Bộ đôi vũ khí đáng gờm của Nga sẽ “ngáng đường” F-16 ở chiến trường Ukraine?
09:36 26-03-2024
VOV.VN - Mặc dù lực lượng không quân Nga đang giành ưu thế trước Ukraine trong cuộc xung đột, nhưng Moscow vẫn gia tăng đáng kể áp lực trên không với Kiev. Theo Eurasian Times, Nga có thể tăng cường năng lực trên không bằng cách kết hợp máy bay đánh chặn MiG-31 và tên lửa tầm xa R-37M.
Nguồn tin từ Ukraine cho biết, vào ngày 26/1/2023, Nga phóng 55 tên lửa nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine. Trong cuộc tấn công, Moscow còn sử dụng một tiêm kích MiG-31 phóng tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal. Vào ngày 9/3/2023, Nga phóng 84 tên lửa, trong đó có 6 tên lửa Kinzhal về phía các thành phố ở Ukraine. Tiêm kích MiG-31 của Nga có nhiều khả năng khiến Ukraine phải dè chừng, trong đó có việc phóng tên lửa Kinzhal khó đánh chặn.
Kể từ tháng 10/2022, máy bay MiG-31 được trang bị tên lửa tầm xa R-37M đã trở thành mối đe dọa chính đối với lực lượng không quân Ukraine. MiG-31 đã bắn hạ một số máy bay Ukraine, chủ yếu bằng cách sử dụng tên lửa R-37.
Tháng 8/2023, Ukraine cho biết Nga đã sử dụng tên lửa R-37 trong một cuộc không kích ở vùng Kramatorsk. Lực lượng Ukraine hy vọng rằng các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp trong thời gian tới sẽ được trang bị tên lửa AIM-120 AMRAAM có tác dụng phòng thủ trước MiG-31 và R-37 của Nga.
Tiêm kích “bất khả chiến bại” của Nga
Tiêm kích MiG-31 của Nga được đánh giá là dòng máy bay đánh chặn tối tân và “nguy hiểm” nhất hiện nay. Ban đầu, MiG-31 được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với vai trò là máy bay đánh chặn phòng thủ. Tiêm kích MiG-31 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1975, bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1979 và đưa vào sử dụng vào năm 1982.
Thân máy bay MiG-31 có tính khí động học cao và được sắp xếp hợp lý cho phép tiêm kích bay ở độ cao thấp với tốc độ siêu thanh. Phần khung máy bay làm từ nhiều vật liệu khác nhau bao gồm thép hàn niken (49%), titan (16%), hợp kim nhôm (33%) và 2% vật liệu tổng hợp.
Máy bay chiến đấu này có thể bay với tốc độ tối đa 3.000km/h và leo cao với tốc độ 208m/s. MiG-31 có bán kính chiến đấu 720km và phạm vi hoạt động 3.300km khi có thùng nhiên liệu phụ.
MiG-31BM, biến thể hiện tại của MiG-31, là loại máy bay chiến đấu tầm xa đa năng, di chuyển với tốc độ cao, có khả năng tấn công cả mục tiêu trên không và dưới mặt đất. Bản nâng cấp của MiG-31BM cung cấp khả năng kiểm soát chiến đấu tập trung, radar mảng pha mới và tiếp nhiên liệu trên máy bay.
Với khung máy bay được gia cố, tuổi thọ của máy bay đã được kéo dài từ 2.500 lên 3.500 giờ. Nga cho rằng MiG-31BM đạt hiệu quả hơn 2,6 lần so với MiG-31. Tổ hợp radar mới của MiG-31BM có thể theo dõi cùng lúc 24 mục tiêu trên không, 6 mục tiêu trong số đó có thể bị tên lửa R-33S tấn công đồng thời.
MiG-31BM là tiêm kích đa năng vì nó có thể sử dụng tên lửa chống radar, không đối hạm và không đối đất. MiG-31BM cũng có thể mang tên lửa không đối không tầm xa R-33 và tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.
