"Cái nôi” của phong trào Đồng Khởi phát huy truyền thống anh hùng

08:54 28-04-2023

VOV.VN - Đảng bộ và nhân dân xã Định Thủy hôm nay đang ra sức làm nên cuộc “Đồng Khởi mới”, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, chống lại đói nghèo, lạc hậu để vùng quê này ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, là nơi diễn ra cuộc Đồng Khởi đầu tiên ở tỉnh Bến Tre. Đúng 8h sáng 17/1/1960 tại xã Định Thủy, nhân dân đã nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre. Làn sóng Đồng Khởi như nước vỡ bờ lan ra khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ.

Định Thủy hôm nay không còn là xã “địa hình” hẻo lánh nữa, con đường từ trung tâm huyện Mỏ Cày Nam về xã Định Thủy nay đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, láng nhựa, thông thoáng. Hai bên đường, nhà kiên cố mọc lên san sát, vùng quê cách mạng xưa kia vốn rất khó khăn nay đã thay màu áo mới.

Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Định Thủy Nguyễn Văn Rồi không giấu được niềm vui, cho biết, vào đầu năm nay, nhân kỉ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi 17/1, xã vinh dự được ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Bến Tre được công nhận danh hiệu này.

 

Toàn xã Định Thủy có hơn 3.100 hộ dân, chủ yếu sinh sống với vườn dừa thương phẩm hơn 1.100 ha, nuôi đàn heo, bò với trên 7.000 con. Gần đây, địa bàn xã còn phát triển được 150 cơ sở sơ chế biến dừa, 1 hợp tác xã nông nghiệp gắn với gần 180 ha dừa hữu cơ làm đầu mối cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp xa gần.

Dù đầu ra nông sản có thăng trầm do nhu cầu thị trường nhưng phải khẳng định với ý chí chăm lo lao động, tinh thần bám trụ, vượt khó của người dân “cái nôi” quê hương Đồng Khởi đã giúp cuộc sống bà con từng bước vươn lên và ổn định.

Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Định Thủy là 71 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 95 hộ (chiếm 2,9%), hộ cận nghèo 62 hộ (chiếm 1,9%). Toàn xã có 517 liệt sĩ, 222 thương bệnh binh, 40 mẹ Việt Nam Anh hùng. Các gia đình chính sách, người có công cách mạng đã được chăm lo, phụng dưỡng và có mức sống ngang bằng với khu dân cư.

Đáng ghi nhận là hạ tầng nông thôn của vùng quê cách mạng này đã đổi thay rõ nét; 100% tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm Đảng ủy, chính quyền địa phương còn huy động “xã hội hóa” được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng, làm cầu đường tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân. Trên địa bàn xã Định Thủy hiện có 3 trường học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và trạm y tế xã đều đạt chuẩn cấp Quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Rồi, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Định Thủy cho biết thêm, Đảng ủy, UBND xã Định Thủy tập trung chăm lo phát triển kinh tế, đi đôi với kinh tế dừa, chăn nuôi, Định Thủy gắn khu di tích Quốc gia đặc biệt phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt tập trung chăm lo hộ chính sách, hộ nghèo và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Xã tiếp tục phấn đấu xây dựng đạt chuẩn của phường trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, những người con Định Thủy đang sinh sống và làm việc trong và ngoài tỉnh  hướng về Định Thủy cùng chung tay, góp sức với Đảng bộ xã chăm lo cho bà con, phát triển cầu đường, tạo điều kiện giao lưu hàng hóa để phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Phát huy truyền thống của “cái nôi” phong trào Đồng khởi năm xưa, cán bộ, đảng viên và người dân địa phương đoàn kết, chung lòng, thực hiện tốt các phong trào thi đua, đi đầu các chương trình, hành động cách mạng. Thanh niên địa phương tiếp bước cha anh, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Công tác tuyển quân hàng năm của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn Đảng bộ xã có 16 chi bộ, với 396 đảng viên, mỗi năm xã kết nạp được từ 5-6 đảng viên mới, 4 năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu “ Trong sạch- vững mạnh”.

