chiến điện tử di động Palantin của Nga đã bị UAV trinh sát của nước này phát hiện khi thăm dò mặt trận Zaporizhzhia. Hệ thống Palantin được cho là đã chế áp các hệ thống liên lạc của quân đội Ukraine trên mặt trận này.

"Lực lượng Chiến dịch Đặc biệt của chúng tôi đã theo dõi mục tiêu và thông báo cho Lực lượng Tên lửa và Pháo binh. Mục tiêu của đối phương đã bị phá hủy", thông báo cho hay.

Mặc dù lực lượng này không nêu cụ thể họ đã phá hủy hệ thống Palantin như thế nào nhưng một số video được công bố sau đó cho thấy nó đã bị phá hủy bởi một tên lửa GMLRS từ pháo phản lực HIMARS của Ukraine.

 

Các nhà quan sát quân sự nhận định đây là một "thắng lợi lớn" cho HIMARS khi hệ thống Palantin không ít lần can thiệp vào hoạt động UAV của Ukraine. Công nghệ này của Nga có thể chặn liên lạc vô tuyến và thiết bị tình báo điện tử trong một khu vực trải dài 1.000km.

 

Những khả năng của thiết bị này khiến cho các hệ thống của đối phương không thể hoạt động. Không chỉ vậy, để tăng cường hiệu quả, hệ thống Palantin có thể tạo nên một hệ thống các hệ thống bằng cách kết hợp một số mạng lưới trinh sát và tác chiến điện tử thành một mạng lưới phối hợp ăn ý với nhau.

 

Palantin bắt đầu được Quân khu Miền Tây của Nga sử dụng vào tháng 4/2019 trong một cuộc tận trận gần Voronezh. Là một trụ cột chính trong mạng lưới tác chiến điện tử của Nga nhằm vào Ukraine, Palantin đã được triển khai trên diện rộng.

Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận về cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào hệ thống tác chiến điện tử Palantin vào tháng 6/2022. Các lực lượng của Ukraine vào tháng 2/2023 tuyên bố họ đã sử dụng pháo chính xác tiến hành một cuộc tấn công khác nhằm vô hiệu hóa hệ thống này. Dù vậy, hiện chưa thể xác minh số lượng hệ thống Palantin mà Ukraine đã phá hủy cho đến nay.

Cơn ác mộng lớn nhất

Nga được cho là chiếm ưu thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử trong cuộc xung đột ở Ukraine khi thường sử dụng những hệ thống này để vô hiệu hóa UAV, bom và tên lửa của đối phương.

Một báo cáo được Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) công bố ngày 22/11/2023 cho thấy, đa số UAV của Ukraine bị các hệ thống tác chiến điện tử của Nga phá hủy.

Một phần trong các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc hồi tháng 4 năm ngoái tiết lộ Mỹ lo ngại các hệ thống gây nhiễu của Nga đang làm giảm độ chính xác của các vũ khí do Washington sản xuất được cung cấp cho Kiev. Các nhà phân tích quân sự nhận định, trong khi Nga chưa đạt được thành quả quân sự đột phá trên chiến trường Ukraine thì rõ ràng nước này có ưu thế lớn hơn về tác chiến điện tử.

 

Một báo cáo khác của RUSI công bố vào tháng 5/2023 ước tính, cứ 10km thì Nga có một hệ thống tác chiến điện tử dọc tiền tuyến. Ngoài ra, những tiến bộ trong tác chiến điện tử đồng nghĩa với việc Ukraine cần các vũ khí mới để thay thế các tên lửa của Mỹ hoặc điều chỉnh để vượt qua hệ thống của Nga. Báo cáo này cũng khẳng định Nga đang phá hủy kỷ lục 333 UAV của Ukraine mỗi ngày.

Khi các máy bay không người lái này trở thành "con mồi" của tác chiến điện tử thì chúng sẽ bay vòng tròn cho đến khi hết pin và cuối cùng rơi xuống đất.

Nga cũng chủ động triển khai các hệ thống tác chiến điện tử để làm chệch hướng vũ khí dẫn đường chính xác của Ukraine, trong đó có các tên lửa HIMARS, đạn pháo Excalibur giữa bối cảnh những khó khăn của Kiev để bắt kịp các biện pháp phản ứng của Moscow ngày càng gia tăng. Mặc dù UAV được tăng cường sử dụng trên tiền tuyến nhưng 60 - 80% các cuộc giao tranh vẫn liên quan dến pháo và tên lửa.

Trong tác chiến hiện đại, việc kiểm soát phổ điện từ để gây nhiễu UAV đối phương và đảm bảo các UAV của mình không bị gián đoạn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thiết lập được ưu thế tác chiến điện tử sẽ giúp một bên vô hiệu hóa đối phương mà không gây tổn hại cho chính mình.

Cả Nga và Ukraine đều tiếp tục nỗ lực nâng cấp năng lực tác chiến điện tử. Ukraine thông báo, bên cạnh tăng cường quy mô sản xuất UAV, nước này cũng mở rộng sản xuất các hệ thống tác chiến điện tử để đối phó với UAV của Nga.

Trong khi Ukraine đang sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử thời Liên Xô từ khi xung đột nổ ra thì hiện nước này đã triển khai một hệ thống tác chiến điện tử trên toàn quốc có tên là Pokrova. Trong khi thông tin chi tiết về hệ thống này vẫn khan hiếm thì mục tiêu chính của nó là "chế áp định vị vô tuyến vệ tinh dọc giới tuyến và ở hầu hết các khu vực của Ukraine, đồng thời thay thế trường định vị vô tuyến vệ tinh (đánh lừa)".

Kể từ nửa sau năm 2023, Ukraine đã tập trung nỗ lực phá hủy các hệ thống tác chiến điện tử của Nga, vốn đóng vai trò chủ yếu trong việc cản trở Kiev sử dụng các vũ khí tiên tiến.

https://vov.vn/the-gioi/dang-sau-con-ac-mong-lon-nhat-cua-ukraine-khi-tac-chien-voi-nga-post1082647.vov - theo vov.vn