Chấp nhận sống chung với Covid-19, y tế Singapore "căng như dây đàn"

16:57 14-10-2021

VOV.VN - Singapore đã chuyển hướng sống chung với Covid-19 với tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng theo các nhân viên y tế ở đây, hồi kết cho đại dịch này vẫn là một viễn cảnh xa vời.

“Đã lâu rồi tôi chưa thấy ánh sáng ban ngày”

Gần 2 năm sau khi ca Covid-19 đầu tiên xuất hiện, Singapore đang dịch chuyển sang một giai đoạn bình thường mới và sống chung với Covid-19. Trọng tâm của sự dịch chuyển này là ngăn cản các ca bệnh nặng và ca tử vong. Nhiều hoạt động đi lại được mở ra cho những người đã tiêm vaccine và những quy định chăm sóc y tế với những người mắc bệnh đã được đơn giản hóa.


Phòng cấp cứu tại Bệnh viện Tan Tock Seng ở Singapore. Ảnh: Facebook Bệnh viện Ten Tock Seng
Tuy nhiên, với các nhân viên y tế ở đây, sự kết thúc của đại dịch vẫn là một viễn cảnh xa vời.
"Tôi đã không nhìn thấy ánh sáng ban ngày trong một thời gian dài", một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện công ở Singapore chia sẻ.

"Hiện nay hệ thống y tế đã bị kéo căng tới mức tối đa và điều này sẽ còn tiếp diễn", bác sĩ này nhận định, đồng thời cho biết bệnh viện mà anh làm việc đã tiếp nhận số bệnh nhân tăng gấp đôi trong tuần trước.

"Điều này sẽ chỉ chấm dứt khi số ca mắc giảm bớt nhưng ai biết được đó là khi nào?"

Sự tăng vọt số ca mắc Covid-19 ở Singapore, từ 2.000 lên 4.000 ca/ngày, đã được ghi nhận trong 2 tuần qua, đặt sức ép đáng kể lên hệ thống y tế. Thời gian chờ đợi và tỷ lệ sử dụng giường bệnh đều gia tăng.

Các phòng bệnh mới dường như được mở "gần như mỗi ngày" trong những tháng qua, các nhân viên y tế thuộc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NCID) và các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Singapore và Bệnh viện Đa khoa Changi cho hay.

"Có những giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Thường thì một bệnh nhân sẽ ở riêng một phòng và ban đầu chúng tôi cố gắng thích nghi với việc này bằng cách mở thêm các phòng mới".

Tuy nhiên khi các bệnh nhân không ngừng nhập viện thì 2 hoặc thậm chí 3 bệnh nhân hiện nay phải ở chung một phòng.

Trong số ca các bệnh trong dữ liệu theo dõi của Bộ Y tế Singapore, những số liệu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ sử dụng giường bệnh hàng ngày tăng từ 75% lên gần 95% từ 26/9 - 2/10.

Tuần trước, Bộ Y tế cho biết việc sử dụng giường cách ly Covid-19 đã tăng từ 62% vào tháng 7 lên 85%, tăng gấp 8 lần số bệnh nhân cần chăm sóc y tế tại các phòng cấp cứu trong 3 tháng qua.

"Việc này đã gây sức ép lên các nguồn lực của chúng tôi bởi khi bạn cung cấp thêm giường bệnh để tiếp nhận thêm bệnh nhân thì bạn cũng cần thêm đội ngũ y bác sĩ chăm sóc họ", một nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Changi cho hay.

"Việc 1 y tá chăm sóc 1 bệnh nhân trong ICU là điều không dễ dàng. Thỉnh thoảng cần có 2 y tá chăm sóc 1 bệnh nhân để họ có thể hỗ trợ nhau".

Tình hình đáng lo ngại

Singapore hiện có khoảng 2.500 giường bệnh Covid-19, tăng so với con số 900 trước đó. Trong số này, khoảng 170 bệnh nhân cần điều trị tích cực và 100 người khác có thể được chuyển tới ICU nếu cần thiết.

9 cơ sở điều trị Covid-19 với sức chứa khoảng 3.700 giường bệnh sẽ được thành lập trong những tuần tới để chăm sóc các bệnh nhân có rủi ro cao cần theo dõi nhưng không cần nhập viện.

Trong khi đó, Singapore dịch chuyển sang chiến lược để bệnh nhân hồi phục tại nhà nhằm thích nghi với sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Trong khi việc này có thể giúp làm giảm sức ép lên hệ thống y tế thì các nhân viên y tế nhận định điều đó không có nghĩa là khối lượng công việc của họ giảm bớt.

"Phần lớn mọi người nhập viện hiện nay đều là những người không thể tự cách ly hoặc không phù hợp với các tiêu chí tại các cơ sở cách ly. Vì thế, chỉ cần 2% những bệnh nhân này cần nhập viện thì đây vẫn là một con số lớn".

Sự mở rộng chương trình phục hồi tại nhà cũng đồng nghĩa với việc tình trạng của các bệnh nhân Covid-19 nhập viện đã thay đổi.

"Các bệnh nhân mà chúng tôi tiếp nhận hiện nay có các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhiều với rất nhiều vấn đề y tế, cùng với những vấn đề của Covid-19 và họ quá lớn tuổi", một quan chức y tế tại NCID cho hay.

