“Chảo lửa” Idlib: Bất đồng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay về với Mỹ?
10:00 17-02-2020
VOV.VN - Quan hệ Nga-Thổ đang đi xuống vì những bất đồng tại Syria. Liệu đây có phải là thời điểm để Ankara quay lại với Mỹ vốn đang lên tiếng ủng hộ mình?
Idlib “căng như dây đàn”
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này đã hoàn thành trách nhiệm của mình ở khu vực Idlib của Syria và cảnh báo sẽ thực hiện "các bước đi cần thiết" nếu những nỗ lực ngoại giao với Nga sụp đổ, giữa bối cảnh quân Chính phủ Syria vẫn tiếp tục các cuộc giao tranh với lực lượng nổi dậy tại thành trì cuối cùng của chúng ở quốc gia này.
Những đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hazano gần Idlib, Syria ngày 11/2/2020. Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ các nhóm nổi dậy ở Syria và Nga - quốc gia ủng hộ chính phủ Syria đã nhất trí hồi tháng 9/2018 sẽ thiết lập một khu phi quân sự tại khu vực tây bắc Syria do phe đối lập kiểm soát vào thời điểm đó.
Theo thỏa thuận năm 2018 này, Thổ Nhĩ Kỳ có 12 chốt quan sát ở Idlib song hiện nay, một số chốt này đã nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hôm 15/2 khẳng định Ankara là bên luôn tuân thủ thỏa thuận: "Các chốt quan sát đã được thiết lập theo thỏa thuận và chính phủ Syria phải rời khỏi khu vực này. Nga và Iran sẽ đảm bảo chính phủ Syria ở ngoài khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có trách nhiệm như vậy và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ này ở đây".
"Đảm đương nhiệm vụ khó khăn và nhiều rủi ro này, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện những sáng kiến thực tế để chấm dứt dân thường đổ máu, ngăn chặn một làn sóng di cư mới và đảm bảo khu vực này không trở thành một ổ khủng bố", ông Aktay khẳng định trên đài phát sóng NTV.
Sau đó, cùng ngày, thông báo từ văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về các biện pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Idlib, đồng thời chỉ trích các cuộc tấn công của chính phủ Syria trong khu vực này.
Từ tháng 4/2019, chính phủ Syria đã tiến hành một chiến dịch tấn công vào thành trì của phe nổi dậy, làm sụp đổ thỏa thuận mong manh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau những nỗ lực ngừng bắn mong manh vào mùa hè năm 2019, Tổng thống Assad lại tiếp tục tăng cường tấn công vào khu vực này từ tháng 12.
Căng thẳng leo thang trong tháng này khi 13 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và Ankara đáp trả bằng cách tấn công nhiều mục tiêu của chính phủ Syria.
Ngày 14/2, một trực thăng quân sự của Syria đã bị bắn hạ ở một làng quê phía tây tỉnh Aleppo trong một cuộc tấn công của phe nổi dậy. Sự việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi phe nổi dậy tuyên bố lực lượng này đã bắn hạ 1 trực thăng khác của chính phủ gần thị trấn Nairab.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hồi đầu tuần này rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không tách được "những tay súng thuộc lực lượng đối lập ôn hòa khỏi những kẻ khủng bố" tại khu vực phi quân sự như đã thỏa thuận ở Idlib.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan khẳng định hôm 15/2 rằng tình hình sẽ không được giải quyết cho tới khi chính phủ Syria rút quân khỏi khu vực biên giới mà Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã vạch ra trong thỏa thuận năm 2018.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không còn điểm chung
Giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cử thêm quân đội tới tỉnh Idlib, có nhiều suy đoán cho rằng sẽ có một cuộc chiến trên quy mô lớn nếu hạn chót cho việc Syria phải rút quân khỏi khu vực này vào cuối tháng 2 bị phớt lờ.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đưa các thiết bị quân sự và xe bọc thép tới Idlib ngày 14/2 và điều này khiến Nga không hài lòng khi cho rằng căng thẳng gần đây tại Idlib trở nên tồi tệ hơn là do dòng chảy vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Seth J. Frantzman, giám đốc điều hành Trung tâm Đánh giá và Phân tích Trung Đông nhận định Thổ Nhĩ Kỳ muốn lợi dụng cuộc tấn công của chính phủ Syria như một lý do để tăng cường quyền kiểm soát Idlib và đưa các nhóm nổi dậy tới đây.
Theo ông Frantzman, Ankara muốn củng cố sự kiểm soát tại Afrin và Tel Abyad - những khu vực mà nước này giành được từ lực lượng người Kurd như một phần trong thỏa thuận với Nga nhằm hạn chế người tị nạn từ Idlib tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
"Sự củng cố quyền lực của Nga và Iran tại Syria đã đe dọa đến các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia này và mục tiêu của Ankara là phía bắc Syria", giáo sư Michael Tanchum tại Viện Australia về Chính sách An ninh và châu Âu nhận định với trang Arab News.
