“Công tác tái thiết sau thiên tai hiện nay còn chậm, cơ sở hạ tầng ứng phó vẫn rất thấp”

09:42 02-07-2021

VOV.VN - Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay công tác tái thiết sau thiên tai vẫn còn chậm, cơ sở hạ tầng ứng phó còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra.

Nâng cao công tác dự báo thiên tai để đạt được mục tiêu kép

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, các đại biểu đánh giá công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã có những nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra không ít những điểm cần lưu ý trong thời gian tới như vẫn còn một số vấn đề bất cập và chậm triển khai. Thậm chí, một số nhiệm vụ còn chưa triển khai, chậm tiến độ.

Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng. Một số nhiệm vụ mới được triển khai chưa có tiền lệ nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo Hội nghị.
Đặc biệt trong đó còn có những thách thức rất lớn cần gấp rút nghiên cứu ứng phó như hệ thống đê điều còn nhiều điểm xung yếu, nếu xảy ra vỡ đê sẽ là một thảm họa.

Cụ thể, 200 điểm trọng điểm xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mùa lũ; 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống cũ, hư hỏng; 233km kè hư hỏng, xung yếu.

Nhiều sự cố đê điều, trọng điểm xung yếu đặc biệt nguy hiểm nhưng chưa được đầu tư xử lý triệt để như: Cống Tác Giang, Cầm Đình, Liên Nghĩa, Liên Mạc... đê biển Hải Hậu, Nam Định, tiềm ấn nguy cơ vỡ đê khi xảy ra lũ, bão lớn. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm 2020 thiên tai xảy ra tại Việt Nam rất khốc liệt, đặc biệt lũ lụt ở miền Trung. Sau rất nhiều năm số người chết do thiên tai tăng rất lớn, nhưng số người chết trên biển, nơi thường được tập trung ứng phó lại ít hơn rất nhiều so với trên bờ (chủ yếu số người chết trong năm 2020 do thiên tai chịu ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất).


Toàn cảnh Hội nghị.
“Năm nay chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị rà soát công tác với tinh thần phòng là chính, phòng thiên tai như là chống thiên tai. Cùng với việc di dời dân thì có các biện pháp sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp để giảm thiểu số lượng người bị thiệt mạng do thiên tai xuống mức thấp nhất”, ông Hiệp cho hay.

Theo ông Hiệp, mùa mưa bão năm 2021 có thể nhẹ hơn năm 2020, tuy nhiên mưa lớn, mưa cực đoan lại diễn biến khốc liệt hơn. Đây là điều rất bất thường, chính vì vậy Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT khuyến cáo các địa phương thực hiên nghiêm các kịch bản đã được phê duyệt. Lấy phòng làm chính, trong lấy phòng các địa phương phải xác định rõ các địa điểm có nguy cơ cao. Phải đảm bảo di dân trên bờ như di dân trên biển để giảm thiểu số lượng người chết do thiên tai xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, do điều kiện dịch Covid-19 nên khi di dân cần đảm bảo các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch.

“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bên để làm sao cố gắng nâng cao công tác dự báo thiên tai để có thể đưa ra các cảnh báo kịp thời. Từ đó đạt được mục tiêu kép là vừa hạn chế di dân khi thiên tai đến lại có thể hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19”, ông Hiệp chia sẻ.

Tái thiết sau thiên tai còn chậm, cơ sở hạ tầng ứng phó còn rất thấp

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hiệp cho rằng, hiện nay sức chống chịu của hạ tầng trong thiên tai đang ngày càng tốt hơn, tuy nhiên so với yêu cầu đang ở mức rất thấp. Để khắc phục vấn đề này, từ Trung ương xuống các địa phương đang nỗ lực tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai khốc liệt.


Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện nay công tác tái thiết sau thiên tai vẫn còn chậm, cơ sở hạ tầng ứng phó còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra. (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN)
Thứ trưởng Hiệp lưu ý, các địa phương cần tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có, phải đảm bảo các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, công sở,…để khi thiên tai xảy ra sẽ là điểm sơ tán dân, tránh thiên tai.

Cùng với đó là cần đảm bảo hạ tầng giao thông, tránh bị chia cắt. Khi giao thông bị chia cắt sẽ khiến công tác tiếp cận hiện trường, cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm là không thể. Chính vì vậy các địa phương cần có các phương án, đặc biệt là các trang thiết bị đặc chủng để có thể di chuyển nhanh và đảm bảo an toàn nhất cho các lực lượng cứu hộ cứu nạn đến các nơi bị thiên tai.

Ngoài ra, công tác tái thiết sau thiên tai cần hết sức chú trọng trong thời gian tới. Đây là một trong những trọng tâm được Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT hết sức quan tâm bằng rất nhiều văn bản, chủ trương để cho công tác tái thiết sau thiên tai được đẩy nhanh và hiệu quả hơn.

“Thậm chí các thủ tục phải được rút gọn hơn, hiện nay nhiều thủ tục các địa phương không dám làm cho nhanh hơn. Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác tái thiết sau thiên tai. Thực tế khôi phục sản xuất sau thiên tai chúng ta làm rất nhanh nhưng hạ tầng, nhất là hạ tầng thiết yếu như nhà ở, đường giao thông, trường học, bệnh xá,…vẫn làm còn chậm so với yêu cầu đặt ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh./.

https://vov.vn/xa-hoi/cong-tac-tai-thiet-sau-thien-tai-hien-nay-con-cham-co-so-ha-tang-ung-pho-van-rat-thap-870574.vov - theo vov.vn