"Chúng tôi không còn chứng kiến bất kỳ bệnh nhân khỏe mạnh nào với các triệu chứng nhẹ nữa. Điều đó tức là chúng tôi đang phải xử lý những ca bệnh rất phức tạp".

Với sự gia tăng số ca mắc Covid-19, một số nhân viên y tế cho rằng hiện nay họ đang bị đẩy đến giới hạn.

"Chúng tôi đã chiến đấu với Covid-19 trong 2 năm qua nhưng tôi không nghĩ tình hình lại tệ như hiện nay”, Jessica (tên nhân vật đã thay đổi) - một bác sĩ tại một bệnh viện công chia sẻ.

Jessica cho biết cô đã không có ngày nghỉ trong gần 3 tuần.
Hai kịch bản dịch Covid-19 Mỹ có thể phải đối mặt vào mùa đông

Không đủ nhân lực

Năm ngoái, số lượng y tá ở Singapore lần đầu tiên giảm trong ít nhất 15 năm. Có khoảng 42.096 y tá năm 2020, ít hơn 572 người so với năm trước đó.

Một bác sĩ chia sẻ, việc tăng số lượng bác sĩ và y tá trong ICU và những đơn vị mang tính phụ thuộc cao không đơn giản.

"Hiện nay, số lượng ca mắc tăng quá nhiều, và những giường bệnh được tăng thêm nhưng việc tăng cường nhân lực thì không đơn giản như vậy. Chúng tôi cần những người thực sự được đào tạo về ICU và HDU (đơn vị phụ thuộc cao) để điều trị cho những bệnh nhân này và không có nhiều người như vậy. Vì thế, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc căng mình và tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn".


Ảnh minh họa: iStock
Ngoài việc thiếu thốn nhân lực, các nhân viên y tế ở Singapore còn phải đối mặt với những thay đổi về quy định liên quan đến Covid-19 tại bệnh viện.

"Thật mệt mỏi khi mọi thứ cứ thay đổi liên tục mỗi ngày. Một phòng bệnh được chỉ định là phòng điều trị Covid-19 nhưng ngày hôm sau điều đó có thể thay đổi. Các phòng bệnh cứ liên tục mở ra và đóng lại cùng với những thay đổi về việc xét nghiệm thường xuyên cho các bệnh nhân và những biện pháp an toàn mà chúng tôi phải tuân theo".

Những thay đổi về quy định và thủ tục cũng gây ra sự mệt mỏi cho các bệnh nhân, các bác sĩ chia sẻ với CNA.

"Rất khó cho họ để theo kịp tất cả những thay đổi bởi một ngày gia đình họ có thể tới thăm nhưng ngày hôm sau thì họ không được tới thăm nữa. Khi các bệnh nhân buồn rầu, điều đó cũng ảnh hưởng đến chúng tôi bởi các bệnh nhân hoặc gia đình họ sẽ đặt câu hỏi tại sao không được phép thăm bệnh".

Trong một số trường hợp, các bệnh nhân và gia đình họ thậm chí đã nổi giận. Jessica cho biết cô từng bị hét vào mặt và bị xúc phạm trong một vài lần.

"Một vài người trong số họ đưa ra những lý do như đó là ngày sinh nhật bố mẹ của họ nhưng chúng tôi vẫn phải cứng rắn và nói với họ không được phép vào thăm. Điều đó đã khiến chúng tôi nhận phải rất nhiều phản ứng giận dữ và mệt mỏi".

Chặng đường dài phía trước

Các bác sĩ và y tá ở Singapore hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu hơn những thách thức mà các nhân viên y tế đang đối mặt.

"Mặc dù chính phủ của chúng tôi đang chuẩn bị nhiều giường ICU nhưng có những tác động của việc này và bệnh viện thực sự đang đứng trước sức ép. Vì thế, đối với những người khỏe mạnh ngoài kia, tôi hy vọng họ sẽ hành động một cách có trách nhiệm và tiêm vaccine để không phải nhập viện", một bác sĩ chia sẻ.

Các nhân viên y tế cũng đối mặt với nỗi lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19 và lây nhiễm cho người khác.

"Có ít nhất 3 lần tôi bị phơi nhiễm trước một bệnh nhân mà không biết rằng họ mắc Covid-19. Điều đó tức là họ dương tính với virus chỉ sau khi nhập viện", Jessica cho hay.

Cô đã rời nhà cách đây gần 10 tháng để giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm virus cho gia đình.

Các nhà chức trách Singapore cho biết tuần trước rằng mũi tiêm tăng cường sẽ được áp dụng mở rộng cho các nhân viên y tế tuyến đầu có rủi ro mắc bệnh cao.

Cuối cùng, điều mà các nhân viên y tế này mong chờ nhất, giống như bất kỳ ai khác, đó là đại dịch sẽ kết thúc.

"Tôi vô cùng mong chờ để được đi lại nhưng quan trọng hơn, tôi chỉ muốn được giải lao và nghỉ ngơi", Jessica cho hay./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chap-nhan-song-chung-voi-covid-19-y-te-singapore-cang-nhu-day-dan-897809.vov - theo vov.vn