Ban lãnh đạo mới của Israel không ưa phương án 2 nhà nước trong xung đột với Palestine?

10:21 08-06-2021

VOV.VN - Nếu Thủ tướng sắp miễn nhiệm của Israel là Netanyahu không xoay chuyển được tình thế thì ban lãnh đạo mới của Israel sẽ lên nắm quyền trong thời gian ngắn sắp tới. Ban lãnh đạo mới này được cho là có thái độ cứng rắn đối với giải pháp 2 nhà nước.

Thủ tướng Netanyahu đi đầu trong phản đối “đổi đất lấy hòa bình”

Hồi năm 1996, khi chính trị gia Benjamin Netanyahu ra tranh cử thủ tướng Israel lần đầu tiên và đắc cử, vấn đề chính yếu khi đó là khái niệm “đổi đất lấy hòa bình” – Israel có nên trả lại lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây và Dải Gaza cho người Palestine để đổi lấy sự công nhận và an ninh hay không.


Hai ứng viên Israel Lapid (trái) và Bennett dự kiến sẽ lần lượt làm thủ tướng Israel trong cùng một nhiệm kỳ. Ảnh: AFP.
Ông Netanyahu kiên định chống lại giải pháp đổi đất lấy hòa bình và củng cố niềm tin của mình bằng một chính sách quyết liệt cho phép người Do Thái định cư ở Bờ Tây và ở nửa phía đông của thành phố Jerusalem.

Trong tổng cộng 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Netanyahu đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt của Bờ Tây, nơi có đông đảo người Palestine sinh sống.

Ông đã vượt qua các sự phản đối của đồng minh, đáng chú ý là Mỹ - quốc gia vốn coi các khu định cư Do Thái là trở ngại cho hòa bình. “Giải pháp 2 nhà nước” song sinh với đổi đất lấy hòa bình, vẫn chưa được hiện thực hóa.

Kể từ cuộc chiến Trung Đông vào năm 1967, khi Israel chinh phục khu vực hiện nay được gọi là “lãnh thổ Palestine”, tất cả các thủ tướng của Israel đều nuôi dưỡng việc phát triển khu định cư cho người Do Thái. Ông Netanyahu đặc biệt tích cực trong vấn đề này. Năm 1996, khi ông Netanyahu đánh bại thủ lĩnh đảng Lao động Shimon Peres, có 200.000 người định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Giờ đây con số đó là 650.000 người.

Tua thời gian trở lại nửa đầu năm 2021, ông Netanyahu sắp kết thúc nhiệm kỳ (nếu không có đột biến gì từ liên minh tranh cử vừa giành được đa số). Công thức “đổi đất lấy hòa bình” vốn rất quan trọng trong một nửa thế kỷ trước, hoặc thậm chí cả vào năm 2009, thì giờ không còn nằm ở vị trí trung tâm của nền chính trị Israel nữa.

Trong 12 năm qua, liên minh của Netanyahu gồm những chính trị gia ủng hộ việc mở rộng khu định cư và ủng hộ thái độ của ông phản đối các công thức đổi đất lấy hòa bình. Chỉ có Avigdor Lieberman là gượng ép xem xét giải pháp 2 nhà nước, nhưng đó là chỉ khi Israel đưa các công dân gốc Arab của mình sang khu vực do Cơ cấu Quyền lực Dân tộc Palestine quản lý (đây được gọi là giải pháp di dời dân cư).

Việc phản đối đổi đất lấy hòa bình chỉ là điều tranh cãi trong nhóm các đảng cánh tả thiểu số (2 đảng) và một đảng Hồi giáo Arab. Tất cả các đảng này kiểm soát 17 ghế trong quốc hội.
Số phận bất định của Palestine khi chính phủ mới của Israel hoạt động

Các tân Thủ tướng dự kiến của Israel đều phản đối giải pháp 2 nhà nước

Chính trị gia Yair Lapid (dự kiến sẽ là một trong 2 tân Thủ tướng của Israel) là một cựu nhà báo truyền hình từng làm bộ trưởng tài chính dưới thời Netanyahu từ trong các năm 2013-2014. Ông Lapod là điểm tựa giữa phái tả và phái hữu trong liên minh. Đảng của ông này giành được 17 ghế trong bầu cử quốc hội Israel.

Mặc dù Lapid về danh nghĩa ủng hộ giải pháp 2 nhà nước với Palestine, ông này vẫn chưa đề ra kế hoạch cho đường biên mới hoặc vấn đề mở rộng hay phá bỏ khu định cư.

Theo thỏa thuận liên minh mới, ông Bennett – từng gọi giải pháp 2 nhà nước là “sự tự sát” đối với Israel, sẽ làm thủ tướng trong 2 năm, kế đó là Lapid trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Trong cuộc bầu cử Israel hồi tháng 3/2021, vấn đề Palestine bị suy giảm tầm quan trọng. Cuộc chiến Gaza 11 ngày (diễn ra vào tháng 5) đã làm vấn đề Palestine nổi lên nhưng cũng không kích thích được các động thái hướng tới đàm phán hòa bình theo bất cứ dạng nào. Người ta chỉ đạt được một lệnh ngừng bắn.

Thay cho vấn đề Palestine, sự chú ý hậu Gaza tập trung vào cuộc bạo động giữa người Do Thái và người Arab trong nội bộ Israel. Bạo lực tại khu nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem là giữa người Israel gốc Do Thái và cảnh sát Israel với người Israel gốc Arab đến từ các thành phố bên trong Israel.

Người Palestine tại Jerusalem không có quốc tịch Israel. Người Arab tại Israel (nhiều người trong nhóm này tự nhận là người Palestine) thì lại có quốc tịch Israel. Bạo động ở những khu vực người Israel gốc Arab sinh sống đã làm gia tăng mối quan ngại về khả năng cuộc chiến tranh trong cộng đồng người Israel.

Lapid đã gián tiếp đề cập vấn đề lục đục này bằng cách tuyên bố rằng liên minh mới “sẽ làm mọi thứ để đoàn kết xã hội Israel”.

Sự thờ ơ của Israel đối với các cuộc hòa đàm và vấn đề đất đai được hậu thuẫn thêm bởi việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không có hành động gì liên quan đến vấn đề này. Khi xảy ra xung đột Gaza hồi tháng 5, ông Biden chỉ đề cập qua loa vấn đề giải pháp 2 nhà nước mà không thực hiện động thái cụ thể nào để thúc đẩy hòa đàm.

Tổng thống Biden đã mở lại lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem nhưng ông sẽ không di chuyển Đại sứ quán Mỹ về Tel Aviv (trước đó cựu Tổng thống Trump đã di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem)./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ban-lanh-dao-moi-cua-israel-khong-ua-phuong-an-2-nha-nuoc-trong-xung-dot-voi-palestine-864216.vov - theo vov.vn