Đàm phán chấm dứt xung đột Nga-Ukraine: Trung Quốc nhập cuộc, Phương Tây mâu thuẫn

10:52 15-05-2023

VOV.VN - Trung Quốc được cho là đang tích cực thể hiện vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, còn các quan chức Phương Tây vẫn đang mâu thuẫn trong việc thúc đẩy một cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên.

Kế hoạch phản công của Ukraine nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ đã làm lu mờ triển vọng tìm kiếm một giải pháp tiềm năng cho cuộc xung đột, nhưng một số quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng, giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột có thể tạo đòn bẩy cho tiến trình ngoại giao.

Không bên nào chấp nhận thỏa hiệp

Vẫn chưa rõ Phương Tây định nghĩa ra sao về thành công của cuộc phản công mà Ukraine đang có kế hoạch thực hiện. Trong khi đó, các chuyên gia quân sự đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau về khả năng Ukraine giành lại lãnh thổ sau hơn một năm xung đột. Hiện, Nga không có dấu hiệu nhượng bộ hoặc tham gia vào một cuộc đàm phán thực sự. Còn Mỹ vẫn hoài nghi trước bất cứ lời kêu gọi ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt là những lời kêu gọi đến từ Trung Quốc - một đối thủ cạnh tranh lớn của Washington.

 

Bắc Kinh được cho là đang tích cực thể hiện vai trò hòa giải, dù có sự liên kết chiến lược ngày càng chặt chẽ hơn với Nga. Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã có chuyến công du khắp châu Âu trong tuần này để thuyết phục các bên tin rằng Bắc Kinh có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Trong khi đó tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp những người đồng cấp từ Anh và Tây Ban Nha để củng cố các cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, gửi đi thông điệp rằng ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ Ukraine giành được chiến thắng. Phát biểu trong cuộc gặp Ngoại trưởng Anh James Cleverly, ông Blinken cho biết, Ukraine sẽ có “những gì họ cần để tiếp tục thành công trong việc giành lại các vùng lãnh thổ đã rơi vào tay Nga trong cuộc chiến kéo dài suốt 14 tháng qua”.

 

Giống như người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Anh Cleverly hoàn toàn không đề cập vấn đề ngoại giao với Nga mà chủ yếu tập trung vào viện trợ quân sự: “Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bất kể họ có giành được lợi thế lớn trên chiến trường trong cuộc phản công sắp tới hay không”. Chính phủ Ukraine cũng nói rằng họ sẽ không đồng ý đàm phán cho đến khi đẩy lùi được lực lượng Nga.

Theo một số quan chức Mỹ, các trợ lý của Tổng thống Biden, trong khi dự đoán những kịch bản chấm dứt xung đột, đã cố gắng xác định một kết quả mà cả Nga và Ukraine có thể chấp nhận được nếu hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình. Họ cho biết, kịch bản tốt nhất là Ukraine sẽ đạt được những lợi ích đáng kể trong cuộc phản công và điều này sẽ giúp Kiev có nhiều đòn bẩy hơn trong bất cứ cuộc đàm phán nào. Nhưng giới quan sát cho rằng, dù bất cứ tình huống nào xảy ra thì Ukraine rất khó có khả năng thỏa hiệp, còn với Nga điều này gần như không thể.

Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ tuần trước, bà Avril Haines, giám đốc Tình Báo Quốc Gia Mỹ lưu ý, ngay cả khi Tổng thống Putin thu hẹp mục tiêu của chiến dịch quân sự tại Ukraine thì khả năng Nga nhượng bộ trong bất cứ cuộc đàm phán nào diễn ra trong năm nay sẽ rất thấp, bởi Moscow luôn tin tưởng họ có thể chiến thắng trong một cuộc xung đột tiêu hao. Một quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho rằng, với dân số lớn và có sẵn các nguồn lực dự trữ, Nga có thể chỉ cần ban hành thêm một sắc lệnh huy động lực lượng để khôi phục sức mạnh quân sự của nước này.

