Bất đồng Nga-NATO có thể làm thay đổi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
09:21 23-12-2021
VOV.VN - Kết cục của mối bất đồng giữa Nga và NATO có thể trở thành yếu tố quyết định viết lại các giới hạn an ninh trên lục địa châu Âu trong cả một thế hệ.
Với việc điều động lực lượng tới gần biên giới Ukraine, Nga đưa ra yêu cầu về cách tiếp cận mới với an ninh châu Âu, trong đó bao gồm việc NATO rút binh sỹ khỏi các nước láng giềng của Nga và không kết nạp các nước từng thuộc liên bang Xô viết trước đây như Ukraine và Gruzia.
Xe tăng T-72B trong cuộc tập trận quân sự chung Zapad 2021 giữa Nga và Belarus tại thao trường Mulino ở vùng Nizhny Novgorod (Nga). Cuộc tập trận diễn ra từ 10-16/9/2021. Ảnh: TASS/Getty
Ông Andrew Marshall, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng Nga đang muốn đảo chiều cán cân chiến lược ở châu Âu và muốn một trật tự mà trong đó Moscow đóng vai trò quyết định.
Theo ông Marshall, kết quả của mối bất đồng giữa Nga và NATO có thể trở thành yếu tố quyết định viết lại các giới hạn an ninh trên lục địa châu Âu trong cả một thế hệ.
Kết quả đó cũng sẽ đem lại 1 trong 2 kết cục trái ngược nhau đối với Mỹ ở châu Âu và trên toàn cầu: Nếu đàm phán thành công, điều đó sẽ thể hiện sức mạnh của Mỹ khi hợp tác với các nước bằng hữu; còn nếu thất bại, đó sẽ được coi là một dấu hiệu khác cho về sự yếu kém của Mỹ và sự rạn nứt quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Rủi ro là ở chỗ, một số thành phần trong NATO có thể chấp nhận một số điều kiện mà Nga đang đề xuất, hoặc ít nhất họ sẽ không gây chiến về những vấn đề này. Thực tế là nhiều người không muốn đối đầu với Nga bằng cách mở rộng NATO hơn mức hiện nay, cho dù họ tiếp tục quan tâm đến khả năng mở rộng trong tương lai.
Bất đồng với Nga khoét sâu rạn nứt trong NATO
Các cuộc tranh luận về việc mở rộng NATO trong những năm 1990 và 2000 khá căng thẳng. Nhiều chính trị gia của Mỹ và châu Âu tin rằng Liên minh không nên kết nạp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu phương Tây có thực sự đứng ra bảo vệ Latvia trước một cuộc tấn công? Một vấn đề khác: Nếu bị NATO “bỏ rơi”, liệu các nước đó rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Nga hay không? Điều đó dẫn đến sự xuất hiện của một “vùng xám” ở châu Âu, mà ở đó, ai đến, ai đi vẫn còn chưa rõ ràng.
Khó có khả năng phương Tây đối đầu với Nga bằng vũ lực liên quan tới vấn đề Ukraine. Một lựa chọn rõ ràng khác là phương Tây đồng ý đàm phán trong đó khả năng Ukraine và Gruzia gia nhập NATO sẽ được loại bỏ. Rõ ràng, đã có những ranh giới được vạch ra.
Từ quan điểm của Nga, cho dù Moscow thúc đẩy các lựa chọn ngoại giao hay quân sự, điều đó cũng có thể khoét sâu rạn nứt trong NATO. Nếu có một cuộc đàm phán, điều này sẽ làm nảy sinh các vấn đề gây chia rẽ đồng minh. NATO không thống nhất về những vấn đề đó và Ukraine có lẽ không phải là phép thử mà họ lựa chọn. Sẽ tốt hơn nếu điều này không xảy ra vào thời điểm mà Đức, Pháp và Vương quốc Anh đều có những thách thức chính trị nội bộ và Vương quốc Anh (thường là nước có quan điểm cứng rắn nhất với Nga) không nêu ra điều kiện nào với Pháp (thường là nước ủng hộ đối thoại).
Nếu xảy ra một cuộc tấn công, các đồng minh sẽ phản ứng kiên quyết tới mức nào? Hiện NATO có sự thống nhất về việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đã được lên kế hoạch từ trước cũng như tương lai của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Nhưng liệu sự đồng thuận này có còn tồn tại nếu quân đội Nga thực sự vượt qua biên giới?
Dù kịch bản nào xảy ra, cũng chưa rõ về mức độ sẵn sàng của NATO trong việc cam kết với an ninh và độc lập của các quốc gia phi thành viên ở biên giới phía Đông.
Nhưng nếu không có phản ứng mạnh mẽ, vai trò lãnh đạo của Mỹ có thể bị suy yếu. Nhiều đồng minh tỏ ra thất vọng đối với Mỹ sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump và cuộc rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden.
Sự gắn kết của liên minh NATO không chỉ là mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Bất đồng chính trị là bình thường và thậm chí được coi là lành mạnh trong một liên minh gồm 30 quốc gia với những lợi ích đa dạng. Nhưng nếu xuất hiện những rạn nứt cơ bản liên quan tới vấn đề Ukraine hoặc nếu NATO tỏ ra lúng túng, thiếu quyết đoán và không hiệu quả, điều đó sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Phản ứng thái quá về quân sự không phải là lựa chọn hàng đầu, bởi điều đó đem lại nhiều rủi ro. Nhưng việc đoàn kết và cùng đặt ra tiêu chí rõ ràng cho cái giá phải trả nếu vượt lằn ranh đỏ và cùng nhau thực hiện sẽ là điều rất quan trọng đối với NATO. Đó phải là cách tiếp cận “mẫu số chung nhỏ nhất”, nhưng nó đảm bảo các thành viên có thể hành động cùng nhau, mặc dù miễn cưỡng.
NATO trong những giới hạn mới
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, Andrew Marshall, đây là thời điểm cần phải có các hoạt động ngoại giao thận trọng và chính xác, để đảm bảo sự đoàn kết của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Với các nhà quan sát kỳ cựu về chính sách đối ngoại của Moscow, một điều không thể bỏ qua là phương Tây đang làm điều này theo thời gian biểu do Nga đặt ra, với chương trình nghị sự cũng do Nga đặt ra, và với những lựa chọn chiến lược không như mong muốn của nhiều thành viên NATO.
Ông Marshall cho rằng, Mỹ cần xác định tương lai của an ninh châu Âu dựa trên các giới hạn riêng: về sự thống nhất của châu Âu, về tự do và độc lập của các quốc gia, và về sự cứng rắn khi đối mặt với vũ lực quân sự.
Mỹ sẽ cần phải thỏa hiệp với các đồng minh của mình để duy trì sự đoàn kết. Điều đó sẽ định hình câu chuyện về phản ứng và cách giải quyết thống nhất xuyên Đại Tây Dương./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bat-dong-nga-nato-co-the-lam-thay-doi-moi-quan-he-xuyen-dai-tay-duong-post913469.vov - theo vov.vn