Còn nhiều thách thức trong việc Việt Nam nỗ lực giảm nghèo đa chiều

10:32 17-10-2022

VOV.VN - Tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách.

Cách đây 5 năm, gia đình chị Ly Lỳ So, dân tộc La Hủ, ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của bản. Với 6 nhân khẩu, cuộc sống gia đình quanh năm rơi vào cảnh bữa đói, bữa no. Nhờ được vay vốn, cán bộ về dạy làm lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi con lợn, con gà nên năm nay có thu nhập ổn định, không chỉ đủ ăn mà còn có tới 15 con trâu, bò.

 

“Tập tục lạc hậu bây giờ cũng đã được đẩy lùi đi nhiều rồi, không phải như trước nữa, người dân cũng hiểu biết hơn rồi. Cán bộ xuống làm việc với dân bà con cũng nghe theo và làm theo; làm kinh tế chịu khó chăn nuôi, làm ăn gà, vịt cũng có nhiều rồi. Cuộc sống của bà con thì khá hơn trước, tốt đẹp hơn trước, không đói nghèo như trước nữa”, chị So cho hay.

Dựa vào phương châm “muốn xóa đói giảm nghèo phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại”, đến nay, gia đình chị Lò Thị Báu, ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là điển hình trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo từ chương trình hỗ trợ của nhà nước. Hiện gia đình chị có tổng đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng trăm con, cùng với vườn cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, trở thành hộ gia đình khá của bản.

 

“Nhờ sự hỗ trợ mình bớt phần nào lo lắng về vốn, chỉ chăn nuôi, trồng trọt, cũng thuận lợi vì mình không có vốn nhưng được hỗ trợ cây, con giống. Về kỹ thuật thì cũng được giúp đỡ từ sách, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật để mình làm theo”, chị Lò Thị Báu chia sẻ.

Gia đình chị Ly Lỳ So ở tỉnh Lai Châu và gia đình chị Lò Thị Báu ở tỉnh Thanh Hóa chỉ là 2 trong rất nhiều hộ dân nghèo ở nhiều địa phương trên cả nước phát huy tốt nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước xóa được đói, giảm được nghèo từ nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng, miền, phát huy được lợi thế của từng địa phương. Bên cạnh chính sách giảm nghèo của Nhà nước, đã có không ít các tổ chức trong nước và quốc tế cùng đồng hành hỗ trợ người dân trong việc xây dựng các mô hình xóa đói, giảm nghèo.

Bà Vũ Quỳnh Anh, Phó cố vấn trưởng Dự án Great với mô hình phụ nữ liên kết kinh doanh, tham gia vào chuỗi xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai cho biết, Chương trình đã thực hiện được 5 năm và thu hút được 27 nghìn phụ nữ tham gia.

“Chúng tôi đã tạo được động lực để thu hút các doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp khi đến, họ đã mang đến cac công nghệ mới để giảm chi phí, tăng năng suất, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đến thời điểm này chúng tôi đã có những mô hình liên kết cho ngành hàng thành công như mô hình gai xanh, từ ban đầu chỉ làm thí điểm 50 ha. Hiện chúng tôi đã triển khai được 800 ha, sản xuất bền vững, 1 lần trồng nhưng sau 3 tháng là các hộ đã có thu nhập trong 10 năm và nó trở thành cây hàng hóa, một năm các gia đình có thể thu nhập 4 đến 5 lần và thu nhập rất bền vững”, bà Quỳnh Anh nêu rõ.

Theo báo cáo kết quả giảm nghèo của Việt Nam năm 2021, giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 1990 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

 

Thế nhưng kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35%. Chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều… Chưa kể, hai năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kết quả công tác giảm nghèo.

Tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thiếu bền vững. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp...

Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Viện Hàn lâm khoa học, xã hội cho rằng, ngoài tác động của dịch bệnh Covid 19 thì việc làm thiếu bền vững trong khu vực lao động phi chính thức chính là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tái nghèo tăng trở lại.

“Thách thức lớn nhất chính là lực lượng lao động phi chính thức hay là lao động không có giao kết hợp đồng. Hiện nay có khoảng 70% những người hoặc là làm nông nghiệp, hoặc là làm phi nông nghiệp không có giao kết hợp đồng. Như vậy họ rất dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, làm sao để giảm bớt lao động không có giao kết hợp đồng để họ có sức chống chịu tốt hơn. Thứ hai, trong số lao động phi chính thức thì có nhiều người có tuổi rồi và thời gian còn lại của họ đến khi nghỉ hưu không còn nhiều, khi họ không có BHXH, không có lượng hưu thì khi đó nghèo hôm nay nó chuyển sang tương lai”, Tiến sĩ Nguyễn Thắng chỉ rõ.

Theo ông Tô Đức, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, chưa bao giờ công tác giảm nghèo quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thời điểm này. Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị. Do đó, để phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm thì đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghèo là vấn đề quan trọng.

“Vấn đề chúng tôi đặt ra là phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo, cho người dân địa bàn vùng nghèo, vùng khó khăn. Qua đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì thấy rằng, cứ một hộ gia đình mà có một người lao động được đào tạo nghề nghiệp bài bản, người lao động được tiếp cận thị trường lao động, có phương thức để tạo ra nguồn thu nhập. Và đây là cách thoát nghèo mà chúng tôi cho rằng rất hiệu quả, đây cũng là một trong những nội dung hết sức trọng tâm”, ông Tô Đức cho hay.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương là cách Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu mới trong giai đoạn 2021-2025.

“Nói về giảm nghèo bền vững, chúng ta phải bám sát vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các chương trình mục tiêu. Hiện nay Ủy ban Dân tộc đang chủ trì chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu này của từng dự án hợp phần thì đã có những giải pháp hết sức cụ thể về nguồn lực, về quản lý điều hành, về công tác giám sát, kiểm tra; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và vai trò của người dân trong từng dự án đó như thế nào. Trong quá trình triển khai thì cũng cần phải có những đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm và đồng thời tìm ra những thiếu sót, hạn chế để chúng ta bổ sung những chính sách phù hợp hơn”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, với tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và đặc biệt phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng địa phương và nhận thức, sự chủ động của chính người dân khi được trao cơ hội thoát nghèo…/.

https://vov.vn/xa-hoi/con-nhieu-thach-thuc-trong-viec-viet-nam-no-luc-giam-ngheo-da-chieu-post977649.vov - theo vov.vn