Các trường thiếu giáo viên, giáo trình chuẩn để dạy Toán, Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh
10:24 05-05-2022
VOV.VN - Việc dạy môn Toán, Khoa học tự nhiên bằng Tiếng Anh được đánh giá mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong phát triển năng lực, tư duy ở học sinh, song quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc do thiếu đội ngũ giáo viên có khả năng dạy song ngữ, cũng như thiếu các giáo trình chuẩn.
Giai đoạn năm 2015-2016, Bộ GD-ĐT có hàng loạt công văn khuyến khích triển khai chính sách khuyến khích thí điểm dạy các môn Khoa học tự nhiên, trong đó có môn Toán bằng tiếng Anh. Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích triển khai thí điểm dạy học song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên tại các trường THPT chuyên và các trường THCS, THPT khác có đủ điều kiện. Tích cực triển khai xây dựng trường học điển hình về dạy và học ngoại ngữ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Sau hơn 5 năm triển khai, mô hình dạy song ngữ các môn Toán và Khoa học tự nhiên được đánh giá là đem lại nhiều hiệu quả tích cực, song còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, mới chỉ phổ biến tại một số địa phương nhất định.
TS Đỗ Viết Tuân (Học viện Quản lý giáo dục) - người trực tiếp tham gia viết sách và giảng dạy Toán bằng Tiếng Anh đã có trao đổi về thực tế dạy và học môn Toán song ngữ trong các trường phổ thông hiện nay.
PV: Thưa ông, giai đoạn năm 2015- 2016, Bộ GD-ĐT có hàng loạt các văn bản nhằm khuyến khích triển khai dạy học song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên tại trường THPT chuyên, THCS, THPT khác có đủ điều kiện. Ông đánh giá sao về thực tế dạy và học môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong các trường phổ thông hiện nay?
TS Đỗ Viết Tuân: Công văn số 4325 của Bộ GD-ĐT ban hành tháng 9/2016 khuyến khích triển khai thí điểm việc dạy môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên tại một số trường THPT chuyên, THPT, THCS có đủ điều kiện, tới nay đã gần 6 năm thực hiện chủ trương này, tôi nhận thấy việc giảng dạy Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng Tiếng Anh đã có những tín hiệu tích cực khi mà nhiều nhà trường đã triển khai thí điểm các tiết học Toán bằng Tiếng Anh hay học Tiếng Anh thông qua môn Toán và các môn khoa học khác.
Nhiều trường ở Hà Nội đã triển khai giảng dạy hệ Cambrigde song song với chương trình hiện hành. Các chương trình này đã mang lại những kết quả đang khích lệ, khi phòng trào học Toán bằng Tiếng Anh thực sự khá tốt. Ngoài việc thông qua môn Toán nâng cao năng lực ngoại ngữ, thì việc học Toán hay các môn khoa học bằng Tiếng Anh đã góp phần giúp học sinh tiếp cận với chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Singapore, Úc, Phần Lan…
Nhiều thí sinh Việt Nam tham dự các kì thi Toán Quốc tế hay các môn Khoa học tự nhiên như Vật Lý, Hóa học hay STEM…đạt thành tích rất tốt.
Học sinh ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM với nền tảng ngoại ngữ tốt nên các bạn khá hào hứng với các chương trình dạy học Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng Tiếng Anh.
PV: Thực tế cho thấy, việc dạy các chương trình song ngữ được triển khai phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, song tại nhiều địa phương, mô hình này còn khá mới mẻ. Theo ông, hiện nay các địa phương và nhà trường đang gặp những khó khăn gì trong việc dạy Toán bằng tiếng Anh?
TS Đỗ Viết Tuân: Đúng là hiện nay các chương trình song ngữ chủ yếu được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một vài tỉnh thành khác và cũng chỉ phổ biến ở các trường tư thục, trường liên kết quốc tế…
Còn tại hầu hết các địa phương mô hình dạy học các môn Toán, khoa học bằng Tiếng Anh còn khá mới mẻ, thiếu nhiều điều kiện để triển khai. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy rằng có một số những vấn đề sau đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc triển khai dạy học Toán và các môn khoa học bằng Tiếng Anh.
