Cây tiêu ở Bình Phước chết hàng loạt, lỗi do ông trời hay con người?

09:32 19-06-2020

VOV.VN - Gần 3 năm nay, hơn 1.000 ha tiêu ở xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chết hàng loạt khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng.

Người dân "kêu cứu"

Mấy năm trước, giá tiêu lên cao, với 2.000 trụ tiêu, mỗi năm gia đình bà Hoàng Thị Hòa (50 tuổi, ngụ ở xã Đăk Ơ) lãi hơn 300 triệu đồng. Gia đình bà vay ngân hàng 1,8 tỷ đồng để đầu tư thêm khoảng 4.000 trụ tiêu. Tuy nhiên, vườn tiêu chưa cho thu hoạch thì bỗng nhiên vàng lá, úng rễ chết hàng loạt.


Ông Phương Hữu Tự đau lòng nhìn vườn tiêu chết khô.
“Bao nhiêu hộ mỗi nhà mỗi khác, tại sao không chết một vài nhà mà chết đồng loạt. Nguyên nhân là do dịch bệnh chứ không phải tự dưng chết. Nếu nhà nước không hỗ trợ dân thì không còn gì. Gia đình tôi có hai vợ chồng, bản thân thì khuyết tật không làm được gì, cuộc sống vô cùng khó khăn", bà Hòa chia sẻ.
Những hộ gia đình khác ở Bình Phước cùng chung cảnh ngô như gia đình bà Hòa. Nguồn tiền đầu tư vườn tiêu đa số vay từ ngân hàng, khi cây tiêu chết người dân không có khả năng chi trả những khoản nợ tiền tỷ. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 700 hộ dân ở xã Đăk Ơ như đang “ngồi trên đống lửa” khi phải gánh nợ vì đầu tư vào cây tiêu. Nhiều người chán nản cắm bảng bán đất để lấy tiền trả nợ ngân hàng, nhưng ngặt nỗi chẳng ai mua đất. Cho rằng, tiêu chết do dịch bệnh nên người dân mong muốn chính quyền xem xét công bố dịch để được hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ.


Người dân cho rằng tiêu chết do dịch bệnh nhưng ngành chức năng kết luận không đủ cơ sở công bố dịch.
Ông Phương Hữu Tự (46 tuổi, ngụ ở xã Đăk Ơ) đang ôm khoản vay hơn 1,2 tỷ đồng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để cứu nông dân trồng tiêu trong thời điểm khó khăn hiện nay.

“Đề nghị Nhà nước có một chính sách hỗ trợ thiết thực và cụ thể cho bà con như khoanh nợ để có thời gian tái tạo cây trồng, yên tâm sản xuất. Nếu không có chính sách, bà con không biết nên sản xuất như thế nào vì nợ ngân hàng, người ta vào siết đất nên không dám làm”, ông Tự cho hay.

Tiêu chết, trở thành con nợ nên người dân chưa dám chuyển đổi cây trồng.
Không đủ cơ sở công bố dịch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, từ tháng 6/2019, cơ quan chuyên môn của Sở và Cục Bảo vệ Thực vật đã tiến hành khảo sát, xác định việc tiêu chết. Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó có những lý do, như: Trồng trên đất chưa phù hợp, giống không đạt yêu cầu, ngập úng, hạn hán, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, chưa đủ cơ sở để công bố dịch bệnh trên cây tiêu, bởi theo Nghị định 116, thì công bố dịch bệnh phải là do sinh vật gây hại lạ gây ra, hoặc sinh vật gây bệnh vượt quá khả năng kiểm soát có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.


Nhiều người dân không cầm cự được rao bán đất để trả tiền ngân hàng.
“UBND tỉnh Bình Phước rất thận trọng nên đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển xem xét lại nguyên nhân tiêu chết. Nói về dịch bệnh, công bố dịch để dập dịch chứ không phải để hỗ trợ. Hiện nay ở xã Đăk ơ vẫn còn 647 ha tiêu phát triển bình thường”, bà Tuyết cho hay.
Còn theo ông Vũ Đức Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ơ, nguyên nhân tiêu chết do người dân. Mấy năm gần đây, giá tiêu liên tục tăng cao, có hộ trồng hồ tiêu trúng đậm và trở thành tỷ phú nên nhiều hộ dân khác ồ ạt đầu tư tiền của, thậm chí vay mượn ngân hàng để lấy vốn trồng tiêu. Cây tiêu là cây “nhà giàu” nên đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, người dân thấy giá cao nên cứ trồng theo phong trào, mở rộng diện tích mà không chú trọng đầu tư kỹ thuật chăm sóc nên không bền vững. Điều đáng nói là phong trào trồng tiêu tại địa phương là do tự phát.

Ông Vũ Đức Duy cho biết: “Chưa có văn bản nào khuyến cáo bà con trồng cây gì. Có thời điểm cây cao su được giá như năm 2009, bà con đồng loạt cưa cây điều trồng cây cao su. Sau đó, cưa cây cao su sang trồng tiêu rồi lại trồng điều. Căn cứ tình hình kinh tế, các hộ gia đình tự chuyển đổi”.

Mới đây, huyện Bù Gia Mập kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Phước tìm mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cho người dân. UBND tỉnh Bình Phước cũng đã làm việc với ngân hàng tìm hướng gia hạn nợ. Đây là giải pháp cần thiết trước mắt. Điều đáng nói là hiện tượng tiêu chết hàng loạt không phải mới xảy ra mà xuất hiện từ năm 2017, nhưng 2 năm sau, Bình Phước mới tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân thì quá muộn. Dù tiêu chết vì "lỗi do ông trời, hay tại con người” thì việc chậm ngăn chặn hiện tượng trên cũng có phần trách nhiệm của ngành chức năng ở Bình Phước./.

https://vov.vn/tin-24h/cay-tieu-o-binh-phuoc-chet-hang-loat-loi-do-ong-troi-hay-con-nguoi-1061345.vov - theo vov.vn