Các hiệp hội lên tiếng về những bất cập trong quy định phòng cháy chữa cháy mới
09:13 07-06-2023
VOV.VN - Các hiệp hội cho rằng, một số quy định về phòng cháy hiện nay khi áp dụng trong thực tế có bất cập, chưa phù hợp... dẫn tới hiệu quả không cao.
Có những quy định PCCC áp dụng trong thực tế sẽ không hiệu quả
Trong thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đã có những dư luận phản ánh, văn bản kiến nghị về những bất cập trong lĩnh vực an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định mới đã đang gây ra hàng loạt bất cập, khiến hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ các các nhân, tổ chức ở trong nước mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và các tỉnh thành phố cũng gửi văn bản tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ có liên quan kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xin cấp phép phòng cháy chữa cháy.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng, nhiều quy chuẩn PCCC mới đang áp dụng lấy theo tiêu chí của các nước châu Âu, quá cao khiến tính khả thi thấp, lệch với thực tiễn quy hoạch, đặc trưng nhà xưởng, trình độ phát triển lâu nay ở Việt Nam.
Vấn đề này cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về an toàn PCCC đối với công trình, nhưng việc triển khai ở các địa phương vẫn chậm. Nhiều doanh nghiệp chưa thể quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Các đại biểu đề nghị các bộ ngành, địa phương cần sớm rà soát các quy định, cơ chế chính sách, quy chuẩn sao cho phù hợp với thực tiễn. Phải có thời gian nhất định cho các cơ sở kinh doanh chưa đủ điều kiện về an toàn PCCC trong phạm vi cho phép có thời gian khắc phục những vấn đề về an toàn cháy nổ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Hiện nay chưa có tiêu chuẩn riêng cho hệ thống hút khói, việc thiết kế hệ thống này đang áp dụng chung với TCVN 5687 vốn được thiết kế cho hệ thống điều hòa không khí vì vậy mỗi địa phương sẽ áp dụng 1 kiểu, có nơi dựa vào quy chuẩn của Singapore, Nga…gây rất nhiều khó khăn trong công tác thẩm duyệt thiết kế PCCC”.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nêu ra những khó khăn khác như: “Đối với các kho lạnh tại nhà máy chế biến thủy sản thì nhiệt độ thông thường từ -10 đến -25 độ C, độ ẩm 95%, cao 12 mét thì hệ thống báo cháy tự động trên thị trường hiện nay không hoạt động hiệu quả (báo nhiệt, báo khói, báo cháy) sẽ rất lãng phí”.
Quy chuẩn 06 gỡ được một phần nhưng tạo ra khó khăn mới
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê và rà soát từ Bộ Công an, tính tới ngày 15/5/2023 cả nước có đến 38.140 công trình đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về PCCC không có khả năng áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ở thời điểm hiện tại.
Theo đó, các vướng mắc chủ yếu của các công trình vi phạm liên quan tới các yếu tố không đảm bảo khi chiếu theo tiêu chuẩn cụ thể như: Đường, bãi đỗ xe cho chữa cháy; Khoảng cách an toàn PCCC; Bậc chịu lửa; Ngăn cháy lan; Lối thoát nạn; Trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy; Hệ thống kỹ thuật có liên quan
Ý kiến của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, Quy chuẩn 06:2022 đã tháo gỡ được quy định về diện tích khoang cháy, công trình bậc chịu lửa IV với hạng sản xuất C diện tích khoang cháy lên đến 25.000 mét vuông. Nhưng gỡ được phần này thì lại gặp khó khăn ở vấn đề khác.
"Quy định về giới hạn chịu lửa của tấm lợp RE15, xà gồ, giàn dầm R15 để chứng minh đạt dựa trên chỉ số Am/v <250 m-1. Để đảm bảo thì độ dày của cột, kèo phải tăng lên gần gấp 2 lần so với trước đây dẫn đến các bộ phận khác của công trình cũng phải tăng độ dày dẫn đến chi phí đầu tư lên cao, kết cấu nhà lại chịu thêm tải trọng nặng trong khi thực tế xây dựng lại rất cần làm giảm trọng tải của kết cấu”, đại diện các doanh nghiệp thuộc hiệp hội cho biết.
