Ca sốt xuất huyết nặng gia tăng, nguy cơ quá tải bệnh viện

10:12 27-06-2022

VOV.VN - Số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng nhanh từ giữa tháng 4, bằng đỉnh đợt dịch năm 2019 và gấp 117 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh viện tuyến cuối có số bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất - đang đứng trước guy cơ quá tải.

Gia tăng ca sốt xuất huyết nặng
Trong phòng bệnh của Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tiếng máy monitor bíp bíp liên hồi, các nhân viên y tế liên tục kiểm tra thông số, pha thuốc cho bệnh nhân. Một nam bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue tái sốc lần 2, bị xuất huyết phải báo động cấp cứu. Bác sĩ Trưởng khoa ICU Nguyễn Văn Hảo nhanh chóng cho y lệnh cấp cứu, cầm máu, truyền lọc máu cho người bệnh.


TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa ICU người lớn kiểm tra một trường hợp thở máy do sốc sốt xuất huyết.
Đây là 1 trong 4 ca sốt xuất huyết rất nặng đang được điều trị tích cực trong Khoa ICU dành cho người lớn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Nam bệnh nhân 34 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu trước đó đã sốt kéo dài 5 ngày, được bệnh viện địa phương xác định mắc sốt xuất huyết nặng. Bác sĩ xử lý chống sốc nhưng tình trạng diễn tiến nặng tổn thương gan, xuất huyết nặng hơn nên được chuyển lên tuyến trên. Hiện bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, lọc máu.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa ICU người lớn cho biết, hiện trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận 1-2 ca xuất huyết Dengue nặng từ nhiều nơi khác nhau. Thông thường là những người bệnh tự đến bệnh viện cấp cứu khi xuất hiện tình trạng chảy máu, xuất huyết bất thường, mệt mỏi, sốc, tụt huyết áp.

Do lượng bệnh nhân quá đông, nên ở ngay khu vực cấp cứu của bệnh viện có phòng lưu lại các bệnh nhân sốc sốt xuất huyết để được xử lý và đưa vào khoa ICU. Cùng với đó là các bệnh nhân theo dõi sốt xuất huyết ở những khoa khác, nếu rơi vào sốc, tái sốc thì cũng được chuyển xuống điều trị chống sốc hoặc bệnh nhân nặng từ tuyến tỉnh chuyển đến.


Bệnh nhân sốt xuất huyết nguy kịch phải lọc máu liên tục.
Những ca vào đây đều là trường hợp sốc kéo dài, tái sốc nhiều lần, hoặc bị xuất huyết nặng, tổn thương gan, tổn thương thận, suy hô hấp nặng, rất nguy kịch, phụ thuộc sự sống vào các thiết bị sinh tồn và cần nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Vì vậy cả hệ thống các y bác sĩ phải chạy đua thời gian để cứu chữa cho bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa ICU người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nói: “Khi bệnh nhân xuất huyết chảy máu ở mũi, đường tiêu hóa… thì phải nội soi rồi tìm ổ chảy máu để can thiệp. Phải tìm cách cầm máu tại chỗ, đồng thời mình phải xin các chế phẩm máu cho kịp thời. Người bệnh đã bị sốc do thoát huyết tương ra ngoài rồi, giờ cộng với xuất huyết nữa thì nguy cơ tử vong rất nhanh, chỉ trong vòng mấy tiếng thôi”.

Quá tải khi chưa vào đỉnh dịch sốt xuất huyết

Không chỉ riêng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, mà cả khoa ICU cho trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các ca nặng cũng gia tăng rất nhiều. Hiện khoa không còn giường trống, thậm chí có 2 trường hợp phải nằm giường băng ca (không phải giường tiêu chuẩn), được trang bị oxy đầy đủ.

TS.BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa ICU trẻ em cho biết, trong tuần này, số lượng bệnh nhi sốc sốt xuất huyết mỗi ngày tăng gấp đôi. Thông thường chỉ có 10 bệnh nhi sốc xuất huyết nhưng hiện có tận 20 trường hợp, do khoa hết giường bệnh, phải thực hiện chống sốc tại khoa nhi thường: “Khoa đang quá tải, bởi bình thường hồi sức Nhi là chỉ tiêu có 10 giường thôi. Mà trung bình từ 100-150%, tuần này tăng lên đến 200%. Những ca đang tiếp tục điều trị nó sẽ dồn ứ lại. Tại vì điều trị sốt suất huyết thời gian phải từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ, tùy theo mức độ. Thậm chí có ca nằm lâu nữa, nó sẽ dồn ứ”.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có 4.835 lượt bệnh nhân đến khám liên quan đến số xuất huyết (trong có 1.479 trẻ em), số ca nhập viện điều trị nội trú là 1.661 ca (trong đó có 351 trẻ em). Đây là bệnh viện là tuyến cuối về điều trị các bệnh truyền nhiễm tại miền Nam, quy mô 550 giường, thế nhưng đã có 373 giường dành cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue, chiếm đến hơn nửa số bệnh nội trú. Các khoa điều trị sốt xuất huyết đã và đang quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện dồn dập.


Bệnh nhân nằm cả ở hành lang bệnh viện.
Như khoa Nhiễm D trước đó để điều trị COVID nhưng nay bệnh nhân sốt xuất huyết đã nằm gần hết cả tầng 2 với hơn 60 trường hợp. Trong mỗi phòng, giường bệnh ở đây đều san sát nhau, thậm chí tràn ra cả hành lang. Tại đây cũng đã bố trí thêm nhiều giường bệnh sẵn ngoài hành lang để sẵn sàng thu dung điều trị. Ngoài ra, nhiều phòng đều được trang bị hệ thống máy móc dùng để hồi sức, xử trí sốc sốt xuất huyết tại chỗ.

BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D lo ngại dịch có thể bùng phát, giai đoạn này chưa phải là đỉnh dịch nên tỉ lệ mắc có thể sẽ gia tăng nhiều trong thời gian tới, phải sẵn sàng để đối phó. Cũng theo bác sĩ Phong, quan trọng nhất là làm sao tỉ lệ mắc ngoài cộng đồng giảm sẽ giảm các ca nặng nhập viện. Vì vậy, tại mỗi địa phương, người dân phải tích cực vào cuộc để loại bỏ lăng quăng, không để phát sinh muỗi.

Bác sĩ Phong lưu ý: “Đặc biệt, những ca có những yếu tố nguy cơ cao, ví dụ như trẻ em béo phì, người lớn có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai thì nên nhập viện sớm. Sốt suất huyết nên tái khám mỗi ngày tại một cơ sở y tế nếu địa chỉ ngoại trú. Có những trường hợp hôm nay thấy bệnh nhân rất bình thường, nhưng đến ngày mai diễn tiến nó lại trở nặng mà không phát hiện kịp”.

Sốt xuất huyết là dịch bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Tính đến nay, TP.HCM đã có 9 trường hợp tử vong, chiếm 1/4 số tử vong của cả nước do sốt xuất huyết. Trong bối cảnh đang vào chu kỳ bùng dịch sốt xuất huyết (3-4 năm một lần), TP.HCM đặt nhiệm vụ phòng chống dịch là quan trọng nên đã đổi tên cơ quan phòng chống COVID-19 tại các quận huyện thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tập trung vào sốt xuất huyết./.

https://vov.vn/suc-khoe/ca-sot-xuat-huyet-nang-gia-tang-nguy-co-qua-tai-benh-vien-post952767.vov - theo vov.vn