Biểu tình bạo lực tại Mỹ, ai là người hưởng lợi?
09:18 05-06-2020
VOV.VN -Những ngày qua, Mỹ đang đối mặt với các cuộc biểu tình lịch sử, cùng với đó là tình trạng bạo lực leo thang.
Những ngày qua, Mỹ đang đối mặt với các cuộc biểu tình lịch sử, cùng với đó là tình trạng bạo lực leo thang khi những người biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc, phản đối lực lượng cảnh sát lạm quyền sau khi George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế. Nhiều thành phố tại Mỹ đã phải ban bố lệnh giới nghiêm trong bối cảnh người biểu tình tỏ ra kích động, đốt phá cửa hàng, tình trạng trộm cướp liên tục xảy ra…Chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn tính đến phương án sử dụng quân đội để lập lại trật tự tại nhiều thành phố lớn…
Biểu tình vụ George Floyd ở New York. Ảnh: Reuters
Phóng viên VOV tại Pháp có cuộc trao đổi với ông Steven Ekovich, Giáo sư lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Mỹ tại Paris (The American University of Paris) về những vấn đề xung quanh các cuộc biểu tình bạo lực này. Xin giới thiệu những nhận định của Giáo sư Steven Ekovich trong nội dung dưới đây:
Trong những ngày này tại Mỹ, một cuộc chiến thực sự đang xảy ra giữa các bên nhằm giải thích những gì đang diễn ra trên các đường phố. Liệu đây là các cuộc biểu tình, các cuộc bạo loạn, một cuộc nổi dậy của người dân hay đơn giản chỉ là tình trạng cướp bóc? Trách nhiệm thuộc về ai? Người dân địa phương hay những thế lực bên ngoài đang tìm cách tận dụng tình hình này để thực hiện các mưu đồ riêng? Để trả lời cho các câu hỏi này, cần phải đặt chúng trong những hoàn cảnh khác nhau.
Đầu tiên, cần nhắc tới lịch sử mối quan hệ giữa các chủng tộc tại nước Mỹ, đặc biệt là mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát địa phương với cộng đồng người da đen. Thế kỷ vừa qua chứng kiến nhiều cuộc xung đột bạo lực, chủ yếu liên quan tới việc lực lượng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức đối với những thành viên cộng dồng người da đen tại Mỹ. Tất cả những điều này có liên quan tới tình trạng phân biệt chủng tộc, một vấn đề tồn tại từ lâu trong lịch sử nước Mỹ.
Trong nửa thế kỷ vừa qua, người da đen tại Mỹ đã đạt được những tiến bộ đáng kể bất chấp nhiều ý kiến khẳng định điều ngược lại. Hiện nay tại Mỹ, trong mắt của đại bộ phận người dân, những người da đen thuộc tầng lớp nghèo khó tiếp tục bị phân biệt đối xử, bị coi là những người hình thành nên một nước Mỹ đen (l’Amérique noir). Tuy nhiên, tầng lớp này chỉ chiếm gần 1/3 số người trong cộng đồng người da đen tại Mỹ. Khoảng 40% người da đen đã được coi như thuộc tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, chưa bao giờ nước Mỹ chứng kiến nhiều người da đen thuộc tầng lớp thượng lưu như hiện nay. Tuy nhiên, nước Mỹ còn nhiều việc phải làm để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa các chủng tộc. Nhìn chung, sự bất bình của những người da đen tại Mỹ là điều đã được minh chứng.
Tiếp theo, cần đặt các sự kiện gần đây vào bối cảnh chiến dịch bầu cử Tổng thống hiện tại. Tính đến thời điểm này, ứng viên của đảng Dân chủ, ông Joe Biden có khả năng sẽ lựa chọn ứng viên cho vị trí Phó Tổng thống (nếu ông Joe Biden đắc cử Tổng thống) là bà Amy Jean Kombucha, Thượng Nghị sỹ bang Minnesota – đây chính là bang mà các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra. Thượng nghị sỹ Amy Jean Kombucha là một phụ nữ da trắng, một người theo khuynh hướng dân chủ vừa phải, thậm chí bảo thủ. Vì các lý do bầu cử mà ông Joe Biden buộc phải lựa chọn người đồng hành là một phụ nữ. Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Amy Jean Kombucha được biết đến như một công tố viên rất nghiêm khắc đối với tình trạng tội phạm, điều này cũng khiến cho cơ hội của bà này bị giảm đi.
Đảng Dân chủ Mỹ đang rơi vào tình thế chính trị tiến thoái lưỡng nan. Một mặt phải tỏ ra không khoan nhượng với tình trạng tội phạm, đặc biêt là tội phạm đô thị, nhưng mặt khác cũng phải đáp ứng được sự đòi hỏi, giận dữ của những cử tri da đen. Trong khi quan điểm không khoan nhượng là đặc biệt cần thiết để thuyết phục một phần cử tri truyền thống của phe Cộng hòa và giành lấy những lá phiếu này từ phe Cộng hòa, thì đảng Dân chủ cũng biết một thực tế là phần lớn các lá phiếu của cử tri da đen thường dành cho đảng Dân chủ (ít nhất khoảng 90%).
Về phía Nhà trắng, Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thể hiện vai trò ở tất cả các bên. Tổng thống Mỹ chia buồn cùng gia đình nạn nhân George Floyd, đồng thời lên án hành động tàn nhẫn của viên cảnh sát bị quy trách nhiệm về cái chết của George Floyd. Tuy nhiên, ông Trump cũng nổi tiếng là người vô cảm với cộng đồng người da đen, từng có những phát ngôn phân biệt chủng tộc trong quá khứ, những điều này có vẻ làm hài lòng một bộ phận người ủng hộ ứng viên của đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, có nhiều hình ảnh được phát trên truyền hình cho thấy cảnh những thanh niên da đen hành hung những thanh niên da trắng gần như đến chết, khiến cho một bộ phận cử tri da trắng sợ hãi, phân vân bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì đảng này thường quá do dự trong việc trấn áp tội phạm. Không khoan nhượng đối với tội phạm vốn là một điểm mạnh và thắng thế của phe Cộng hòa. Những hình ảnh như vậy, trên thực tế, có lợi cho Tổng thống Donald Trump.
Trong những tuần tới, chúng ta sẽ thấy hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ hành động để áp đặt sự diễn giải tình trạng bạo lực đô thị và sự giận dữ của những người Mỹ gốc Phi đang diễn ra tại nước Mỹ./.
https://vov.vn/the-gioi/bieu-tinh-bao-luc-tai-my-ai-la-nguoi-huong-loi-1056110.vov - theo vov.vn