Thứ nhất là thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy bằng Tiếng Anh cho các môn Toán và Khoa học tự nhiên. Hầu hết giáo viên đều hạn chế về năng lực ngoại ngữ, điều này dẫn đến những hạn chế trong việc triển khai việc dạy học Toán và các môn Khoa học tự nhiên khác bằng Tiếng Anh tại các nhà trường.
Thứ 2, việc đào tạo giáo viên chuyên biệt dạy Toán và các môn khoa học bằng Tiếng Anh ở các trường Đại học Sư phạm hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực. Hiện nay mới chỉ có số ít các trường đào tạo chuyên ngành dạy học Toán bằng Tiếng Anh. Vì vậy hiện nay các trường phổ thông đang thiếu hụt lượng lớn nhân lực cho việc giảng dạy các chương trình song ngữ.
Thứ 3 là thiếu chương trình, giáo trình chuẩn để giảng dạy tại các nhà trường phổ thông. Các đề án giảng dạy song ngữ được tiến hành hiện nay vẫn đang mang tính chất thí điểm, chưa có kiểm định chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó những đặc thù của từng địa phương như quan điểm của các cấp quản lý ngành giáo dục, nhận thức của phụ huynh học sinh và bài toán kinh phí triển khai cũng ảnh hưởng đến việc triển khai dạy học Toán và các môn khoa học bằng Tiếng Anh.
PV: Dưới góc nhìn chuyên gia và là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, ông đánh giá ra sao về hiệu quả của phương pháp dạy Toán bằng tiếng Anh với sự phát triển tư duy, năng lực của học sinh?
TS Đỗ Viết Tuân: Nếu đáp ứng được các điều kiện về đội ngũ, chương trình và tài liệu, tôi cho rằng dạy học Toán và các môn khoa học bằng Tiếng Anh giúp học sinh đạt được nhiều mục tiêu. Không chỉ nâng cao năng lực ngoại ngữ, học sinh còn được tiếp cận các nội dung toán gắn với thực tiễn, các dạng Toán không quá đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp mà chủ yếu dựa trên khả năng suy luận, đọc hiểu và khả năng giải quyết vấn đề dựa trên những nền tảng kiến thức cơ bản.
Từ quá trình giảng dạy nội dung Toán Tiếng Anh tại một số trường Tiểu học và THCS cũng như tại các trung tâm ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy rằng học sinh hào hứng với các bài toán bởi việc lập luận, suy luận rất tự nhiên, không mang tính chất mẹo mực quá nhiều nên khi đã đọc hiểu được đề bài thì việc tìm tòi hướng giải quyết bằng các lập luận logic là khá dễ với học sinh.
PV: Để nhân rộng việc triển khai mô hình dạy song ngữ này, theo Tiến sĩ cần những giải pháp gì, nhất là khi Chương trình GDPT mới được đưa vào giảng dạy tại các cấp học?
TS Đỗ Viết Tuân: Theo cá nhân tôi để nhân rộng mô hình này việc cấp bách đầu tiên là phát triển đội ngũ giáo viên có thể giảng dạy song ngữ qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn hàng năm.
Tiếp theo là cần có chương trình chuẩn hóa với các môn học dạy bằng song ngữ. Bên cạnh đó phát triển bộ tài liệu giảng dạy phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới trên cơ sở tiếp cận với cách tiếp cận nội dung của một số chương trình tiên tiến ở nước ngoài. Việc này là cần thiết vì giáo viên đang thiếu những nguồn tài liệu đủ tin cậy để thực hiện công tác giảng dạy tại các nhà trường. Bản thân tôi đang cùng với một số thầy cô Toán Tiếng Anh khác cũng triển khai 1 bộ sách Toán Tiếng Anh từ tiểu học đến THCS với mục tiêu bám sát chương trình phổ thông, tiếp cận với một số chương trình Toán tiên tiến của Mỹ, Úc hay Singapore, giúp cho học sinh tự tin tham gia các kỳ thi toán Quốc tế và đạt được thành tích cao.
Chúng tôi mong rằng với việc nhận thức đúng đắn của các cấp quản lý về việc dạy học các môn Toán và khoa học bằng Tiếng Anh thì những vấn đề hạn chế sẽ được từng bước giải quyết, từ đó giúp cho học sinh được học tập, tiếp cận với các chương trình học tiên tiến của các nước trên thế giới./.
PV: Xin cảm ơn ông!/.