Có nên thu tiền người nước ngoài khi chữa Covid-19 ở Việt Nam?
10:27 13-03-2020
VOV.VN -Có ý kiến đồng tình việc thu tiền điều trị người nước ngoài để chia sẻ gánh nặng chi phí nhưng có ý kiến cho rằng, thu phí chỉ nhắm vào một số đối tượng sẽ có nhiều hệ luỵ…
Dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới 122 quốc gia và vùng lãnh thổ với sự tăng nhanh của số ca nhiễm và số người tử vong. Tính đến ngày 11/3, trên toàn thế giới đã có 4.616 ca tử vong và 126.122 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Ở Việt Nam, dịch cũng có nhiều diễn biến phức tạp với sự gia tăng của số ca mắc và nghi ngờ mắc Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã ghi nhận 44 trường hợp mắc Covid-19.
Trong diễn biến như vậy, theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, số mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng do hiện nay các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 trên chuyến bay VN0054 chưa được kiểm soát triệt để. Với sự gia tăng của số người mắc và cách ly do dịch Covid-19, trong đó có cả những người nước ngoài sẽ dẫn đến gánh nặng trong việc điều trị cũng như chi phí chữa trị, cách ly.
Nhiều người cũng đặt vấn đề, đối với người ngoài, có nên thu phí khi họ chữa trị Covid-19 tại Việt Nam?
Nên thu tiền người nước ngoài để chia sẻ gánh nặng chi phí
Chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc công ty du lịch Mbluetourkorea, hiện đang sống ở Hàn Quốc cho rằng, dù dịch bệnh ở Hàn Quốc đang diễn biến phức tạp với gần 8.000 ca nhiễm và hàng chục ca tử vong, bản thân chị và gia đình lo lắng những ngay từ đầu cũng không có ý định về Việt Nam tránh dịch. Một trong những lý do chị không về trong nước bởi “tránh dịch tại chỗ là phương án tốt nhất tránh dịch lây lan và không muốn thêm gánh nặng cho y tế trong nước khi điều kiện đất nước còn nhiều việc phải lo”.
Điều trị người mắc Covid-19
Chị Oanh cũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết thông tin trong nước đang cách ly miễn phí những người từ vùng dịch trở về.
“Tôi nghĩ đất nước còn nhiều khó khăn mà lượng người cách ly khá đông, nên thu phí để mỗi người một ít sẽ đỡ gánh nặng chi phí, cũng là cách chia sẻ trách nhiệm với đất nước”- chị Oanh nói.
Hiện nhiều nước có điều kiện hơn nhưng vẫn thu phí xét nghiệm và chữa trị. Ví dụ, như vào cuối tháng 1/2020, một người dân Mỹ đã phỉ trả 3.270 USD cho bệnh viện Jackson Memorial vì làm các xét nghiệm virus Sars-CoV-2 hay một phụ nữ cũng ở nước này vẫn phải nhận hóa đơn 4.500 USD khi đi xét nghiệm corona vì thấy bị cúm…
Một số nước, trong đó có Singapore, đã ban hành quy định mới. Theo quy định này, khi xét nghiệm Covid-19 được miễn phí nhưng nếu người nước ngoài bị bệnh thì phải tự thanh toán mọi chi phí điều trị. Khoản phí này khoảng 4.300-5.800 USD. Còn các trường hợp là công dân nước này hay người có visa dài hạn thì được miễn phí.
Anh Đoàn Quang Việt, quản trị viên trang tin tức cộng đồng “Hàn Quốc ngày nay”
Anh Đoàn Quang Việt, quản trị viên trang tin tức cộng đồng “Hàn Quốc ngày nay” (hanquocngaynay.info) hiện đang sống tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc cũng cho rằng, ở Hàn Quốc hiện nay việc xét nghiệm, chữa trị cho người nghi ngờ hay mắc Covid-19 đều là miễn phí. “Hiện tại ở Hàn miễn phí hoàn toàn, kể cả trường hợp âm tính cũng miễn phí. Nhưng tôi nghĩ trong thời gian tới, những trường hợp không trong diện chỉ định, họ cũng sẽ bị tính phí”.
