Chuyên gia lý giải tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng

08:12 14-10-2022

VOV.VN - Hàng loạt các vụ bạo lực học đường diễn ra trong thời gian gần đây để lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến nạn nhân tử vong tại chỗ đang là điểm nóng, nhức nhối và lo lắng của không chỉ phụ huynh, nhà trường mà toàn xã hội.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 11/10, trên mạng xã hội lan truyền clip 1 nhóm nam sinh trường ĐH Tài nguyên và Môi trường đánh hội đồng một nam sinh khác do mâu thuẫn chuyện tình cảm ngay trong hành lang trường.

Chiều ngày 11/10, lãnh huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ một nam sinh lớp 11 đâm tử vong một học sinh lớp 12 do mâu thuẫn. Bạo lực học đường không phải chuyện mới, nhưng dù đã được truyền thông, giáo dục bằng nhiều biện pháp thì vẫn luôn diễn ra, thậm chí có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng có sự manh động về hành vi bạo hành.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

 

PV: Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, nhiều học sinh, sinh viên có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến những hậu quả thương tâm, thậm chí là án mạng, ông có chia sẻ gì về vấn đề này? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Vấn nạn bạo lực học đường không phải bây giờ mới xuất hiện, chúng ta đã nói rất nhiều, nhưng ở đâu đó vẫn thường xuyên diễn ra các vụ bạo lực học đường. 

 

Nguyên nhân dẫn đến những cuộc xô xát tại trường học thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, những câu nói kích động,… dẫn đến hậu quả của các vụ việc bạo lực có thể gây ra những tổn hại về tinh thần, thương tích về cơ thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Có thể kể đến 3 nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính bản thân người trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Thời điểm học sinh ở cuối cấp THCS và THPT là thời điểm mà tâm sinh lý các em có nhiều sự biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo,… Trong giai đoạn này, các em sẽ rất dễ học theo những thói hư tật xấu, có những suy nghĩ, hành vi sai trái, không chuẩn mực khi có sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài. Đó là do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, sự non nớt trong kỹ năng sống, sự sai lệch trong chuẩn mực sống...

Thứ hai là nguyên nhân từ môi trường gia đình và xã hội, có thể nói gia đình là môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ được tiếp xúc. Và các thành viên trong gia đình là những người có ảnh hưởng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con trẻ. Do đó, nếu trẻ em sống trong môi trường mà bạo lực diễn ra thường xuyên thì sẽ hình thành cái tính hung hăng. Nếu không có sự can thiệp, chấn chỉnh kịp thời thì tính hung hăng này sẽ trầm trọng thêm theo thời gian và tạo cho họ cái suy nghĩ bạo lực là “bình thường”.

Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng,… Việc sống trong môi trường và tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng như vậy sẽ có ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.

Thứ ba là nguyên nhân từ nhà trường, hiện nay, đa số trường học còn nặng về việc truyền đạt kiến thức sách vở mà thiếu các hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, giá trị của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị xuống cấp. Một số vụ việc học sinh, sinh viên đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không hay biết, hoặc biết mà làm ngơ, giấu nhẹm đi không xử lý. Chỉ đến khi sự việc được đăng tải trên các kênh truyền thông mới quay lại xác minh, xử lý, kỷ luật một cách nghiêm túc.

 

PV: Những hành vi bạo lực học đường ở học sinh, sinh viên có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Căn cứ Khoản 5 điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDDT Bộ giáo dục và đào tạo ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Hành vi đánh nhau được quy định là một trong các hành vi học sinh không được làm.

Vậy mức xử phạt dành cho hành vi đánh nhau của học sinh, sinh viên được quy định như sau:

Căn cứ khoản 5 mục III Thông tư 08/TT Thông tư hướng dẫn về việc khen thưởng và thi đua kỷ luật học sinh các trường phổ thông; đối với trường hợp học sinh mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác thì học sinh đó có thể bị xử phạt hình thức kỷ luật đuổi học 01 năm.

Căn cứ khoản 2 điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 đối với người chưa đủ 16 tuổi thì giao dịch dân sự do người giám hộ của người đó xác lập, thực hiện.

Nếu hành vi đánh nhau của học sinh chưa đủ 16 tuổi mà gây thiệt hại về sức khỏe căn cứ điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 thì người giám hộ của học sinh đó phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những người bị đánh và người chăm sóc về các chi phí khắc phục thiệt hại. Nếu hành vi đánh nhau do học sinh từ đủ 15 tuổi trở lên có thể phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu gây ra thiệt hại cho người khác.

Ngoài những hình thức kỷ luật từ nhà trường thì những đối tượng từ 14 tuổi trở lên có hành vi bạo lực học đường cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo từng mức độ và hậu quả.

Nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Căn cứ điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, nếu học sinh, sinh viên dưới 14 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự; Học sinh, sinh viên từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân trong đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về tội này.

Đặc biệt, nếu hành vi trên có mục đích giết người, đủ yếu tố cấu thành tội giết người, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này căn cứ theo điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Tương tự như tôi đã nêu ở trên, nếu học sinh, sinh viên dưới 14 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Học sinh, sinh viên từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với mức hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân hoặc tử hình, trong đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về tội này.

PV: Để ngăn chặn những vụ bạo lực học đường, theo ông cần những giải pháp nào từ cả gia đình, nhà trường và xã hội?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Hiện nay, các trường học ngày càng chú trọng hơn đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên có phòng tư vấn tâm lý hay phòng chăm sóc sức khỏe tinh thần nhưng nhiều em vẫn có tâm lý e ngại, không muốn nhận tư vấn. Điều đó cho thấy giáo viên, nhà trường chưa tạo được cảm giác gần gũi, niềm tin cho học sinh, sinh viên. Vì thế các trường cần xây dựng một môi trường học đường thân thiện, giáo viên gần gũi với học sinh để học sinh có thể tin tưởng và chia sẻ.

Ngoài ra, cần có các tiết học dạy kỹ năng sống trong nhà trường, các hoạt động tập thể, tình nguyện để hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp.

Bên cạnh đó cũng phải có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh có hành vi bạo lực học đường và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân.

Quan trọng nhất vấn là gia đình cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái, phải luôn cẩn trọng trong hành vi, lời nói để làm gương cho con cái. Đồng thời có phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên để nắm bắt tình hình của con em mình và kịp thời thông báo đến nhà trường để được tư vấn và hỗ trợ khi có vấn đề xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông./.

https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-ly-giai-tinh-trang-bao-luc-hoc-duong-ngay-cang-nghiem-trong-post976986.vov - theo vov.vn