Covid-19 khiến cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trở nên khốc liệt hơn

10:15 22-05-2020

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn trên một số lĩnh vực.

Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đã leo thang căng thẳng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang lây lan khắp thế giới. Đây là một sự thật rõ ràng. Một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc tuần này cảnh báo nguy cơ Mỹ và Trung Quốc có thể rơi vào xung đột nếu các bên thiếu kiềm chế. Nhưng tại sao cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc lại trở nên khốc liệt hơn vào thời điểm này, khi mà thế giới cần sự hợp tác để chống lại đại dịch? Nhiều nhà phân tích đã đi tìm kiếm câu trả lời.


Cạnh tranh Mỹ-Trung tăng nhiệt trước cuộc khủng hoảng Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Trước khi xảy ra đại dịch, các chuyên gia tại Mỹ và Trung Quốc dường như đã dự trù sẵn kịch bản hai bên sẽ là đối thủ chính trị chính của nhau trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu có thể phá vỡ xu hướng này, làm thay đổi tiến trình sự kiện, khiến nó đảo chiều nhưng cũng có thể khiến nó diễn biến nhanh hơn. Theo các nhà phân tích, có một số lĩnh vực mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19.

1. Cạnh tranh quân sự

Trước khi dịch bệnh xảy ra, Mỹ và Trung Quốc đã có sự cạnh tranh sâu sắc về mặt quân sự. Bắc Kinh đã tận dụng lợi thế của việc mở rộng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ để xây dựng một kho vũ khí quân sự đáng gờm. Với ngân sách quốc phòng tăng vọt trong thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã được xếp vào hàng ngũ quân đội hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có trí tuệ nhân tạo và tên lửa đạn đạo chống hạm. Trung Quốc đã gia tăng hoạt động quân sự ở châu Á, làm gia tăng rủi ro cho quân đội Mỹ hoạt động trong khu vực. Nhiều quan chức Mỹ thậm chí tin rằng, Bắc Kinh có ý định làm suy yếu các liên minh quân sự của Washington và cuối cùng đẩy quân đội và các căn cứ của Mỹ ra khỏi châu Á.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện dường như đã làm nóng thêm cuộc cạnh tranh quân sự giữa hai nước. Bắc Kinh gần đây đã đơn phương công bố những khu hành chính mới ở Biển Đông, đưa tàu khảo sát vào hoạt động gần tàu thăm dò của Malaysia và Philippines, tăng cường hoạt động diễn tập quân sự. Trung Quốc dường như coi đại dịch là cơ hội để thúc đẩy lợi ích của nước này.

Về phần mình, Mỹ cho rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn Trung Quốc tại châu Á. Vào đầu tháng 4/2020, Bộ Tự lệnh đặc trách khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đã trình lên Quốc hội đề xuất danh sách đầu tư quốc phòng 20 tỷ USD, với mong muốn tăng cường năng lực quân sự và trấn an các đồng minh. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ.

Mặc dù cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra có thể hạn chế ngân sách quốc phòng của Mỹ nhưng quân đội và các nhà lập pháp dường như có chung quan điểm phải bảo vệ các nguồn lực được phân bổ cho cuộc cạnh tranh quân sự với Trung Quốc.

2. Phân tách về mặt kinh tế

Trước đại dịch, đã có những cuộc tranh luận về việc liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc có quá phụ thuộc vào nhau hay không. Nhiều người cho rằng sự liên kết về kinh tế có thể gây ra rủi ro cho chuỗi cung ứng, việc làm, thậm chí an ninh của Mỹ. Lo ngại này đã khiến các nhà hoạch định chính sách cân nhắc xem liệu có nên tách rời 2 nền kinh tế hay không và những biện pháp gì mà Washington có thể thực hiện để ngăn Trung Quốc đầu tư vào các ngành công nghiệp nhạy cảm cũng như cách thức giúp nền kinh tế Mỹ tăng cường năng lực cạnh tranh.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã đặt ra những câu hỏi cấp bách mới, cho thấy sự thiếu hụt trang thiết bị và nguyên vật liệu thiết yếu trong cuộc sống. Khi Mỹ và nhiều quốc gia nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, khẩu trang y tế và thiết bị chăm sóc sức khỏe khác, những cuộc tranh luận đã chuyển từ việc tập trung phát triển công nghệ cao và đầu tư sang sản xuất sản phẩm cấp thấp hơn. Một dự luật của lưỡng đảng nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong lĩnh vực dược phẩm đang được thúc đẩy tại Quốc hội, ngoài ra các cuộc thảo luận về kế hoạch công nghiệp hóa quốc gia cũng đang được chú ý.
3. Công nghệ

