Chuyển dịch doanh nghiệp: Công nghiệp TP.HCM hướng tới nhiều gam màu sáng - xanh

10:34 27-11-2023

VOV.VN - Một số khu chế xuất, khu công nghiệp không còn là nơi phù hợp cho các DN sử dụng nhiều lao động phổ thông. Do đó, sự dịch chuyển DN phù hợp với định hướng phát công nghiệp của TP.HCM trong thời gian tới mà không cần đến biện pháp hành chính.

Chuyển dịch doanh nghiệp đang trở thành xu thế khi TP.HCM có 17 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX), nhiều khu đã hình thành hơn 30 năm nên thời hạn thuê đất đang rút ngắn dần. Trong đó, KCX Tân Thuận ở Quận 7 thời hạn thuê đất chỉ còn 17 năm. Gần đây, nhiều DN dệt may ở khu này đã dịch chuyển đến nơi khác, chuyển nhượng quyền thuê đất cho các DN công nghệ cao.

Nguyên nhân là ở vị trí đắc địa này, các DN dệt may rất khó tuyển lao động phổ thông, vì mức lương công nhân không đủ trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở đây. Xu hướng dịch chuyển tự nhiên này đang tiếp tục diễn ra và phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của TP.HCM, được các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ.  

Chuyển dịch doanh nghiệp đến vị trí phù hợp và hiệu quả hơn

KCX Tân Thuận có hơn 200 dự án đang hoạt động, trong đó 70% dự án liên quan đến công nghệ cao, số còn lại là dệt may và ngành nghề khác. Tại đây có hơn 10 DN đã sang nhượng lại quyền thuê đất và việc chuyển nhượng vẫn đang tiếp tục diễn ra. Các DN đã chuyển nhượng thuộc lĩnh vực dệt may, sử dụng hàng ngàn lao động. Hiện nay, thu nhập công nhân chỉ từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, nếu không tăng ca sẽ không đủ cho chi phí sinh hoạt. DN lĩnh vực dệt may cũng rất khó tuyển lao động phổ thông ở khu vực đang thuê đất, do đó phải di dời đến các tỉnh khác có điều kiện phù hợp hơn.          

 
 

Theo ông Nguyễn Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP.HCM (HBA) sự dịch chuyển này phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thành phố và là phương án hiệu quả cho DN dệt may. “Đây là một cơ hội để DN dệt may dịch chuyển đến các khu công nghiệp ở các tỉnh xung quanh Thành phố và khu vực với giá thuê đất rẻ hơn, có nguồn lao động tốt hơn. Đây là tín hiệu tốt của cơ chế thị trường, nếu họ chuyển quyền thuê đất lúc này sẽ có 1 nguồn tài chính để tái đầu tư”, ông Đức nhận định.

 

Trong số các DN dệt may đã chuyển nhượng quyền thuê đất ở KCX Tân Thuận có Công ty TNHH quốc tế Hoằng Việt (Đài Loan), Công ty TNHH PUNG KOOK SAIGON (Hàn Quốc), Công ty  TNHH PROCEEDING (Nhật)… Riêng Công ty TNHH quốc tế Hoằng Việt (Đài Loan) chuyển nhượng cho Công ty CP VNG hơn 25.000 m2, phần đất này được VNG sử dụng để xây dựng Trung tâm dữ liệu Data.

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc dự án Công ty CP VNG cho biết, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, như trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối zalo, Fintech, nền tảng đám mây… nên  nhân lực tài năng là tài sản quý. Để có được nhân lực chất lượng cao, bên cạnh các chính sách lương bổng, phúc lợi nhằm thu hút nhân tài, môi trường làm việc cũng rất quan trọng.

Trong khi đó KCX Tân Thuận khá gần Quận 1 và Phú Mỹ Hưng có vị trí thuận lợi và là lý do chính để DN quyết định dời về. Hơn nữa về lâu dài, sau khi hết thời hạn thuê đất, KCX này được TP.HCM xác định trở thành nơi thu hút những DN công nghệ cao. Chính vì vậy, VNG cũng tin tưởng đầu tư hoạt động lâu dà và mong Đề án quy hoạch KCX này sớm được thông qua để mở rộng đầu tư.

“Thời gian thuê đất còn lại dù rất khó để DN được hoàn vốn nhưng DN rất tin tưởng vào định hướng của UBND TP.HCM, nơi đây sẽ tiếp tục thu hút DN công nghệ cao. Những DN như VNG phù hợp với định hướng của Thành phố nên sẽ tiếp tục được ở lại. Vì vậy, ngay từ bây giờ DN cân nhắc đầu tư hạ tầng và mở rộng đầu tư ở đây hiều hơn”, ông Thông tin tưởng.

Hỗ trợ để thúc đẩy nhanh chuyển dịch doanh nghiệp

Theo Ban quản lý các KCS-KCN TP.HCM, sau khi các KCX, KCN của Thành phố kết thúc vòng đời cho thuê đất, quỹ đất này sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp, thu hút những ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kinh tế tri thức… Hiện Thành phố đang làm Đề án phát triển công nghiệp TP.HCM từ 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, từ nay đến năm 2025 sẽ làm Đề án cho 5 khu, trước nhất là KCX Tân Thuận.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý Các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) cho biết, để các nhà đầu tư mới yên tâm khi đến KCX này, Đề án trình UBND TP.HCM cũng xác định nơi đây thu hút các ngành về công nghệ cao. Đồng thời, để hỗ trợ sự chuyển dịch tự nhiên này, Hepza đã kết nối cho các DN dệt may chuyển đến những nơi khác phù hợp hơn.

“Thời gian qua, Hepza bằng nhiều biện pháp đã hỗ trợ cho xu hướng chuyển dịch diễn ra nhanh hơn. Đó là vấn đề kết nối DN, tạo thủ tục hành chính thuận lợi, giải quyết những vấn đề tồn tại của nhà đầu tư cũ, làm sao quá trình này nhanh hơn, thuận lợi để đón tiếp các nhà đầu tư mới”, ông Hà cho biết.

Với vị trí như KCX Tân Thuận hiện nay không còn là nơi phù hợp cho các DN sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhất là ngành dệt may. Do đó, sự dịch chuyển này phù hợp với định hướng phát công nghiệp của TP.HCM trong thời gian tới mà không cần đến biện pháp hành chính. Đây cũng là một hình thức sàng lọc khắc nghiệt của quy luật thị trường. Hy vọng bức tranh công nghiệp của TP.HCM sẽ có nhiều gam sáng và xanh hơn, khi các khu công nghiệp, khu chế xuất kết thúc sứ mệnh trước đây là chỉ sản xuất nhiều sản phẩm và tạo nhiều việc làm.

https://vov.vn/kinh-te/chuyen-dich-doanh-nghiep-cong-nghiep-tphcm-huong-toi-nhieu-gam-mau-sang-xanh-post1061582.vov - theo vov.vn