"Bức tường thành" ủng hộ Ukraine bắt đầu rạn nứt

09:22 29-11-2023

VOV.VN - Sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu vốn được xem như bức tường thành vững chắc hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến chống Nga đang có dấu hiệu rạn nứt.

Ukraine phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm trong bối cảnh cuộc phản công của nước này đã không đạt được kết quả như kỳ vọng, trong khi Moscow đang gia tăng sản xuất vũ khí, còn đồng minh quan trọng của Kiev lại phải đối mặt với sự chia rẽ chính trị và bị phân tâm bởi cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Trong gần 2 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ là nước ủng hộ nhiều nhất cho Kiev cả về vũ khí, tiền bạc để giúp Kiev chống lại Moscow.

Giờ đây, Mỹ lại trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất của Ukraine khi nguồn viện trợ của Washington dành cho Kiev đang nhanh chóng cạn kiệt và sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ đang cản trở các gói viện trợ mới. Không ai chắc chắn liệu nó có được khôi phục hay không và nếu có thì khi nào.

 

“Vào mùa xuân, dòng viện trợ quân sự giống như một con sông lớn. Đến mùa hè, nó giống như một dòng suối. Và bây giờ là nhỏ giọt”, một nguồn tin Ukraine cho biết.

 

Lầu Năm Góc cho biết họ còn khoảng 5 tỷ USD trong Quyền Điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA) để cung cấp cho Ukraine vũ khí từ kho dự trữ của quân đội và chỉ hơn 1 tỷ USD để tái bổ sung. Với sự cạn kiệt của kho dự trữ quân sự trên khắp phương Tây – và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông – giới lãnh đạo Mỹ có thể sẽ miễn cưỡng cho đi nhiều hơn những gì họ được phép mua lại.

Các gói viện trợ theo DPA dành cho Ukraine đã giảm, từ mức trung bình hơn 1 tỷ USD một tháng (và mức cao nhất là hơn 5 tỷ USD vào tháng 1/2023) xuống còn 350 triệu USD vào tháng 10 và chỉ còn 250 triệu USD trong tháng này. Một quỹ riêng biệt được gọi là Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), trị giá hơn 18 tỷ USD, gần như đã cạn kiệt.

Viện trợ Ukraine trở thành tranh cãi của lưỡng đảng Mỹ

Sự ủng hộ của lưỡng viện Mỹ dành cho Ukraine giai đoạn đầu xung đột đang dần suy giảm, biến thành cuộc tranh cãi đảng phái ở Mỹ. Ngày càng nhiều tiếng nói của đảng Cộng hòa phản đối bổ sung viện trợ cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Kiev hôm 20/11 để trấn an Ukraine rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine “cả hiện tại và trong tương lai”. Tuy nhiên, ông Austin biết rõ quyền quyết định “hầu bao” thuộc về Quốc hội; và cán cân quyền lực trong Quốc hội nằm trong tay phe chủ nghĩa biệt lập của đảng Cộng hòa, đặc biệt là tại Hạ viện. Kể từ tháng 9, Quốc hội đã 2 lần thông qua “dự luật tạm thời” để tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa, và cả 2 lần đều loại bỏ gói viện trợ cho Ukraine.  

Thượng viện (do đảng Dân chủ chiếm đa số) đang cố gắng phá vỡ bế tắc về gói viện trợ cho Ukraine vào tháng 12, trước khi nguy cơ chính phủ đóng cửa lại tái diễn vào tháng 1/2024. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu ngân sách bổ sung 106 tỷ USD, trong đó 61 tỷ USD dành cho Ukraine, phần còn lại dành cho Israel và các ưu tiên an ninh quốc gia khác.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đang ràng buộc viện trợ cho Ukraine với các biện pháp cứng rắn hơn nhằm hạn chế tình trạng di cư từ Mexico vào Mỹ. Những nguồn tin am hiểu vấn đề này cho hay, các bên vẫn còn nhiều bất đồng.