Vướng mắc thứ 2 được chỉ ra là quy định về bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu được sử dụng các giải pháp như dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy... và phải kiểm định kết cấu công trình trong giai đoạn thiết kế do Bộ Công an đặt ra gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện như chi phí đầu tư tăng cao, thủ tục rườm rà.
Có nhiều giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực. Trong thực tế, vì lý do thuận tiện trong thi công, bảo đảm thẩm mỹ, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đã đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy. Tuy nhiên việc sử dụng giải pháp sơn chống cháy cần phải lưu ý đến các yếu tố kỹ thuật.
Cụ thể, trước khi lựa chọn phương án sử dụng sơn chống cháy hoặc các chất, vật liệu chống cháy khác để bảo vệ kết cấu công trình, cần có thiết kế chịu lửa để xác định các loại kết cấu chịu lực chính cần bảo vệ chống cháy và nhiệt độ tới hạn của kết cấu trong điều kiện cháy, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy tương ứng.
“Sản phẩm sơn chống cháy của các hãng khác nhau có hiệu quả bảo vệ khác nhau, đồng thời khi sử dụng lên các kết cấu khác nhau cũng có hiệu quả bảo vệ khác nhau. Do đó, các loại sơn chống cháy được chọn để sử dụng cho dự án, công trình phải được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả bọc bảo vệ theo quy trình tiêu chuẩn, phù hợp với thiết kế kết cấu công trình”, kiến nghị của hiệp hội nêu rõ.
Không chỉ có vậy, hiện nay công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy, đòi hỏi tiêu chuẩn EI70, nhưng phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng, thì lại thẩm định theo công trình, và trước đây, hệ thống ống gió điều hòa chỉ cần bọc amiăng, nhưng nay, QCVN 06:2022/BXD yêu cầu bọc bằng thạch cao chống cháy có chi phí đắt đỏ, khiến doanh nghiệp đầu tư đội chi phí lên gấp đôi, gấp ba.
Quy định về cấp khí bù rất bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất
Ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp chỉ ra điều bất cập nhất đó là áp dụng hệ thống tăng áp hút khói, cấp khi bù đối với công trình sản xuất về điện tử, sản xuất về y tế dược phẩm, quy trình sản xuất và lên men sữa rất bất cập khi áp dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình sản xuất.
Sản xuất điện tử, yêu cầu đối với phòng sạch cấp độ cao Class 1000 trở lên. Cấp khi bù đối với các dự án không phân chia thành các không gian phòng, và công năng sản xuất không yêu cầu về độ sạch như (gỗ, may mặc, se sợi…). thì có thể áp dụng thiết kế dễ. Nhưng đối với dự án sản xuất về điện tử, Y tế, dược phẩm là việc cực kỳ khó khăn, đồng thời nếu trang bị thì chi phí đầu tư quá lớn vì bên trong dự án thường được phân chia thành nhiều phòng kín khác nhau. Doanh nghiệp đề xuất xem xét áp dụng phù hợp đối với từng công năng hoạt động như (xăng dầu, Gas - LPG…), hoặc bỏ quy định này không bắt buộc. Vì việc cấp khí bù nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì việc cấp khí bù lại càng khiến đám cháy bùng lớn hơn.
Các doanh nghiệp thuộc hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cũng cho rằng: “Yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC do Bộ Công an đặt ra khó thực hiện, đặc biệt tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP.HCM, khi thực hiện sẽ rất chật vật để đáp ứng”./.
https://vov.vn/xa-hoi/cac-hiep-hoi-len-tieng-ve-nhung-bat-cap-trong-quy-dinh-phong-chay-chua-chay-moi-post1024797.vov - theo vov.vn