Bộ 3 “át chủ bài” của Nga khiến UAV Mỹ kém hiệu quả tại Ukraine

08:29 17-08-2023

VOV.VN - Hệ thống tác chiến điện tử (EW), hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu của Nga được cho là bộ ba "át chủ bài" của Nga trong việc đối phó các phương tiện không người lái mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Những máy bay không người lái (UAV) tinh vi và đắt đỏ của Mỹ dường như không phù hợp với nhiệm vụ quân sự của Ukraine, vốn đòi hỏi những UAV giá cả phải chăng, dễ vận hành và điều khiển.

UAV Mỹ không phù hợp với chiến trường Ukraine

Sau khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu các lô UAV lưỡng dụng sang Nga và Ukraine, nhằm ngăn ngừa nguy cơ chúng bị chuyển đổi để sử dụng cho mục đích phi hòa bình, các chuyên gia quân sự nhận thấy các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc cung cấp cho Kiev loại phương tiện phù hợp để lấp đầy khoảng trống này.

Thứ nhất, xét về giá thành, các công ty quốc phòng của Mỹ thường sản xuất những máy bay không người lái có giá khởi điểm từ 16.000 USD, cao hơn nhiều so với UAV DJI Mavic của Trung Quốc có giá khoảng 2.000 USD thậm chí thấp hơn. Theo truyền thông Mỹ, một số nhà thầu quốc phòng của nước này, sau khi dành nhiều tháng thử nghiệm UAV tại Ukraine, đã quyết định giữ lại máy bay không người lái của họ thay vì cung cấp cho Kiev. Điểm mấu chốt của vấn đề là UAV Mỹ, dù có có “tính năng hoạt động vượt trội”, nhưng những thiết bị cực kỳ tinh vi của chúng khó có thể hoạt động trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt tại Ukraine.

 

Ông David T. Pyne - học giả của Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa Mỹ (EMP) cho rằng, các tập đoàn quốc phòng Mỹ từ lâu đã tập trung vào ưu thế và chất lượng của những hệ thống vũ khí mà họ sản xuất, trong khi các công ty Nga và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào chức năng và số lượng.

“Trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, Mỹ tập trung sản xuất các hệ thống vũ khí công nghệ cao đắt đỏ hơn, vượt trội so với các hệ thống vũ khí của Liên Xô. Còn Liên Xô muốn áp đảo ưu thế của Mỹ bằng số lượng”, ông David T. Pyne lưu ý. Tuy vậy, Nga có mức chi tiêu quốc phòng hiệu quả hơn do chi phí mua sắm, sản xuất của họ thấp hơn.

Bộ 3 “át chủ bài” của Nga

Hệ thống tác chiến điện tử (EW), hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu của Nga được cho bộ 3 “át chủ bài”  đặt ra thách thức đáng kể đối với các phương tiện không người lái tiêu chuẩn NATO.

Chuyên gia David T. Pyne nhận định: “Nga được xem là quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực tác chiến điện tử. Tôi nghĩ rằng, các hệ thống EW của Nga đã tạo ra thách thức lớn cho máy bay không người lái do Mỹ chế tạo, bất chấp phương tiện truyền thông đưa tin rằng Mỹ đang giúp Kiev đối phó hiệu quả với thiết bị gây nhiễu GPS của Nga. Theo đánh giá, các phương tiện tác chiến điện tử của Nga không chỉ làm giảm số lượng UAV của Ukraine mà còn có khả năng gây nhiễu tới 80%”.

Trong trường hợp thiết bị gây nhiễu của Nga không thể vô hiệu hóa máy bay không người lái của Ukraine, Moscow còn có một số “thẻ bài” khác trong tay.

“Nga đã phát triển radar chống máy bay không người lái để phát hiện và nhắm mục tiêu vào UAV của đối phương. Hệ thống ngăn chặn máy bay không người lái (C-UAS) của Moscow có khả năng bắn hạ những UAV di chuyển tương đối chậm. Một trong số các hệ thống này là súng máy hạng nặng NSV 12,7 mm và súng máy KPVT 14,5 mm, pháo tự động 30mm gắn trên xe chiến đấu bộ binh BMP-2, BMP-3 và BTR-90, tên lửa phòng không Pantsir-S1M, vũ khí chống thiết giáp/chống UAV Derivation 57mm mới của Nga”.

Ngoài các loại vũ khí trên, máy bay chiến đấu của Nga cũng thể hiện khả năng đánh chặn UAV trinh sát và chiến đấu cỡ lớn. Vào giữa tháng 3/2023, Nga cho biết, lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã phát hiện một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trên Biển Đen ở khu vực bán đảo Crimea. MQ-9 Reaper là máy bay không người lái trinh sát và tấn công có sải cánh dài 20 mét, trọng lượng tối đa 4,7 tấn và thời gian hoạt động 27 giờ. Ngay sau đó, Nga đã điều chiến đấu cơ Su-27 chặn UAV này. Video do Lực lượng không quân Mỹ công bố cho thấy UAV Reaper đã va chạm với tiêm kích Su-27 của Nga, sau đó rơi xuống Biển Đen.

Hồi đầu tháng 8, máy bay chiến đấu su-30 của Nga đã xuất kích để chặn UAV MQ-9A Reaper của Mỹ khi UAV này tiếp cận vùng biển của Nga ở Biển Đen. Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi phát hiện ra chiến đấu cơ của Nga, UAV Reaper đã rời khỏi khu vực.

UAV Mỹ không phải “viện đạn bạc”

Sau các vụ việc trên, nhiều chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi liệu việc phương Tây tăng cường cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine có giúp thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa và giúp Kiev phản công thành công hay không. Ngay cả phương tiện truyền thông phương Tây cũng phải thừa nhận thực tế là Ukraine đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề, trong khi đạt được rất ít bước tiến trên chiến trường.

“Nếu Nga tiếp tục giữ thế phòng thủ thì điều này sẽ tiếp tục khiến Ukraine bị tiêu hao lực lượng. Sau đó, Nga có thể tiến hành cuộc tấn công vào đầu mùa thu hoặc mùa đông khi Ukraine kết thúc chiến dịch phản công và huy động gần như toàn bộ lực lượng dự trữ của họ”.

Học giả David T. Pyne cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine có thể kết thúc nhanh hơn so với dự đoán: “Kiev có thể sẽ buộc phải chấp nhận một thỏa thuận đình chiến dọc theo đường kiểm soát tồn tại vào thời điểm hai bên nhất trí lệnh ngừng bắn, ước tính vào khoảng tháng 3 năm sau, khi cuộc bầu cử Mỹ đến gần và các cử tri nước này không muốn Washington lún sâu vào cuộc xung đột. Các khoản viện trợ nhân đạo hoặc viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine đã giảm 45%. Trong thời gian tới Quốc hội Mỹ có thể buộc phải tiếp tục cắt giảm kinh phí tài trợ xuống mức tối thiểu”.

https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/bo-3-at-chu-bai-cua-nga-khien-uav-my-kem-hieu-qua-tai-ukraine-post1039649.vov - theo vov.vn