Chiến lược “tháp 5 tầng” tại TP.HCM nhằm sẵn sàng cho kịch bản 100.000 ca

10:24 02-08-2021

VOV.VN - Chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đang được triển khai theo “tháp 3 tầng”, “tháp 4 tầng” và “tháp 5 tầng”. Theo các chuyên gia, các mô hình này được áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn lực điều trị và hạn chế tử vong.

Phân tầng trong hệ thống điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có ý nghĩa như thế nào đối với công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân cũng như đối với công tác phòng chống dịch COVID-19? Các chiến lược “tháp 3 tầng”, “tháp 4 tầng” và “tháp 5 tầng” sẽ được triển khai ra sao khi dịch bệnh tiếp diễn phức tạp?

Các chuyên gia đang ở tuyến đầu chống dịch cho biết, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 được thực hiện theo hệ thống phân tầng với mục tiêu chia nhóm nguy cơ của người bệnh và những yêu cầu điều trị, can thiệp điều trị cho người bệnh để phân bố nguồn lực phù hợp.


(Ảnh minh họa)
Theo đó, mới nhất, ngày 31/7, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm virus SARS-CoV-2, nhằm đánh giá nguy cơ, xác định nhu cầu điều trị phù hợp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác điều trị.
Cụ thể, Bộ Y tế hiện chia hệ thống điều trị thành 3 tầng gồm: Tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu, tầng 2 nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… và tầng 3 là tầng điều trị cho các diễn biến nặng cần chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.

Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết cụ thể: “Với mỗi tầng, chúng ta cũng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Ví dụ, tầng 1 sẽ được bố trí nhân viên và trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng; Ngược lại, tại tầng 3 sẽ là các trung tâm hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ các trang bị hiện đại như ECMO, lọc máu, hệ thống thở oxy… cũng như đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân”.

Với diễn biến dịch căng thẳng, cùng số ca mắc mới lên tới hàng nghìn người mỗi ngày, TP.HCM đang chuyển dần chiến lược điều trị để hạn chế số ca tử vong. Theo đó, mô hình điều trị “tháp 5 tầng” đã được triển khai, đặc biệt để đáp ứng cho kịch bản số ca F0 tại TP.HCM có thể tăng lên 100.000 người.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, ngành y tế thành phố đã nâng chiến lược điều trị từ “tháp 4 tầng” lên “tháp 5 tầng”. Cụ thể, khi số F0 tăng lên 100.000 ca, “tầng 1” sẽ tiếp nhận 50.000 ca, “tầng 2” là 27.000 ca, “tầng 3” là 10.000 ca, “tầng 4” 8.000 ca và “tầng 5” 5.000 ca. “Tầng 5” là BV hồi sức COVID-19, được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các ca nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế.

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, TP.HCM nhiều lần thay đổi kịch bản và chiến lược chống dịch. Điều này đã thu về những tín hiệu tích cực ban đầu, với hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện.

“TP.HCM bắt đầu có được những thành quả khi trong một thời gian ngắn đã cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân COVID-19 rất nặng, nguy kịch. Bộ Y tế khi xây dựng và triển khai những giải pháp về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế ban đầu để hình thành được các cơ sở y tế hiện đại. Đồng thời, còn có sự vào cuộc lực lượng y tế từ các BV trung ương, các BV của TP.HCM, các BV địa phương tới hỗ trợ... đã tạo nên một đội ngũ chuyên nghiệp, chạy đua với tử thần để cứu sống những bệnh nhân nặng, nguy kịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19 nhận định.

Với các địa phương khác đang quyết liệt ứng phó dịch COVID-19, dựa trên diến biến thực tế, ngành y tế địa phương triển khai chiến lược điều trị phù hợp. Trong đó, tại Đồng Tháp - đang theo dõi, điều trị hơn 2.400 F0. Với tốc độ lây lan dịch bệnh, ngành y tế đề xuất chuyển đổi mô hình cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 thành từ “3 tầng” lên “4 tầng”. Các chuyên gia y tế tại Đồng Tháp thống nhất, việc phân tầng điều trị này, phù hợp với yêu cầu hiện nay. Đồng thời, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phải kéo giảm F0 chuyển biến nặng và ca tử vong; bảo vệ an toàn cho lực lượng y bác sĩ làm nhiệm vụ.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc tại Cần Thơ ngày 31/7.
Trong khi đó, làm việc tại Cần Thơ ngày 31/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị Cần Thơ xây dựng mô hình điều trị “tháp 3 tầng”. “Tầng 1 dành cho những F0 không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ và nên sử dụng cơ sở lưu trú kể cả khách sạn, khu cách ly để theo dõi. Tầng 2 sẽ là các cơ sở y tế điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, cần rà soát lại để bố trí bồn oxy. Cuối cùng, tầng 3 tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm Covid-19 diễn tiến rất nặng, thở máy. Tại đây cần tập trung nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân. Tầng 1 càng rộng thì tầng 2, 3 sẽ đỡ vất vả. Và việc phân bổ như vậy giảm được rất nhiều áp lực lên các cơ sở y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tại Đồng Nai, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế cũng khuyến cáo thực hiện chiến lược điều trị “tháp 3 tầng”, dựa trên phân loại triệu chứng nặng, nhẹ mà người nhiễm COVID-19 được tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội khuyến cáo: “Đồng Nai muốn thành công trong đại dịch phải phân 3 tầng rõ rệt, mối liên hệ các tầng với nhau phải chặt chẽ không để bệnh nhân chuyển nặng, không để lên các tuyến mà không được biết”.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi 19 tỉnh, thành phía Nam yêu cầu gia hạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động Đơn vị Hồi sức tích cực 200 giường để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau đó, sẽ nâng dần quy mô lên 800 - 1.000 giường để phụ vụ cho bệnh nhân miền Tây. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ lập một tổ công tác đặc biệt vào Đồng bằng sông Cửu Long để trực tiếp hỗ trợ Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19./.

https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/chien-luoc-thap-5-tang-tai-tphcm-nham-san-sang-cho-kich-ban-100000-ca-878981.vov - theo vov.vn