Cắt điện, xin lỗi dân là cần thiết nhưng quan trọng hơn sẽ khắc phục ra sao?
09:03 09-06-2023
VOV.VN - Vấn đề về điện liên quan đến mọi hoạt động sản xuất, dân sinh. Xin lỗi là tốt nhưng phải có biện pháp khắc phục. Nhân dân và cử tri chờ đợi vào những hành động của cơ quan quản lý.
Vừa bắt đầu mùa hè, toàn quốc diễn ra các đợt cắt điện liên tục. Thời gian gần đây, người dân có thêm một thói quen mới là kiểm tra tin nhắn thông báo của bên điện lực về giờ cắt điện hay lướt tìm thông tin lịch cắt điện ở các địa phương.
Miền Bắc đang ở giai đoạn thiếu điện vào bất cứ khung giờ nào
Việc thiếu điện còn làm nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi đại diện Bộ Công thương cho biết miền Bắc đang ở giai đoạn thiếu điện ở bất kể khung giờ nào.
Theo các đại biểu Quốc hội, việc thiếu điện có nhiều nguyên nhân, song để ra tình huống “trầm trọng” như vậy, dẫn đến việc cắt điện không chỉ khu vực dân sinh mà còn ảnh hưởng cả khu vực sản xuất, doanh nghiệp thì cần đánh giá sự tác động đến kinh tế xã hội, thậm chí đến cả an ninh trật tự.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho rằng, về việc thiếu điện, sự cố cắt điện những ngày qua hãy khoan đổ lỗi cho “ai”, bởi câu chuyện xét lỗi phải phải đánh giá rất cẩn trọng từng lĩnh vực và trên nhiều khía cạnh.
“Trước hết, khách quan là thời gian qua không có đủ nguồn cho thủy điện tích nước. Lượng nước tại nhiều khu vực thủy điện ở mực nước chết, rất khó để cung cấp đủ sản lượng. Mặc dù chúng ta đã phải mua điện của các nước bên cạnh. Việc truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc trên đường dây siêu cao áp 500 kV cũng phải đáp ứng điều kiện kỹ thuật nhất định, đó là vấn đề khách quan. Song, vấn đề chủ quan là phải rà soát lại hệ thống chính sách về phát triển năng lượng”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.
“Thủ tướng đã ký quy hoạch điện VIII, tôi cho rằng đấy là điều kiện để rà soát để triển khai làm sao bảo đảm hài hòa các nguồn năng lượng khác nhau, giữa năng lượng hóa thạch, năng lượng từ nước rồi năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chính sách về điện đang có một câu chuyện chưa tường minh. Cơ chế nửa thị trường lại nửa có sự điều tiết, rồi có sự can thiệp”, đại biểu đoàn Đồng Nai nêu ý kiến.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, lý giải của Bộ Công thương về việc thua lỗ của EVN là doanh nghiệp duy nhất chỉ mua điện. Mua vào một giá khác và bán ra với giá điều tiết. Đại biểu cho rằng cần phải đánh giá lại câu chuyện này đúng hay không. Thêm nữa, việc hạch toán giữa công ty mẹ công ty con có đúng, có đủ hay không.
“Tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ đã tổ chức thanh tra ngay để công luận, người dân biết được thực tế là như thế nào. Còn nếu đúng câu chuyện EVN phải mua cao bán thấp rồi giành phần khó khăn thì cũng cần đánh giá rõ ràng. Tôi cho rằng câu chuyện này phải rất rõ ràng trong chính sách về năng lượng, đặc biệt sắp tới thanh tra, kiểm toán xong, phải có câu trả lời rõ ràng rằng là có phải đúng lỗ không, là mua giá cao bán giá điều tiết hay không. Phải hết sức khách quan toàn diện trong việc đánh giá lại vấn đề điện lực thời gian qua”, đại biểu đoàn Đồng Nai nhấn mạnh.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng cần nhìn nhận các mặt của vấn đề, bởi đã là thị trường thì phải chấp nhận câu chuyện là có lợi, có lãi thì làm còn không thì thôi. Nếu khả năng không làm được thì nên để người khác làm, tránh lợi dụng tình trạng độc quyền để làm méo mó thị trường, gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Người dân và cử tri không chỉ cần lời xin lỗi
Về phía điện lực, việc cắt điện khách hàng một cách bất đắc dĩ và để dư luận kêu ca không phải điều họ muốn và trước mỗi lần cắt điện, họ đều phải thông báo, xin khách hàng thông cảm.
Tại buổi họp báo chiều 7/6, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nói: “Việc thiếu điện là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới tất cả nhân dân, doanh nghiệp”, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, nói trong cuộc họp báo vào chiều 7/6.
Theo các đại biểu, đây là lời xin lỗi cần thiết, song người dân và cử tri sẽ cần nghe kỹ hơn về giải pháp cải thiện nguồn cung, hạn chế cắt điện trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội cho rằng, việc xin lỗi là cần thiết. Mình sai thì mình phải xin lỗi. Đó có thể được xem như văn hóa tối thiểu trong đời sống con người. Điều đáng mừng là văn hóa đó đã thâm nhập vào công tác quản lý, lãnh đạo.
“Lãnh đạo từ thấp đến cao khi mình làm sai thì nên xin lỗi nhân dân. Trong vòng 10 năm quay trở lại đây, văn hóa xin lỗi ngày càng phát triển. Điều đó rất tốt, song có vấn đề quan trọng hơn là sau lời xin lỗi đó phải có hành động sửa chữa lỗi. Còn nếu nói lời xin lỗi để cho qua, xoa dịu hay tránh sự bức xúc của dư luận, của nhân dân thì phải cảnh báo”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, lời xin lỗi phải kèm theo biện pháp sửa chữa lỗi. Điện cũng thế, giao thông hay y tế cũng vậy.
“Vấn đề điện hiện nay rất là lớn bởi nó liên quan đến mọi vấn đề đời sống sản xuất dân sinh. Xin lỗi là tốt rồi. Nhưng phải có biện pháp khắc phục. Nhân dân và cử tri chờ đợi vào những hành động của cơ quan quản lý. Tôi cho rằng, lãnh đạo càng làm cao càng phải thấm nhuần điều này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.
Câu chuyện thiếu điện, cắt điện mỗi khi đến mùa cao điểm không phải là mới. Mỗi lần như thế, dư luận lại băn khoăn vai trò của EVN trong cung cấp điện. Với đợt thanh tra lần này, hy vọng cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục. Tránh việc thiếu điện, cắt điện rồi xin lỗi!./.
https://vov.vn/xa-hoi/cat-dien-xin-loi-dan-la-can-thiet-nhung-quan-trong-hon-se-khac-phuc-ra-sao-post1025349.vov - theo vov.vn