Bùng nổ sầu riêng ở Tây Nguyên: Biết người biết ta trong cuộc cạnh tranh lớn

08:54 12-05-2023

VOV.VN - Diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên bùng nổ đang làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp ở khu vực theo hướng chưa từng xảy ra trước đây. Ở hướng tích cực, việc gia tăng sầu riêng đang giúp mục tiêu giảm diện tích cà phê trở thành hiện thực. Ở phương diện nguy cơ, việc trồng sầu riêng ồ ạt làm tăng rủi ro đổ vỡ khi thị trường biến động bất lợi.

Anh Trương Quang Tỉnh, xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk là kỹ sư nông nghiệp có nhiều năm gắn bó với các vùng trồng sầu riêng, cung cấp các giải pháp nông học cho nhiều chủ farm. Theo anh, nghề này đang có sự cạnh tranh rất lớn giữa các quốc gia nên đòi hỏi liên tục cập nhật kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, anh cùng các cộng sự và đối tác đã đến những vùng trồng sầu riêng lớn ở Đông Nam Á để học hỏi. Trong đó, địa chỉ hàng đầu là Thái Lan, nơi có lịch sử trồng sầu riêng lâu đời, có nhiều giống sầu riêng danh tiếng; diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều ở ngôi vị số 1, số 2 thế giới. Chuyến đi gần đây nhất cùng các chủ trang trại sầu riêng ở huyện Krông Pắc đến tỉnh Chanthaburi, địa phương nổi tiếng nhất Thái Lan về sản xuất sầu riêng, đã đem lại những bài học quý, đồng thời cũng đem lại sự tự tin rất lớn.

“Ở Thái Lan, tôi học được cách thiết kế vườn, cách thu tán liên tục chứ không để rộng như Việt Nam. Mình qua còn học hỏi về thương hiệu, chế biến sau thu hoạch. Còn về trồng, chăm sóc đạt năng suất và mẫu mã thì vẫn thua Tây Nguyên mình”, anh Tỉnh chia sẻ.

Theo nhiều nguồn tin từ những người đi thực tế các vùng trồng sầu riêng ở Thái Lan, năng suất đỉnh cao mà các trang trại ở nước này đạt được là khoảng trên dưới 30 tấn/ha, trong khi Tây Nguyên, có vườn đạt 45 tấn/ha, thậm chí hơn. Còn năng suất trung bình toàn quốc được công bố ở Việt Nam là 15 tấn/ha, Thái Lan là dưới 10 tấn/ha.

 

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, dù có được lợi thế năng suất cao và chi phí sản xuất thấp, nhưng Tây Nguyên lại thất thế vì chi phí logistic rất lớn.

“Nói đến thu mua nông sản là nói đến “chợ đường”. Ở Chanthaburi của Thái Lan, chợ đường rộng 150m. Ở giữa xe vẫn chạy và hai bên là chợ, vẫn bốc hàng lên xuống. Còn ở mình, khi bị tắc đường thì chi phí logistic sẽ liên quan đến xăng dầu, liên quan thời gian chờ đợi, liên quan đến chạy điện… Chi phí thứ hai là phần hư hao sản phẩm do bốc xếp bằng máy nhỏ, vận chuyển bằng xe nhỏ. Chi phí nữa là hao hụt tự nhiên, nếu chậm khoảng 2 tuần mới bán được thì hao hụt cỡ 25 đến 30% so với khi cắt ở vườn. Có khi hao đến 35%”, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho hay.

 

Không chỉ học hỏi ở Thái Lan - quốc gia sản xuất - xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất thế giới, nhiều người trong giới sầu riêng ở Tây Nguyên hướng đến học hỏi từ Trung Quốc cách xây dựng ngành hàng chuyên nghiệp. Mới chỉ mới 4 năm kể từ khi khởi động, trong điều kiện có mùa đông lạnh giá, các doanh nghiệp nông nghiệp nước này đã trồng được hơn 1.600 ha và sẽ có sản phẩm xuất bán vào tháng 6 tới. Doanh nghiệp Trung Quốc tính toán rằng, khi bước vào khai thác ổn định, những vườn sầu riêng đã trồng có thể đạt năng suất trung bình 30 tấn/ha/năm, cao hơn nhiều năng suất trung bình của Việt Nam và Thái Lan. Trung Quốc cũng đã tập kết hơn trăm giống sầu riêng, gồm cả các giống nhập khẩu và nội địa để phục vụ cho kế hoạch lai tạo giống mới đầy tham vọng.

Trông người lại ngẫm đến ta, theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, dù dẫn đầu Tây Nguyên, thứ 2 cả nước về sản xuất sầu riêng, nhưng tỉnh cũng không thể quá tự tin, vì vẫn còn nhiều khâu yếu.

“Lợi thế cạnh tranh không chỉ là điều kiện thuận lợi ở nơi trồng, mà quan trọng hơn là có giống sầu riêng, quy trình chất lượng sầu riêng. Sầu riêng đó phải được thế giới biết đến, được Trung Quốc biết đến, được các thị trường tiêu thụ biết đến thương hiệu. Đó là cái mà tôi cho là đang rất cần hiện nay”, ông Nguyễn Hoài Dương nhận định.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sầu riêng cả nước hiện nay cả nước đã hơn 110.000 ha, Tây Nguyên đã hơn 40.000 ha, vượt hơn gấp rưỡi quy hoạch đến năm 2030, gây lo ngại “vỡ bong bóng”. Tuy nhiên, thuyết phục nông dân ngừng hoặc hạn chế trồng sầu riêng là điều không khả thi.

TS. Hoàng Mạnh Cường, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, không chỉ Việt Nam mà diện tích sầu riêng còn đang tăng rất nhanh ở nhiều quốc gia. Vì vậy, Việt Nam không nên quá đề cao kiềm chế diện tích để tránh khủng hoảng. Mà ngược lại nên nâng cao năng lực ngành hàng bằng đồng bộ hóa từ quy trình sản xuất, phát triển thương hiệu và công tác thị trường.

TS. Cường cho rằng, quy trình VietGAP như hiện nay là không đủ cho sân chơi thế giới của sầu riêng: “Ở sân chơi nào có luật của sân chơi đó. Quy trình VietGAP thì chỉ Việt Nam biết đến, còn thế giới người ta không công nhận. Ra sân chơi thế giới thì tốt nhất là sản xuất theo quy trình GlobalGap. Quy trình này nên áp dụng cho cả cà phê và sầu riêng như vậy thì nông sản quan trọng này của Việt Nam sẽ dễ được thế giới chấp nhận hơn”.

Sầu riêng đang cho giá trị kinh tế “ỷ đô”. Nhưng với việc quy mô sản xuất ở nhiều quốc gia tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ mở rộng thị trường, tình trạng khủng hoảng diễn ra ở ngành này chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang khai thác tốt vận hội lớn do thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới đã mở cửa, để nhanh chóng xây dựng sầu riêng thành thành ngành hàng tỷ đô mới của khu vực. Hướng về tương lai, Tây Nguyên có thể tự tin chống đỡ nếu khủng hoảng sầu riêng xảy ra do có vùng đệm cà phê đủ lớn. Học hỏi điều hay của thế giới và củng cố lợi thế của riêng mình, ngành sầu riêng Tây Nguyên tự tin sẽ tiếp tục lớn mạnh./.

https://vov.vn/kinh-te/bung-no-sau-rieng-o-tay-nguyen-biet-nguoi-biet-ta-trong-cuoc-canh-tranh-lon-post1019585.vov - theo vov.vn