Covid-19 phơi bày sự phân tầng sâu sắc trong xã hội Mỹ
08:43 28-04-2020
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đã khiến sự phân tầng xã hội ở Mỹ ngày càng thêm sâu sắc với sự nổi lên của 4 nhóm người mới rất cần được quan tâm.
Nhóm làm việc từ xa: Đây là những chuyên gia, quản lý và các kỹ sư công nghệ chiếm khoảng 35% lực lượng lao động tại Mỹ. Họ là những người phải làm việc hàng giờ liền trên máy tính, tham gia các cuộc hội thảo từ xa, gửi tài liệu qua email và may mắn vẫn nhận được lương như trước khi đại dịch xảy ra. Rất nhiều người trong số này cảm thấy buồn chán và lo lắng nhưng ít nhất họ vẫn được trả lương tốt hơn so với 3 nhóm còn lại.
Những người vô gia cư ngủ ngay trên một bãi đỗ xe tại Las Vegas, Mỹ. Họ phải nằm cách xa nhau để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: AP
Nhóm làm việc thiết yếu: Bao gồm các y, bác sỹ, những người chăm sóc trẻ nhỏ hay phụ việc trong các gia đình, nông dân, người chế biến thực phẩm, tài xế xe tải, nhân viên kho bãi, vận chuyển, dược sỹ, cảnh sát, cứu hỏa, binh sĩ… Họ chiếm khoảng 30% lực lượng lao động.
Rất nhiều người trong nhóm này đang phải làm việc mà không có thiết bị bảo hộ y tế, không được nghỉ ngơi, không có bảo hiểm y tế và con cái của họ không được quan tâm chăm sóc. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi các trường học vẫn phải đóng cửa do dịch bệnh. Trong khi đó, thu nhập của họ ở mức thấp khủng khiếp.
Tình trạng dễ bị tổn thương trước đại dịch của nhóm lao động này đã dẫn đến một loạt các cuộc phản đối diễn ra tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Instacart, Amazon, Walmart và Whole Foods. Trong khi đó, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đang kêu gọi đình công.
Nhóm không được trả lương: Những người này thậm chí còn đông đảo hơn nhóm bị thất nghiệp và có thể chiếm tới 25% lực lượng lao động- con số tương đương thời kỳ Đại Suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước tại Mỹ. Một vài người trong số này đang phải tạm nghỉ việc.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cho đến thời điểm này, khoảng 43% những người trong độ tuổi lao động tại Mỹ cho biết, họ hoặc người thân trong gia đình đã bị mất việc làm hoặc không được chi trả lương và khoảng 9,2 triệu người không còn nhận được bảo hiểm y tế từ nơi họ làm việc.
Hầu hết trong số này làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cá nhân vốn không thể làm việc từ xa như bán lẻ, nhân viên nhà hàng, khách sạn, du lịch… Tuy nhiên, những người này đang phải chịu tác động nghiêm trọng từ dịch Covid-19 khi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và nhiều cơ quan, tập đoàn đã phải sa thải hàng loạt lao động do điều kiện kinh tế khó khăn.
Không may, những người không được trả lương lại là nhóm người cần tiền nhất để nuôi sống gia đình và chi trả tiền thuê nhà. Cũng theo một nghiên cứu của Pew, chưa đến 50% trong số này có những khoản tích góp đủ trang trải cho những tình huống khẩn cấp kéo dài trong vòng 3 tháng. Cho đến thời điểm này, Chính phủ Mỹ cũng chưa làm gì nhiều để cứu họ. Bộ Tài chính Mỹ cũng chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì liên quan đến nhóm người này.
Trong khi đó, việc xin trợ cấp cũng không mấy khả quan bởi trong những ngày gần đây, các cơ quan an sinh xã hội ở Mỹ “chìm ngập” trong đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp nên chưa thể giải ngân tiền trợ cấp thất nghiệp. Các khoản cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ giờ đã “phình to khủng khiếp” trên giấy tờ trong khi trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa nhận được khoản tiền trợ cấp nào.
Tình trạng trên ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell tuyên bố, ông phản đối mọi sự hỗ trợ của liên bang dành cho chính quyền các bang và địa phương, thay vì thế, theo ông Mitch McConnell, các bang nên tự tuyên bố phá sản. Điều này đồng nghĩa với việc những người nhận bảo hiểm thất nghiệp nhận được ngày càng ít tiền hơn.
Sự thất vọng của nhóm không được trả lương đã làm dấy lên yêu cầu “mở cửa trở lại nền kinh tế” trước cả thời điểm được cho là an toàn về mặt y tế. Thậm chí nhiều người chấp nhận “đánh cược với số phận” để có được thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày.
Các nhân viên y tế Mỹ phải làm việc hết sức vất vả trong dịch bệnh nhưng thu nhập của họ rất thấp. Ảnh: AP
Nhóm những người bị quên lãng: Nhóm này gồm những người mà việc thực thi giãn cách xã hội gần như là không thể vì họ bị nhồi nhét vào những nơi chật chội mà hầu hết người dân Mỹ không để mắt đến như nhà tù, trại giam các khu trại dành cho người nhập cư hay những trung tâm bảo trợ người vô gia cư…
Đây cũng chính là những “điểm nóng” dễ lây lan Covid-19. Những người này cần một không gian an toàn, được chăm sóc y tế đầy đủ, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, xét nghiệm bệnh và cách ly khỏi những người đã bị nhiễm bệnh. Đáng tiếc là rất ít người trong số này được tiếp cận đầy đủ nhưng dịch vụ y tế nói trên.
Một điều không đáng ngạc nhiên là 3 nhóm còn lại trong xã hội Mỹ chủ yếu là những người nghèo khó, da màu hoặc người Mỹ Latin và rất nhiều người trong số này bị mắc Covid-19. Thống kê cho thấy, gần 33% người thiệt mạng vì Covid-19 là người Mỹ gốc Phi trong khi họ chỉ chiếm khoảng 14% tổng dân số tại khu vực được thống kê. 4 trong tổng số 10 khu vực lây nhiễm lớn nhất tại Mỹ là tại các trại giáo dưỡng.
Tuy nhiên, bản thân nhóm làm việc từ xa giờ cũng phải sống trong sợ hãi không chỉ bởi tác động của sự chia rẽ giai tầng ngày càng sâu sắc hơn trong đại dịch Covid-19 mà còn bởi thực tế, nếu nhóm làm việc thiết yếu không được bảo vệ đầy đủ, nhóm không được trả lương bị buộc phải quay trở lại làm việc sớm hơn thời điểm an toàn sau dịch bệnh và nhóm bị quên lãng vẫn sẽ bị quên lãng, sẽ chẳng có ai được an toàn nữa. Covid-19 sẽ lan rộng trên khắp nước Mỹ gây dịch bệnh và tử vong trong hàng tháng trời nếu không muốn nói là hàng năm trời./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/covid19-phoi-bay-su-phan-tang-sau-sac-trong-xa-hoi-my-1042450.vov - theo vov.vn