Có nên cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện?

15:02 10-01-2022

VOV.VN - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là rất cần thiết nhưng cũng cần phải cân nhắc, thận trọng nhằm đảm bảo tính hợp lý, khả thi.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 10/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, nhiều đại biểu đã góp ý nhiều nội dung liên quan đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, tuy nhiên, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần phải cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.


Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội).
Đề cập đến tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, bà Mai cho rằng, hôm nay, Quốc hội bàn về việc nên hay không nên cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện. Tuy nhiên, trước đó ngay cả khi chưa có Nghị quyết 55, một doanh nghiệp tư nhân cũng đã được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện.

“Mong muốn đóng góp của doanh nghiệp thực sự rất đáng trân trọng nhưng chúng ta phải ý thức được rằng hiện nay yêu cầu cấp bách của việc xây dựng nhà nước pháp quyền và Nghị quyết của Đảng là định hướng vô cùng quan trọng nhưng cần thiết phải được thể chế hóa bằng pháp luật mới được phép áp dụng và việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật” - bà Mai cho hay.

Theo đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng. Quy định như trên chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể: Thứ nhất cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và thuộc loại nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện. Thứ hai cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư. Thứ ba, về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo luật thì sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành và việc này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau.

“Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay. Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng, tránh gây ra hậu quả sau này”- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.

Cũng liên quan đến một số nội dung của Dự thảo Luật Điện lực, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc xây dựng hệ thống truyền tải cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân, đồng thời việc xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, việc lo ngại xã hội hóa, phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh. Đại biểu cho rằng nếu Nhà nước quản lý vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Vì vậy, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của nhà nước, công đoạn nào là tư nhân được tham gia xã hội hóa, phải có quản lý rõ ràng, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống lưới điện quốc gia.


Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình).
Theo đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương), để hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết, phải có cơ sở thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc hiện nay bảo đảm hiệu quả tổng thể hoạt động truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, việc thí điểm cơ chế để các tổ chức hoạt động ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn. Theo quy định của dự thảo luật “Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải và độc quyền vận hành lưới điện truyền tải trừ lưới điện cho phép thành phần kinh tế ngoài nhà nước xây dựng” là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi hoàn cảnh tình huống.

Vì vậy, đại biểu Vũ Huy Khánh đề nghị quy định này cần phải chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an ninh an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng./.

https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/co-nen-cho-phep-tu-nhan-tham-gia-xay-dung-he-thong-truyen-tai-dien-post917319.vov - theo vov.vn