Chưa kể, Tổng thống Putin cũng có thể tận dụng thời cơ khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ bắt đầu vào năm 2024, được cho là sẽ gây ra nhiều xáo trộn trên chính trường Mỹ. Ứng cử viên Donald Trump và một số chính trị gia trong đảng Cộng hòa đã chỉ trích sự hỗ trợ của chính quyền Biden dành cho Ukraine, cho đây là hành động “lãng phí và nguy hiểm”.

Trung Quốc nỗ lực làm trung gian hòa giải

Trung Quốc đã tích cực thể hiện vai trò hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraine kể từ khi nước này công bố một sáng kiến hòa bình vào tháng 2/2023. Mặc dù ông Blinken và một số nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu nói rằng họ để ngỏ khả năng sẽ công nhận vai trò của Trung Quốc trong tương lai, nhưng vẫn chỉ trích Bắc Kinh vì không bày tỏ lập trường cứng rắn với Nga kể từ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong khi Mỹ và châu Âu nỗ lực trừng phạt và cô lập Nga thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow vào tháng 3 năm nay, đồng thời cam kết tiếp tục phát triển quan hệ đối tác giữa 2 bên.

Ông Blinken cho biết: “Về mặt nguyên tắc, nếu các quốc gia, đặc biệt là những nước có ảnh hưởng đáng kể như Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong tìm kiếm giải pháp hòa bình thì đây sẽ là điều tốt”.

Nhà Trắng cho biết Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc trò chuyện với ông Vương Nghị, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc, trong cuộc họp hai ngày tại Vienna, Áo trong tuần qua.

Mâu thuẫn giữa các quan chức phương Tây 

Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra trong các cuộc tranh luận tại Washington về vấn đề đàm phán hòa bình giữa Nga-Ukraine, trong đó có cả những ý kiến mâu thuẫn nhau. Một số người cho rằng, nếu Ukraine đạt được những bước tiến đáng kể sau cuộc phản công thì đây là lúc Kiev nên đàm phán. Nhưng lại có người phản đối và nói rằng, Ukraine nên gác lại vấn đề ngoại giao và tiếp tục chiến đấu. Trong trường hợp Ukraine không thể giành lại những vùng lãnh thổ quan trọng, một số quan chức Mỹ và châu Âu lưu ý, ông Zelensky vẫn nên hướng tới một giải pháp thương lượng.

Trong số các quan chức hàng đầu của Mỹ, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, là người ủng hộ mạnh mẽ nhất các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, bởi theo ông một cuộc chiến kéo dài sẽ gây ra nhiều thương vong hơn cho các bên. Còn Ngoại trưởng Mỹ Blinken lại đưa ra quan điểm khác, ông nhấn mạnh: “Phải khiến Tổng thống Putin và người Nga thay đổi suy nghĩ để họ tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa”. Ít nhất hai lần trong thời gian qua, ông Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc Ukraine phải tiếp tục sử dụng vũ lực để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng một kế hoạch hòa bình “chính đáng và lâu dài” sẽ không thể chấp nhận những gì Nga đã làm đó là kiểm soát quá nhiều lãnh thổ của Ukraine và cũng không nên có những điều khoản mà Moscow có thể tận dụng để tái trang bị và tiếp tục tấn công sau đó.

Còn theo một số quan chức Mỹ, trong thỏa thuận hòa bình, ít nhất phải có điều khoản buộc Nga phi quân sự hóa Crimea để họ không thể sử dụng nơi đây làm bàn đạp tiến hành các cuộc tấn công Ukraien trong tương lai. Nhưng điều khoản này chắc chắn  khó được Tổng thống Putin chấp nhận, bởi Crimea là căn cứ quan trọng của Hạm đội Biển Đen của Nga./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dam-phan-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-trung-quoc-nhap-cuoc-phuong-tay-mau-thuan-post1020116.vov - theo vov.vn