Các hãng hàng không quốc tế “đau đầu” khi không phận Belarus bị hạn chế
15:17 25-05-2021
VOV.VN - Quyết định của Belarus khi buộc một chuyến bay thương mại hạ cánh để bắt giữ một nhà báo đối lập cho thấy ngành hàng không có thể bị kéo vào những bất đồng địa chính trị, đôi khi tiềm ẩn những hậu quả nguy hiểm.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/5 đã thông báo cho các hãng hàng không tránh không phận Belarus sau khi nước này buộc một máy bay thương mại phải hạ cánh để bắt giữ nhà báo đối lập.
Sự việc diễn ra khá nhanh chóng. Một ngày sau khi điều máy bay chiến đấu ép máy bay của hãng hàng Ryanair trên đường từ Athens (Hy Lạp) tới Vilnius (Latvia) phải hạ cánh xuống sân bay Minsk, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, đã vấp phải những lời chỉ trích mạnh mẽ, kèm theo đó là lệnh cấm bay từ các nước và các hãng hàng không trên thế giới.
EU kêu gọi các hãng hàng không có trụ sở trong khối ngừng bay qua Belarus khi khối này cũng đang làm việc để cấm các hãng hàng không của Belarus bay qua không phận EU.
Anh đã áp đặt các hạn chế tương tự, trong khi một số hãng hàng không lớn cho biết, họ sẽ ngừng hoàn toàn hoạt động bay qua không phận Belarus.
Máy bay của hãng Ryanair tới Latvia sau khi bị buộc phải hạ cánh xuống Minsk, Belarus. Ảnh: Getty
“Do tình hình diễn biến căng thẳng hiện nay, chúng tôi sẽ tạm dừng hoạt động trên không phận Belarus”, Tal Muscal, phát ngôn viên của hãng hàng không Đức Lufthansa, cho biết.
Hãng hàng không chị em với Lufthansa, Austrian Airlines, cũng tuyên bố dừng các chuyến bay qua Belarus. Theo Cirium, một nhà cung cấp dữ liệu hàng không, cả Lufthansa, Austrian Airlines đều nằm trong số các hãng hàng không hàng đầu kết nối Belarus với các nước khác.
Các chuyến bay vòng dài hơn và tốn kém hơn
Một số nhà phân tích cho rằng các động thái trừng phạt Belarus sẽ gây khó khăn và tốn kém đối với các công ty châu Âu. Các hãng hàng không hiện nay vốn đã phải tránh không phận Ukraine, quốc gia láng giềng phía nam của đất nước, vì xung đột ở nước này và việc hạn chế không phận Belarus sẽ gây phức tạp thêm cho một số chuyến bay.
Các nhà phân tích từ Eurasia Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn, cho rằng, việc tránh không phận Belarus đối với các chuyến bay bắc-nam là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu bay giữa châu Âu và châu Á thì việc không di chuyển qua Belarus này sẽ gây tốn kém. Nhóm nhà phân tích Eurasia Group đưa ra nhận định này trước thông báo của Liên minh châu Âu về việc hạn chế không phận Belarus.
Theo Flightradar24, tuần trước, có khoảng 3.300 chuyến bay bay qua Belarus, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó hạ cánh hoặc khởi hành từ đất nước này.
Mặc dù không phải là một trung tâm lớn của châu Âu, nhưng có nhiều hãng hàng không quốc tế hoạt động tại thủ đô Minsk của Belarus, trong đó có Lufthansa, Austrian Airlines và Turkish Airlines. Các hãng hàng không Mỹ như American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cũng có các chuyến bay đến Minsk thông qua quan hệ đối tác với các hãng hàng không châu Âu và cả hãng hàng không Belarus Belavia.
“Đau đầu” tìm lộ trình thay thế
Các hãng hàng không thường buộc phải điều chỉnh hoạt động để ứng phó với những gián đoạn lớn, nhất là về địa chính trị, cũng như các vấn đề khác.
Trong tháng 5 này, một số hãng hàng không Mỹ đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Israel khi xung đột tại đó leo thang.
Một số hãng vận tải cũng phải điều chỉnh hoạt động, bao gồm cả việc bổ sung các điểm dừng tiếp nhiên liệu, sau vụ tấn công một công ty đường ống dẫn nhiên liệu phục vụ các sân bay ở Bờ Đông nước Mỹ.
Năm 2014, gần 300 người đã thiệt mạng khi chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines trên đường từ Amsterdam về Kuala Lumpur bị bắn rơi trên lãnh thổ Ukraine. Chính phủ các nước phương Tây đổ lỗi cho chính phủ Nga và lực lượng do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine.
Từ năm 2017 đến năm nay, Qatar Airways buộc phải tránh không phận Saudi Arabia và một số nước láng giềng sau khi họ áp đặt lệnh cấm vận trên không, trên bộ và trên biển đối với Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố. Trong một số trường hợp, các chuyến bay phải bay đường vòng quanh Bán đảo Arab, quãng đường dài hơn và tốn kém hơn.
Theo Flightradar24, việc hạn chế không phận Belarus sẽ ít ảnh hưởng đến hành các hãng hàng không Mỹ, bởi các hãng này hiếm khi bay qua Belarus.
Ngoại trưởng Antony Blinken lên án hành động buộc hạ cánh chuyến bay của Ryanair, gọi đây là “hành động gây sốc, gây nguy hiểm đến tính mạng của hơn 120 hành khách, bao gồm cả công dân Mỹ”.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg cũng cho rằng, sự an toàn đối với các chuyến bay của Mỹ qua Belarus nên được đánh giá lại.
Các hãng vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều hơn. Theo Flightradar24, hôm 23/5, hơn 10 chuyến bay do các hãng hàng không của Mỹ vận hành đã bay qua Belarus, bao gồm 5 chuyến của FedEx, 4 của UPS và 2 của Atlas Air.
Trong một tuyên bố, UPS nói rằng mạng lưới của hãng này không bị ảnh hưởng, nhưng hãng đang “đánh giá các lựa chọn đường bay khác để đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn và máy bay, cũng như duy trì dịch vụ cho khách hàng” trong trường hợp buộc phải thay đổi...
FedEx cũng cho biết hãng này đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Liên đoàn quốc tế các hiệp hội phi công và Hiệp hội phi công châu Âu cho rằng, các nhà chức trách hàng không cần phải điều tra những gì đã xảy ra và “thực hiện các biện pháp nhanh chóng” nhằm ngăn chặn sự gián đoạn trong hoạt động hàng không. Các hiệp hội này mô tả sự việc hôm 23/5 là “mối nguy hiểm đối với sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn”.
Giám đốc điều hành của Ryanair, Michael O'Leary, ngày 24/5 đã chỉ trích hành động của chính quyền Belarus, khi buộc máy bay của hãng này trên đường từ Athens đến Vilnius, phải hạ cánh ở Minsk.
Ông cũng cho biết, Ryanair không thường xuyên bay qua Belarus, và hãng này sẽ chỉ phải thực hiện “một điều chỉnh rất nhỏ” khi phải chuyển hướng các lộ trình qua Ba Lan thay vì Belarus.
Trước thông báo của EU ngày 24/5, hãng hàng không quốc gia Latvia AirBaltic và hãng Wizz Air ở Hungary đều thông báo sẽ tránh bay qua Belarus./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-hang-hang-khong-quoc-te-dau-dau-khi-khong-phan-belarus-bi-han-che-860548.vov - theo vov.vn