Anh Việt cho rằng, ở Việt Nam hiện đang xét nghiệm, điều trị miễn phí cho các đối tượng liên quan đến Covid-19 là một chính sách ưu việt, nhưng cũng nên tính về lâu dài, trong trường hợp số người mắc và nghi ngờ mắc Covid-19 tăng lên, nếu cứ miễn phí toàn bộ sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí.
“Theo tôi về lâu dài nên tính phương án phù hợp và hiệu quả. Chẳng hạn người Việt Nam có thể miễm phí như hiện nay, nhưng người nước ngoài phải thu phí điều trị khi họ mắc Covid-19. Còn nếu không, thì nên có chính sách khi người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam họ phải mua bảo hiểm tối thiểu 100.000 USD như hiện nay Thái Lan đang áp dụng với người Hàn nhập cảnh vào nước này. Người Hàn giờ nhập cảnh vào Thái Lan phải có tờ kết quả âm tính và bảo hiểm 100.000 USD mới được lên máy bay. Quy định này có hiệu lực từ 10/3 đến 9/6. Có như vậy, chẳng may người nước ngoài phải điều trị tại nước họ đến thì cũng yên tâm về chi phí chữa trị. Chứ nếu điều trị miễn phí cho tất cả các trường hợp, tôi nghĩ sẽ rất mệt mỏi”- anh Việt nói.
Thu phí chỉ nhắm vào một số đối tượng sẽ gây nhiều hệ luỵ
Tuy nhiên, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc, cựu Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc thì cho rằng, nếu cách ly người từ nước ngoài về Việt Nam thì có thể thu phí căn bản vì đây là tiền phải trả cho nhu cầu từng cá nhân. Còn khi họ bị mắc Covid-19 mà phải điều trị thì không nên thu phí.
“Khi bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân ai cũng như ai, nhất là lúc WHO đã thông báo Covid-19 là đại dịch toàn cầu thì mọi người đều như nhau, cần phải đặt bệnh nhân trong một phác đồ điều trị quy chuẩn theo kinh nghiệm của quốc gia đó để đạt được hiệu quả chữa và phòng chống đạt được hiệu quả cao nhất. Vấn đề chữa và phòng chống dịch là của cả quốc gia, cả thế giới. Mặt khác tại Việt Nam, theo cách tính mới thì thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng xung quanh 3.000 USD, nếu tính phí điều trị khi nhiễm thì có thể xảy ra các hệ lụy khác”- ông Linh phân tích.
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc, cựu Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc
Theo ông Linh, chỉ cần phân tích ở một khía cạnh khác là điều trị cho người có điều kiện và chưa có điều kiện ở Việt Nam đã rất khác nhau. Giả sử 2 người cùng bị nhiễm bệnh và phải trả phí điều trị thì những người chưa có điều kiện cũng có thể có suy nghĩ, phân biệt và không vào điều trị tập trung, chậm điều trị từ đó có thể phát sinh các nguồn lây nhiễm khác...
“Với cách điều trị dài ngày cho virus này, bao nhiêu phần trăm gia đình Việt Nam có thể gánh được kinh tế? Còn đối với người nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc thì họ coi khi đã đến nước họ, thì như công dân nước sở tại, nên sẽ miễn phí. Ở Việt Nam, tôi nghĩ lượng người nước ngoài không nhiều như các nước khác, thời điểm này cũng gần như hạn chế các quốc gia đi lại nên cá nhân tôi cho rằng, y tế Việt Nam vẫn có thể thực hiện được công việc điều trị vào thời điểm này (bao gồm người Việt Nam và công dân nước ngoài ở Việt Nam)”- ông Linh nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hải Linh, chính sách điều trị miễn phí cũng nên lựa chọn các trường hợp cần phải xem xét. “Đối với các trường hợp cố tình trốn khai báo y tế hoặc cố tình khai báo không trung thực, khi có bằng chứng mắc Covid-19 mà vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp theo quy định, thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, họ phải thực hiện ít nhất hoá đơn thanh toán toàn bộ chi phí điều trị”./.
https://vov.vn/xa-hoi/co-nen-thu-tien-nguoi-nuoc-ngoai-khi-chua-covid19-o-viet-nam-1021166.vov - theo vov.vn