Thời gian trì hoãn càng lâu, vấn đề viện trợ cho Ukraine sẽ càng bị tác động bởi sức nóng của cuộc bầu cử đang tới gần ở Mỹ. Nếu không có thỏa thuận nào trước Giáng sinh, một số thành viên trong Quốc hội lo lắng, việc phân bổ viện trợ mới có thể bị trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 và nếu ông Donald Trump đắc cử, viện trợ cho Ukraine có thể chấm dứt hoàn toàn.

“Thời gian không đứng về phía chúng ta”, một thượng nghị sĩ ủng hộ Ukraine cho hay.

Lập trường bắt đầu đảo chiều ở châu Âu

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Washington đã cung cấp tổng cộng khoảng 75 tỷ USD viện trợ cho Kiev và các nước châu Âu đã cung cấp tổng cộng hơn 100 tỷ USD. Mỹ vẫn cung cấp phần viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều hơn châu Âu, với khoảng 44 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng, việc thay thế vai trò lãnh đạo và nguồn viện trợ từ Mỹ là nhiệm vụ rất khó khăn.

Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nước châu Âu lấp đầy khoảng trống của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine nếu cần thiết. Gần đây các nước EU đã đưa ra một loạt lời hứa hẹn mới. Đức có kế hoạch tăng gấp đôi hỗ trợ cho Ukraine vào năm tới lên 8,5 tỷ USD và sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không. Hà Lan, Phần Lan và Litva đều công bố các gói trợ giúp quân sự mới cho Ukraine.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án hiến pháp ở Đức có vẻ sẽ cản trở các kế hoạch tăng cường viện trợ.

Đảng Tự do cánh hữu cứng rắn của ông Geert Wilders, đảng giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử Hà Lan gần đây, phản đối việc gửi vũ khí. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu Hà Lan có còn dẫn đầu liên minh cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine hay không.

Trong khi đó, chính phủ mới của Slovakia đã tạm dừng viện trợ quân sự.

Ukraine lo ngại nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ, châu Âu có thể nhanh chóng mất niềm tin.

“Nỗi mệt mỏi Ukraine” ngày càng rõ

Michael Kofman thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, cho biết, trong cuộc chiến pháo binh, Ukraine đã phải chịu đựng “cơn khát đạn pháo”. Theo ước tính của ông, Ukraine đã bắn 220.000-240.000 quả đạn pháo cỡ lớn (152mm và 155mm) mỗi tháng trong mùa hè, nhưng tốc độ bắn đang giảm dần và sẽ giảm xuống còn 80.000-90.000 quả đạn mỗi tháng. Cho dù vậy, những con số này còn nhiều hơn mức sản lượng mà Mỹ và các nước châu Âu hiện đang sản xuất - lần lượt là khoảng 28.000 và 25.000 quả đạn mỗi tháng.

Ukraine cũng đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, vốn phát triển mạnh mẽ từ thời Liên Xô nhưng kể từ đó đã bị lãng quên trầm trọng, đặc biệt là việc chế tạo đạn pháo 155mm theo tiêu chuẩn NATO.

Một quan chức cấp cao ở Kiev thừa nhận: “Cho dù chúng tôi có phát triển sản xuất địa phương đến mức nào, chúng tôi vẫn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác phương Tây”.

Theo ông Kofman nói, nếu sự hỗ trợ của Mỹ giảm đi, Ukraine sẽ không thể tiến hành một cuộc phản công lớn khác.

Các nước phương Tây từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào chiến dịch phản công hiện nay và tin rằng nó sẽ tạo ra đòn giáng đủ mạnh để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán, hướng tới chấm dứt chiến sự. Thế nhưng trong gần nửa năm qua, lực lượng Ukraine vẫn chưa thể xuyên thủng phòng tuyến Nga. Hàng tỷ USD vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine chưa mang lại đột phá lớn nào.

Giới quan sát đã nhiều lần cảnh báo về “nỗi mệt mỏi Ukraine” khi cuộc chiến kéo dài. Chiến dịch phản công gây thất vọng của Kiev đã khiến nỗi mệt mỏi đó trở nên nặng nề hơn.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/buc-tuong-thanh-ung-ho-ukraine-bat-dau-ran-nut-post1062070.vov - theo vov.vn