Bài toán không dễ giải sau thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn
08:13 22-08-2023
VOV.VN - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn diễn ra tại trại David, Mỹ vào ngày 18/8, ba nước đã đạt được thỏa thuận về việc đưa hợp tác ba bên thành một cơ chế tham vấn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Song vẫn còn đó bài toán không dễ giải.
Đây có thể nói là thỏa thuận quan trọng của 3 nước Mỹ - Nhật - Hàn trong bối cảnh hiện tại liên quan đến những vấn đề quốc tế, nhất là khi Mỹ và hai nước đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang quyết tâm thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sau Hội nghị, có những vấn đề lớn sẽ cần phải xử lý như quan hệ đối với Trung Quốc, Kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện nguyên tử số 1 Fukushima ra biển của Nhật Bản.
Khó trong quan hệ với Trung Quốc
Trước tiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ phải có những xử lý hài hòa trong mối quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, lại là nước có sức ảnh hưởng lớn với Triều Tiên. Do vậy, có thể có những tính toán về lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc của Hàn Quốc lại không phù hợp với Mỹ và Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật, nơi thảo luận chính về các vấn đề trong quan hệ Hàn-Trung, được tổ chức lần cuối vào năm 2019. Hàn Quốc đã đề xuất nối lại hội nghị, và đang chờ câu trả lời từ phía Bắc Kinh, nhưng hiện vẫn chưa có tiến triển nào. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc có một tín hiệu tích cực là cho phép mở cửa trở lại hoàn toàn tuyến du lịch khách đoàn tới Hàn Quốc sau 6 năm.
Hơn nữa, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) sắp diễn ra sẽ có thể trở thành cơ hội đối với Hàn Quốc.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul đang quản lý quan hệ Hàn-Trung thông qua Hội nghị Ngoại trưởng song phương, và giữ vững nguyên tắc là phát triển quan hệ với Bắc Kinh dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Trong cặp quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc, hiện hai bên đã có những dấu hiệu mong muốn cải thiện quan hệ nhưng chưa thực sự mạnh mẽ và vẫn có động thái “đang thăm dò”. Nhưng trên thực tế, trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đã có những thay đổi, nhấn mạnh tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích chung. Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi cũng đã khẳng định điều này trong chuyến thăm Trung Quốc và tiếp xúc với người đồng cấp của Trung Quốc. Có lẽ trong quan song phương với Trung Quốc, Nhật Bản có vẻ “dễ thở” hơn hơn so với Hàn Quốc.
Đối với Mỹ, chính sách đối với Trung Quốc cũng chưa có sự thay đổi lớn mang tính đột phá nào, do đó, Mỹ vẫn mong muốn chủ động và gạt bỏ mọi sự ràng buộc trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Trong quan hệ Hàn-Nhật, nền tảng cho hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật, thì đứng trước bài toán lớn là Kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển của Tokyo, chính phủ Hàn Quốc đang đặt trọng tâm vào việc đảm bảo tính an toàn trong quá trình xả thải, như để chuyên gia tham gia vào kiểm chứng quá trình xả thải ra biển.
Sau ba cuộc họp cấp chuyên viên Hàn-Nhật, Tokyo đã chấp thuận phần lớn yêu cầu của phía Hàn Quốc, nên giờ đây, cửa ải còn lại là chính phủ Nhật Bản phải thuyết phục được dư luận trong nước. Nếu giải quyết được bài toán này thì ba nước Hàn-Mỹ-Nhật mới có động lực xúc tiến các bước đi tiếp theo sau cuộc họp thượng đỉnh.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật tiếp theo tại Hàn Quốc vào năm sau.
Ý kiến trái chiều từ các bên
Ba nhà lãnh đạo là Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đều vui về kết quả của Hội nghị lần đầu tiên trực tiếp diễn ra tại Trại David này, đều hy vọng sẽ có những hợp tác tốt đẹp giữa 3 bên vì lợi ích của từng nước cũng như đóng góp cho khu vực và thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong buổi họp chính phủ ngày hôm nay (21/8) đã đánh giá Hội nghị Nhật-Hàn-Mỹ đã mở ra một thời đại mới cho hợp tác ba bên khi đã thể chế hóa và củng cố được cơ chế hợp tác toàn diện.
Sau hội nghị, hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật đã chuyển từ một cơ chế phối hợp trong khu vực bán đảo Triều Tiên thành một cơ chế tham vấn ba bên tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc nâng cấp hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật thành một cơ chế tham vấn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương không mang tính chất bài trừ hay thù địch với một quốc gia cụ thể nào mà là vì lợi ích chung là một vấn đề mang tính phổ quát và công bằng, không chỉ đối với riêng ba nước.
Ngoài ra, hợp tác kinh tế Hàn-Mỹ-Nhật sẽ mang lại lợi ích rõ rệt như mở rộng thị trường cho doanh nghiệp của cả Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, hay tăng cường năng lực hồi phục chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, đại diện đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân Hàn Quốc đánh giá Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật có ý nghĩa lịch sử khi thiết lập được cơ chế hợp tác 3 bên. Điều ý nghĩa hơn cả là ba nước Hàn-Mỹ-Nhật đã nhất trí chia sẻ thông tin và đối phó chung với mọi mối uy hiếp có thể ảnh hưởng tới lợi ích chung và an ninh của ba nước, cho thấy cả Seoul, Washington và Tokyo đều đồng tình về mối quan hệ không thể tách rời trong vấn đề an nguy quốc gia.
Tại Nhật Bản, tuy chưa có nhiều ý kiến phản hồi về kết quả Hội nghị, nhưng rõ ràng việc thực hiện Kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc sẽ có những bước tiến triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nhưng cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vẫn có những ý kiến trái chiều ví dụ như cho rằng việc tham gia vào cơ chế an ninh sẽ làm gia tăng gánh nặng cho người dân, khi Tokyo xảy ra khủng hoảng thì Seoul cũng sẽ phải huy động nguồn lực quân sự của mình, điều này có thể làm tổn hại tới "tính tự quyết chiến lược" của quân đội Hàn Quốc, vừa tương tự như đối với Nhật Bản và Mỹ.
Hội nghị nào cũng vậy, song song với những kết quả tốt đẹp, vẫn có những vấn đề sẽ này sinh đòi hỏi các bên có những xử lý thích hợp phù hợp với mong mỏi của từng người dân không của những bên liên quan mà cả người dân thế giới.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bai-toan-khong-de-giai-sau-thuong-dinh-my-nhat-han-post1040752.vov - theo vov.vn