Bộ Y tế ứng phó thế nào khi số ca COVID-19 mới gia tăng mỗi ngày?
09:51 15-09-2022
VOV.VN - Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua là 20.128 ca, trung bình gần 3.000 ca mắc/ngày.
Tiếp tục ứng phó linh hoạt
Tại Việt Nam cũng đang ghi nhận bệnh nhân nặng gia tăng hằng ngày, hiện có gần 200 ca đang điều trị. Bộ Y tế cũng cho biết, trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), nhằm ứng phó linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông 2K, kết hợp vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông 2K, kết hợp vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, cộng thêm dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế, thì cần đề xuất tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K cùng các biện pháp như: vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Theo các chuyên gia, đây được coi là bước thay đổi quan trọng trong việc điều chỉnh phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế.
Ông Nguyễn Đình Anh cho biết, hiện dịch bệnh COVID-19 tại nước ta vẫn đang hiện hữu cùng sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Cộng thêm mùa đông sắp đến, nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát là rất lớn. Việc thực hiện nghiêm thông điệp 2K+ là rất cần thiết.
“Mỗi người dân tuân thủ nghiêm túc các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống COVID-19 mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay”- ông Nguyễn Đình Anh cho biết.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm thông điệp 2K+ của Bộ Y tế, Bộ cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ. Cha mẹ, người giám hộ cần tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 để bảo vệ trẻ đến trường, vui chơi an toàn.
Ý thức phòng, chống dịch của người dân
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chúng ta cho phép nới lỏng tất cả các ngành nghề, không cấm đoán, để xã hội và kinh tế phát triển bình thường nhưng vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng. Thực hiện hướng dẫn đeo khẩu trang mới của Bộ Y tế chính là biện pháp dự phòng.
Vị chuyên gia này cũng nhiều lần nhấn mạnh, một trong những biện pháp giảm ca nặng và tử vong là phải chú trọng bảo vệ đối tượng nguy cơ cao, dễ bị tổn thương như người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine... Bởi đây là các đối tượng dễ mắc bệnh, bệnh dễ trở nặng và tử vong, sẽ gây quá tải bệnh viện nặng nề.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, một trong những biện pháp giảm ca nặng và tử vong là phải chú trọng bảo vệ đối tượng nguy cơ cao, dễ bị tổn thương như người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine...
Đồng thời, người dân phải thực hiện nghiêm túc quy định mới về phòng chống dịch của Bộ Y tế, khi nào cần đeo khẩu trang, bắt buộc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hay chủ động cách ly với người có triệu chứng bệnh.
“Thấy nghi ngờ bản thân mắc bệnh thì phải cách ly, tránh lây nhiễm cho người khác. Việc tiêm vaccine cũng cần hết sức chú trọng, đây là biện pháp dự phòng quan trọng và hiệu quả”- PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Ngoài các biện pháp dự phòng, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, các địa phương phải chuẩn bị tinh thần, nếu chuyển sang tình huống xấu hơn thì phải có kịch bản chủ động ứng phó. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng phương án, nhưng các địa phương cũng cần xây dựng kịch bản cho địa phương mình.
Nhận định về tình hình dịch COVID-19 thời gian tới, PGS Trần Đắc Phu cho rằng, mặc dù COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc vẫn tăng nhưng hiện nay chúng ta đã có năng lực điều trị tốt hơn, có tiêm vaccine nhưng hiện vaccine đã giảm hiệu lực bảo vệ.
Bên cạnh COVID-19, nhiều dịch bệnh như cúm A, sốt xuất huyết vẫn liên tục bùng phát, gây sức nặng rất lớn lên hệ thống y tế.
Vì vậy, theo ông Trần Đắc Phu, các dịch vụ y tế cơ bản, thiết yếu như phòng chống bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh không lây nhiễm không thể để lơ là... Các chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm A... vẫn phải tiếp tục triển khai, nếu bị bỏ rơi, không quan tâm đến thì các dịch bệnh khác sẽ bùng phát./.
https://vov.vn/xa-hoi/bo-y-te-ung-pho-the-nao-khi-so-ca-covid-19-moi-gia-tang-moi-ngay-post955642.vov - theo vov.vn