Chuyên gia này cũng đánh giá: "Tầm quan trọng của Idlib có thể hiểu dựa trên chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực phía bắc Syria dọc theo biên giới với nước này".
Phái đoàn của Nga đã đến Ankara để thảo luận về khả năng chấm dứt xung đột ở Idlib song đã rời Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước mà không đạt được thỏa thuận nào. Các chuyên gia Nga đã chỉ trích các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng những sự việc ở tỉnh Idlib để kích động thái độ chống Nga. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định những tuyên bố như vậy không có bất kỳ ý nghĩa nào với sự dàn xếp tại Syria.
Phát biểu tại nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara ngày 12/2, ông Erdogan tuyên bố nước này quyết tâm đẩy lùi các lực lượng của chính phủ Syria ra khỏi các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực tây bắc tỉnh Idlib vào cuối tháng 2/2020.
"Tôi ở đây để tuyên bố rằng chúng tôi sẽ tấn công lực lượng chính phủ Syria ở bất cứ đâu kể từ bây giờ và không màng tới thỏa thuận Sochi nữa nếu như có bất kỳ tổn hại nào tới các binh lính của chúng tôi ở các chốt quan sát hay bất cứ đâu".
Bài phát biểu của ông Erdogan được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Nga Putin vừa có cuộc điện đàm nhằm giải quyết những bất đồng. Điều đáng nói là trong bài phát biểu này, Tổng thống Erdogan đã đưa ra cả những cáo buộc mạnh mẽ nhằm vào Moscow.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexey Yerhov nhận định với Sputnik rằng nửa cuối tháng 1 đã chứng kiến "hơn 1.000 cuộc tấn công" do các nhóm phiến quân tiến hành ở Idlib nhằm vào binh lính, dân thường Syria và các cơ sở quân sự của Nga.
"Không ai có thể ngăn cản cuộc tấn công đang diễn ra của quân đội Syria. Sự kiên nhẫn đã cạn dần. Chính phủ Syria quyết định phải dành lại từng tấc đất lãnh thổ của họ", ông Yerhov khẳng định.
Thomas Pierret - một nhà nghiên cứu cấp cao của Pháp nhận định: "Mối quan hệ Nga - Thổ đang ở trạng thái rất xấu. Hầu như không còn điểm chung nào giữa 2 quốc gia này nữa. Đây là một mối quan hệ một chiều. Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga nhưng Ankara không có gì để cho Moscow tại Syria".
Kerim Has, một chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ tại Moscow thì cho rằng bài phát biểu của ông Erdogan chẳng khác nào một "lời tuyên chiến" với Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay lại với Mỹ?
Mỹ muốn lợi dụng căng thẳng Nga - Thổ tại Idlib để xây dựng lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn rơi vào khủng hoảng trong những năm gần đây. Trên thực tế, Mỹ đang có một cơ hội hiếm có để thuyết phục Ankara từ bỏ thỏa thuận hệ thống phòng không S-400 với Moscow. Cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Syria James Jeffrey đều lên tiếng khẳng định sự ủng hộ của Washington với Ankara.
Đặc phái viên Mỹ James Jeffrey đã gặp các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến thăm tới Ankara ngày 11/2. Ông khẳng định: "Hiện nay, đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ của chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa từ chính quyền Tổng thống Assad và Nga. Chúng ta ở đây để đánh giá tình hình cùng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ họ nếu cần thiết".
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên nhận định với Reuters rằng các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chú ý đến Mỹ bất chấp mối quan hệ ngày càng xấu đi với Nga và đe dọa trừng phạt của Washington liên quan đến hợp đồng S-400.
"Thổ Nhĩ Kỳ đạt được lợi ích khi có sự ủng hộ của Mỹ tại Idlib nhưng Ankara không hứng thú với việc Mỹ sẽ đẩy nước này vào một chiến dịch quân sự. Một cuộc xung đột là quá mạo hiểm với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi Ankara vẫn còn thỏa thuận S-400 với Moscow, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (đường ống khí tự nhiên chạy từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ) và các chiến dịch tại Libya", chuyên gia Frantzman nhận định với trang Arab News.
Cho tới nay, không có bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib sau những cuộc gặp kéo dài nhiều ngày giữa 2 bên tại Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm nổi dậy, vốn được sử dụng để chống lại lực lượng người Kurd tại Syria trong 2 năm qua trong khi người Kurd lại là đồng minh từng "kề vai sát cánh" với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Giữa bối cảnh chiến sự Idlib không có dấu hiệu hạ nhiệt, câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thương lượng với Nga điều gì để đưa Moscow quay lại bàn đàm phán hay Ankara sẽ bất chấp quan hệ Nga - Thổ và không màng hậu quả để tiến hành một cuộc “quyết đấu” cuối cùng với Syria?./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chao-lua-idlib-bat-dong-voi-nga-tho-nhi-ky-se-quay-ve-voi-my-1011018.vov - theo vov.vn