Trước khi dịch Covid-19 hoành hành, Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh trong một số lĩnh vực công nghệ mới nổi, trong đó có giám sát kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là công nghệ 5G. Nhờ trợ cấp của chính phủ, các công ty của Trung Quốc có thể cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhanh hơn và rẻ hơn so với đối tác của họ ở Mỹ hoặc châu Âu. Trong đó, tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc đã sẵn sàng thống lĩnh thị trường 5G, mặc dù phủ nhận sự hỗ trợ của chính phủ.

Hồi tháng 5/2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt Huawei vào danh sách đen kinh tế. Bên cạnh đó, Mỹ đã thuyết phục các đồng minh tránh xa thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei vì lo ngại nguy cơ đe dọa an ninh mạng.

Theo giới quan sát, cuộc cạnh tranh về công nghệ giữa hai quốc gia sẽ được khuếch đại thời kỳ hậu Covid-19, khi chính phủ Trung Quốc thể hiện rõ lập trường sẽ đẩy mạnh nỗ lực chiếm lĩnh không gian công nghệ mới. Trung Quốc là một trong số những quốc gia sử dụng công nghệ giám sát kỹ thuật số để quản lý đại dịch, do đó nước này có thể tìm cách xuất khẩu công nghệ như một phần của việc phát triển Con đường Tơ lụa kỹ thuật số. Nếu Mỹ không áp dụng các giải pháp kỹ thuật số của riêng họ, Trung Quốc có thể đạt được lợi thế trong cuộc cạnh tranh về công nghệ.

4. Trật tự quốc tế trong tương lai

Trước đại dịch, Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh về tương lai của trật tự quốc tế: các quy định, quy tắc và thể chế chi phối chính trị quốc tế. Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, các chiến lược gia tại Mỹ lo ngại Bắc Kinh đang tìm cách làm suy yếu các thành phần cấu thành nên trật tự quốc tế tự do. Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm quy tắc hàng hải ở Biển Đông, cho rằng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang gây bất lợi cho Mỹ.

Sự cạnh tranh về trật tự quốc tế lại càng thể hiện rõ nét hơn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp viện trợ y tế cho châu Âu, Trung Đông, châu Phi, để khẳng định nước này là một “lãnh đạo” toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Tuy nhiên đã có nhiều nhà phê bình hoài nghi về ý định thực sự của nước này, cho rằng Trung Quốc đang cố tình che giấu hình ảnh là nơi khởi phát dịch bệnh.

Về phần mình, Mỹ dường như đẩy mạnh việc chĩa mũi nhọn vào Bắc Kinh hơn là thúc đẩy một chương trình phục hồi kinh tế, sử dụng thuật ngữ “virus Vũ Hán” và dừng tài trợ cho WHO vì cho rằng tổ chức này theo đuổi lập trường có lợi cho Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng nếu các tổ chức quốc tế và các nhóm cấp cao vẫn là địa điểm để Mỹ và Trung Quốc khẳng định đặc quyền của mình thì điều đó sẽ dẫn đến nhận thức cho rằng trật tự quốc tế hiện nay đang thất bại và cần phải tạo ra một trật tự quốc tế mới.

Sau tất cả, cạnh tranh về quân sự, kinh tế, công nghệ.. sẽ là một phần của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quố trong nhiều năm tới. Đại dịch Covid-19 chỉ khiến bức tranh này trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, theo cạnh tranh chiến lược không nên cản trở sự hợp tác cần thiết để chống lại đại dịch.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều coi nhau là đối thủ chính nhưng hai bên cần phải chia sẻ các sáng kiến để khôi phục kinh tế toàn cầu, bởi cả hai quốc gia này sẽ không thể phục hồi sức mạnh về kinh tế khi cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ đại suy thoái. Hơn nữa, Washington và Bắc Kinh cần phải chia sẻ mối quan tâm trong việc tìm kiếm một loại vaccine hiệu quả trên toàn cầu vì nếu không có vaccine sẽ không một quốc gia nào đạt được khả năng miễn dịch hoàn toàn khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn ở những nơi khác./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/covid19-khien-canh-tranh-mytrung-quoc-tro-nen-khoc-liet-hon-1051025.vov - theo vov.vn