Cựu chiến binh xã là lực lượng nòng cốt trong việc phát huy truyền thống yêu nước của vùng quê cách mạng trong lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu cũng như công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, cựu chiến binh vừa đảm nhiệm Trưởng ấp, kiêm Bí thư Chi bộ ấp Định Thái, xã Định Thủy - là tấm gương điển hình về công tác nhiệt tình và lao động giỏi tại địa phương. Trước đây, ông là bộ đội của Đoàn 29, Lữ đoàn 29 thông tin, Quân khu 9. Năm 1983, ông xuất ngũ về nhận công tác tại ấp và trồng 1,2 ha đất vườn dừa hữu cơ nuôi xen tôm càng xanh cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực của ông là mô hình mới có triển vọng được nhiều nông dân nhân rộng.

Ông Nguyễn Trung Tuấn chia sẻ, nuôi tôm càng xanh toàn đực rất thuận lợi, tôm ít bệnh, môi trường nước phải sạch sẽ. Ông sẽ giữ vững và phát triển mô hình nuôi tôm, đồng thời vận động nhiều hộ cùng nuôi.

Toàn xã Định Thủy hiện có 326 hội viên cựu chiến binh, với mô hình trồng dừa hữu cơ, chăn nuôi gia súc, thủy sản đến nay, toàn Hội chỉ còn 2 hộ cận nghèo, số còn lại đã vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Quang Đệ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Định Thủy cho biết thêm: "Cựu chiến binh xã thực hiện nhiều mô hình làm kinh tế cơ bản phát triển. Các hội viên rất gắn bó, tương trợ lẫn nhau. Cựu chiến binh có mô hình 5+1, là 5 hội viên giúp đỡ một cựu chiến binh nghèo để phát triển kinh tế. Ngoài ra có mô hình “hụi không lời”, “nghĩa tình đồng đội”,“bụi chuối tình thương”. Tham gia các mô hình, cựu chiến binh phát triển được, làm ăn được, hiện chỉ còn 2 hội viên cận nghèo”.

Giáo dục truyền thống yêu nước về “cái nôi” của phong trào Đồng khởi năm 1960 là một nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương đối với thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên, học sinh và khách đến tham quan du lịch thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động phong trào.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đồng khởi Bến Tre được xây dựng tại trung tâm xã trên một diện tích 5.000m2 rất khang trang, gồm nhà bảo tàng một trệt, một lầu để trưng bày các hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch… Năm 2022, khu di tích có 120 đoàn khách với hơn 6.400 người đến tham quan, nghiên cứu.

Chị Bùi Thị Hồng Châu, thuyết minh của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre rất vui và hạnh phúc khi đảm nhận nhiệm vụ tại đây. Để làm tốt công việc, chị thường xuyên đi học, dự tập huấn, bổ sung kiến thức chuyên ngành để phục vụ khách tham quan hiểu hơn về phong trào Đồng khởi năm xưa.

"Cái gì không hiểu hết, tôi đi gặp các anh, các chú, anh chị đi trước để hiểu hơn về các mốc lịch sử để phục vụ du khách. Tôi rất tự hào khi được giới thiệu về lịch sử, phong trào Đồng khởi  của Bến Tre, xem như là nhiệm vụ của tuổi trẻ địa phương”, chị Hồng Châu chia sẻ.

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất kiên trung, bất khuất và chịu bao đau thương mất mát năm xưa giờ đã thay da đổi thịt. Đảng bộ và nhân dân xã Định Thủy hôm nay đang ra sức làm nên cuộc “Đồng Khởi mới”, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, chống lại đói nghèo, lạc hậu, tiếp tục nâng chất các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu để vùng quê này ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền nhân để cho thế hệ hôm nay có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

https://vov.vn/chinh-tri/cai-noi-cua-phong-trao-dong-khoi-phat-huy-truyen-thong-anh-hung-post1016460.vov - theo vov.vn