MiG-31 đóng vai trò là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không. Tiêm kích này được trang bị các liên kết dữ liệu an toàn kỹ thuật số và hình ảnh radar của máy bay có thể được chuyển sang Su-30 và MiG-29.
Một đội hình gồm 4 chiếc MiG-31 có thể phối hợp bằng cách sử dụng các liên kết dữ liệu và kiểm soát không phận dài 900km. Sự kết hợp giữa radar và vũ khí của MiG-31 có thể đánh chặn tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và phóng tên lửa trong cùng một cuộc tấn công.
Các máy bay MiG-31BM đã chứng tỏ được hiệu quả cao trước các máy bay tấn công và máy bay chiến đấu của Ukraine. Máy bay MiG-31BM được cho là đã bắn hạ một số máy bay của Ukraine, chủ yếu bằng cách sử dụng tên lửa không đối không tầm xa R-37M. MiG-31 có thể hoạt động mà hầu như không bị cản trở vì máy bay chiến đấu của Ukraine thiếu tầm hoạt động, tốc độ hoặc độ cao.
Uy lực của tên lửa Vympel R-37M
Vympel R-37M là tên lửa không đối không siêu thanh có tầm bắn đặc biệt xa, được thiết kế để bắn hạ máy bay chở dầu, máy bay AWACS. Tên lửa R-37M có thể tương thích với nhiều loại máy bay như MiG-31, MiG-35, Su-35 và Su-57.
Tên lửa R-37M có tốc độ hơn 7.400 km/h, tầm bắn lên đến 400km, dùng động cơ nhiên liệu rắn, được trang bị radar chỉ thị mục tiêu Agat 9M1103M-350 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 70km và khóa mục tiêu ở cự ly 40km. Khi tới gần mục tiêu, R-37M sẽ bật radar dẫn đường và tăng tốc nhanh chóng lên vận tốc siêu vượt âm, khiến đối phương không kịp trở tay. Theo các chuyên gia quân sự, loại tên lửa này thực sự là mối đe dọa đối với lực lượng không quân Ukraine.
Bộ đôi MiG-31 và R-37M có thể hạ gục F-16?
Báo cáo của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại Anh cho biết, vào tháng 10/2022, mỗi ngày có 6 tên lửa R-37M nhắm vào lực lượng không quân Ukraine. R-37M không gây ra độ sát thương cao nhưng loại vũ khí này buộc phi công điều khiển máy bay của Ukraine phải né tránh và quay trở lại căn cứ mà không hoàn thành được nhiệm vụ. Một chiếc MiG-31 có thể phóng R-37M bay khoảng 180km vào không phận Ukraine.
Theo báo cáo của RUSI, tốc độ, tầm hoạt động và độ cao của máy bay cũng như tên lửa Ukraine không thể đối phó hiệu quả với những tên lửa như R-37M. Đặc biệt sự kết hợp giữa tiêm kích MiG-31 và tên lửa không đối không tầm xa R-37M đã gây ra nhiều vấn đề cho các phi công Ukraine.
Ngoài Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch và Bỉ cũng cam kết chuyển máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Do loại tiêm kích này do Mỹ sản xuất nên việc chuyển giao phải được sự chấp thuận của Washington. Nếu để ngăn chặn MiG-31 của Nga, máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp cho Ukraine cần phải nâng cấp radar, hệ thống điện tử hàng không hiện đại và trang bị tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 có tầm bắn 180km.
Mặc dù vậy, những chiếc F-16 được trang bị tên lửa AIM-120 sẽ vẫn gặp bất lợi về tầm bắn so với những chiếc MiG-31 phóng tên lửa R-37M. Tuy nhiên, tiêm kích F-16 bay sát tiền tuyến có thể cho phép Ukraine thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn trên khu vực hiện do Nga kiểm soát.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bo-doi-vu-khi-dang-gom-cua-nga-se-ngang-duong-f-16-o-chien-truong-ukraine-post1084792.vov - theo vov.vn