Đà Nẵng đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới
08:50 14-09-2022
VOV.VN - Năm học 2022 - 2023 đã diễn ra được 1 tuần, thế nhưng tại thành phố Đà Nẵng, việc phân bổ biên chế giáo viên không theo kịp nhu cầu thực tế của nhiều địa phương. Không có biên chế, nhiều trường đành thuê giáo viên hợp đồng.
Năm học này, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đang thiếu 4 giáo viên. Giải pháp tạm thời được nhà trường vận dụng là vận động giáo viên về hưu tiếp tục đứng lớp, ngoài ra, hợp đồng với 2 giáo viên trẻ dạy môn tiếng Anh để đáp ứng đủ tiêu chí tối thiểu cho chương trình mới.
Cô Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho biết: “Chúng tôi phải nhờ bên Sở Nội vụ tìm giúp những bạn nào nộp hồ sơ mà chưa thi cứ liên hệ với trường. Thực ra nhu cầu trường nào cũng thiếu, không ít thì nhiều. Có bạn điện thoại cho tôi nhưng tôi đang bận họp nói lát điện lại, nhưng khi điện lại, họ đã nhận lời trường khác rồi”.
Một số trường học ở thành phố Đà Nẵng được nâng cấp xây dựng mới cũng chưa khai thác hết công suất do không bảo đảm giáo viên đứng lớp. Chỉ tiêu biên chế hạn chế trong khi nhu cầu giảng dạy và sĩ số học sinh ngày càng tăng.
Năm học mới, một số địa phương ở Đà Nẵng đang thiếu giáo viên.
Tháng 5 năm nay, Trường mầm non Hương Sen ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng được đầu tư xây dựng mới 16 phòng học, 2 phòng chức năng, tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Sau thông báo tuyển sinh năm học đầu tiên, trường đã nhận khoảng 500 hồ sơ học sinh, dự kiến tiếp nhận 5 nhóm lớp với khoảng 150 em. Tuy nhiên, 2 lớp nhỏ đã “trúng tuyển” trước đó phải thông báo hủy lớp.
Cô Nguyễn Thị Lệ Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sen cho biết, nhà trường chỉ khai giảng được 3 lớp học cho 95 học sinh lớp nhỡ và lớn: “Lý do là không có biên chế, không có con người. Quận và Phòng Nội vụ rà soát lại tất cả các trường trên địa bàn quận, đưa về đây được 6 giáo viên nên chỉ mở được 3 lớp”.
Chỉ tiêu biên chế hạn chế trong khi nhu cầu giảng dạy và sĩ số học sinh ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân thiếu giáo viên.
Năm nay, các trường học tại thành phố Đà Nẵng thực hiện song song 2 chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 và 2018 theo căn cứ các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, do số lượng học sinh tăng nên một số địa phương thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Dù đã cố gắng phân bổ giáo viên để đảm bảo hệ số đứng lớp nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra. Có nhiều nguyên nhân như không tuyển dụng được giáo viên, giáo viên không nhận nhiệm sở, cơ cấu giáo viên môn Tiếng Anh chưa đảm bảo hệ số 1,5 theo yêu cầu.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết: Sở chỉ đạo trước mắt, các trường chủ động sắp xếp, phân công giáo viên phù hợp để tổ chức dạy học; ở bậc tiểu học, trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên được bố trí trong năm 2022 để tính tăng thay cho giáo viên hoặc có thể điều chỉnh số tiết Tiếng Anh tự chọn lớp 4, lớp 5 phù hợp để dạy Tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2.
“Chúng ta đang thực hiện việc tinh giản biên chế trên toàn quốc thì việc tăng biên chế ở một địa phương hay ở một ngành đều rất khó. Chúng tôi đang vận động các tổ chức có thể xã hội hóa xây dựng các trường để giảm bớt sức học tại các trường công lập. Chỉ có chính sách đó thì mới đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân”, ông Mai Tấn Linh cho hay./.
https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-doi-mat-voi-tinh-trang-thieu-giao-vien-trong-nam-hoc-moi-post955462.vov - theo vov.vn