Chiến lược ứng phó Trung Quốc của Tổng thống Biden bị kháng cự trên bàn đàm phán
10:05 28-07-2021
VOV.VN - Để xử lý mối quan hệ ngày càng khó khăn với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra chiến lược đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, đồng thời để ngỏ cánh cửa hợp tác giữa hai nước nhằm đối phó với các mối đe dọa trên toàn cầu.
Mỗi bên theo đuổi các mục đích riêng
Ngày 26/7, Trung Quốc dường như đã khép lại cánh cửa trước ý tưởng Trung – Mỹ có thể hợp tác ở một giai đoạn nào đó và tiếp tục đối đầu ở một giai đoạn khác. Cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Ngoại giao Wendy R. Sherman – quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi đầu năm nay với các nhà ngoại giao Trung Quốc, bắt đầu bằng một loạt chỉ trích từ phía Bắc Kinh và kết thúc với rất ít dấu hiệu cho thấy hai cường quốc đang tiến gần hơn đến việc thu hẹp bất đồng.
Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Thiên Tân ngày 26/7. (Nguồn: Politico).
Trả lời phỏng vấn báo chí sau các cuộc gặp, bà Sherman cho biết: “Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp, do đó chính sách của chúng tôi cũng phức tạp. Tôi tin rằng quan hệ giữa hai bên có thể chấp nhận được những sắc thái trái ngược”.
Các cuộc gặp được tổ chức tại thành phố Thiên Tân, Đông Bắc Trung Quốc đề cập đến một loạt khía cạnh gây tranh cãi giữa hai nước. Nhiều vấn đề trong số đó rất nhạy cảm, chẳng hạn như vấn đề Tân Cương, Hong Kong. Bà Sherman cũng nhắc đến vấn đề Đài Loan, hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông và cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc đứng sau một loạt vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống email của Microsoft.
Theo thông cáo mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi cho báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nói với bà Sherman rằng, chính sách của chính quyền Biden chẳng qua là một “nỗ lực che đậy mỏng manh để kiềm chế, đàn áp Trung Quốc” và “Mỹ dường như đang thực hiện một chiến dịch có sự tham gia của toàn chính phủ và toàn xã hội để hạ gục Trung Quốc”. Ông Tạ Phong cho rằng quan hệ song phương sa lầy và gặp hậu quả nghiêm trọng vì lý do cơ bản là một số người ở Mỹ coi Trung Quốc là “kẻ thù tưởng tượng”.
Sau cuộc gặp thứ 2 với Ngoại trưởng Vương Nghị, bà Sherman cho biết, hai bên đã thảo luận về các vấn đề khu vực và vấn đề toàn cầu mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, trong đó có chương trình hạt nhân Triều Tiên và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, nhà ngoại giao Mỹ tỏ ra thận trọng khi nói đến khả năng đạt được bất cứ tiến bộ cụ thể nào, đồng thời lưu ý bà không kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ đạt được kết quả ngay lập tức.
“Chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn về những lĩnh vực có sự bất đồng lớn. Với những lĩnh vực mà hai nước có lợi ích chung, chúng tôi thảo luận rất thực chất, chia sẻ một số ý tưởng. Nhưng vẫn phải xem xét điều đó sẽ đi đến đâu”, bà Sherman nói.
Drew Thompson – cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, mục đích cơ bản phía sau chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman dường như là để đảm bảo rằng, sự khác biệt lớn giữa hai nước sẽ không leo thang thành cuộc đối đầu nguy hiểm.
Ông Thompson nói: “Mục tiêu chính của Washington là hiểu rõ ràng hơn lập trường của Trung Quốc, giảm nguy cơ ngộ nhận và tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện.
Còn Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận tối đa hóa đối với quan hệ Mỹ-Trung, đưa ra một loạt yêu sách, đồng thời yêu cầu Washington phải đảo ngược các chính sách và hành động của mình”.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Sóng gió ngay từ khi bắt đầu
Lặp lại kịch bản cuộc gặp cấp cao tháng 3/2021
Giới phân tích cho rằng, những gì diễn ra trong các cuộc hội đàm hôm 26/7 có phần giống với cuộc hội đàm giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ hồi tháng 3/2021 khi Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì dành 16 phút cáo buộc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự và ưu thế tài chính của mình để gây áp lực với các nước, nhằm đáp lại giọng điệu cứng rắn từ các quan chức Mỹ.
Màn mở đầu đầy tranh cãi này đã khiến một số quan chức của Trung Quốc ngạc nhiên vì họ từng cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đã chạm đáy trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ cựu Tổng thống Trump và do vậy, sẽ được cải thiện dưới thời chính quyền Biden.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho biết, ông đã chuyển cho bà Sherman một loạt yêu cầu, bao gồm dỡ bỏ hạn chế thị thực (visa) của Mỹ đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng gia đình họ, dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào quan chức, viên chức chính phủ và các cơ quan, bộ ngành Trung Quốc; ngừng ngay việc trừng phạt, hạn chế truyền thông Trung Quốc tại Mỹ. Tất cả những yêu cầu này từng được đưa ra trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, nhưng đến nay, khi Tổng thống Biden lên nắm quyền vẫn chưa có bất cứ yêu cầu nào được đáp ứng.
Còn Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố, Mỹ nên tôn trọng lập quan điểm của Trung Quốc và cách xử lý của nước này trong vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
“Mối quan hệ Mỹ-Trung đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng. Mỹ phải nghiêm túc xem xét liệu họ muốn tiếp nối xu hương xung đột và đối đầu hay cải thiện quan hệ và đạt được tiến triển”, ông Vương Nghị nói.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, dù Tổng thống Biden đã tránh cách tiếp cận gây sức ép dồn dập mà chính quyền Donald Trump theo đuổi vào những năm cuối nhiệm kỳ, nhưng quan hệ Mỹ-Trung vẫn căng thẳng. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Biden đã nỗ lực tìm cách tập hợp các đồng minh và đối tác để hình thành một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với những gì mà họ cho là các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng mang tính cưỡng ép của Trung Quốc.
Trước chuyến thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Shermen đã tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ trong một nỗ lực nhằm khôi phục lại quan hệ với đồng minh và đối tác trong khu vực.
Bất chấp những phát ngôn cứng rắn trong các cuộc hội đàm, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman vẫn được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước gặp nhau và mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Chủ tập Tận Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2021, chuyên gia Bonny Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nhận định./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chien-luoc-ung-pho-trung-quoc-cua-tong-thong-biden-bi-khang-cu-tren-ban-dam-phan-877486.vov - theo vov.vn