Bài toán đau đầu của Mỹ khi lần đầu tiên đối phó với 2 địch thủ có kho hạt nhân đáng kể
09:47 09-07-2021
VOV.VN -Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có thể sẽ phải đối phó với 2 địch thủ có kho hạt nhân đáng kể giữa bối cảnh Trung Quốc dịch chuyển chính sách trong hàng thập kỷ để mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.
Trung Quốc đang khiến Mỹ phải đổi cách chơi?
Bài báo Trung Quốc đang xây hơn 100 hầm chứa (silo) cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể đến được Mỹ, cho thấy một dấu hiệu đáng lo ngại về sự mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của nước này. Nếu các tên lửa được triển khai trong những silo mới này, chúng cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang đang ngày càng gia tăng và đây sẽ là thách thức nghiêm trọng với chính quyền Tổng thống Biden, vốn đang cạnh tranh với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.
Các tên lửa đạn đạo Trung Quốc trong cuộc diễu hành kỷ niệm ngày Quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh 1/10/2019. Ảnh: AP
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng tên lửa hạt nhân và lực lượng theo quy ước cả về tầm ngắn và tầm xa. Những hầm chứa mới dường như là nơi đặt các tên lửa được trang bị hạt nhân như DF-41 với tầm bắn lên tới 15.000 km, có thể dễ dàng nhắm đến Mỹ. Lầu Năm Góc ước tính, Trung Quốc có khoảng dưới 200 vũ khí hạt nhân và đang có kế hoạch mở rộng kho hạt nhân này, cũng như theo đuổi bộ ba hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không giống như Mỹ và Nga.
Trong hàng thập kỷ qua, Trung Quốc chỉ sở hữu một kho hạt nhân khiêm tốn. Không giống như Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc chưa bao giờ xây dựng kho hạt nhân lớn trong Chiến tranh Lạnh bởi chính sách hạt nhân của nước này cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước, cũng như chỉ thành lập một lực lượng tối thiểu có khả năng đáp trả cuộc tấn công của kẻ thù. Dù vậy, sau nhiều năm tuyên bố sẽ chỉ duy trì số lượng vũ khí hạt nhân ở mức "răn đe tối thiểu", những nỗ lực hiện đại hóa hiện nay cho thấy kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc đang tiến tới một mức độ mới.
Các quan chức quốc phòng Mỹ, trong đó có Chỉ huy Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Charles A.Richard đã khẳng định công khai rằng, kho hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, nếu không muốn nói là tăng gấp ba hoặc gấp bốn trong thập kỷ này.
Việc tăng cường lực lượng có thể khiến Trung Quốc sớm trở thành một quốc gia hạt nhân sánh ngang với Mỹ và Nga khi hiện mỗi nước này sở hữu không quá 1.550 vũ khí hạt nhân chiến lược theo giới hạn của Hiệp ước New START.
Nỗ lực trên của Bắc Kinh cũng đe dọa đến tất cả mục tiêu răn đe và phòng thủ quan trọng của Washington, đồng thời khiến Lầu Năm Góc gặp nhiều khó khăn hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược hay các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc, cũng như duy trì sự cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho Mỹ và đảm bảo các cam kết với đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Điều đó cũng tức là lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ sẽ phải đối phó với 2 địch thủ có kho hạt nhân đáng kể.
Đồng minh muốn Mỹ tăng cường diễn tập răn đe tàu ngầm Nga và Trung Quốc
VOV.VN - Người đứng đầu các chiến dịch hải quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday cho biết, các đồng minh của Mỹ đang ngày càng quan tâm đến việc huấn luyện tác chiến chống ngầm với Hải quân Mỹ, đặc biệt là nhằm răn đe tàu ngầm Nga và Trung Quốc.
Tăng cường kho hạt nhân hay đàm phán với Trung Quốc?
Các chiến lược gia quốc phòng Mỹ từ lâu đã lo ngại cuối cùng thì Trung Quốc sẽ cố gắng cạnh tranh với kho hạt nhân của Mỹ. Họ tin rằng một khi Trung Quốc trở thành một siêu cường địa chính trị, giới lãnh đạo của nước này sẽ theo đuổi kho hạt nhân của một siêu cường.
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ lựa chọn giải pháp nào để đối phó với tình hình mới mà Trung Quốc đang tạo ra này. Mỹ sẽ tăng cường kho hạt nhân của mình hay sẽ đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ trang? Mỗi lựa chọn đều có những cơ hội và thách thức riêng.
Nếu như chọn tăng cường kho hạt nhân, dù Mỹ có thể chủ động kiểm soát mọi thứ từ phía mình nhưng việc này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trên quy mô lớn và khiến nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ trang sụp đổ. Trong khi đó, nếu đàm phán với Trung Quốc, dù có sự đối thoại và trao đổi từ hai bên nhưng lại cần nhiều nỗ lực thuyết phục từ phía Washington bởi Bắc Kinh không dễ ngồi vào bàn đàm phán chứ chưa nói tới việc nhượng bộ về vấn đề này.
Theo nhà quan sát Matthew Kroenig nhận định trên Wall Street Journal, Trung Quốc đang tăng cường vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn như một phần trong kế hoạch rộng khắp nhằm thách thức trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà Mỹ đặt ra và Washington cần phản ứng bằng cách nâng cấp chương trình hạt nhân để tự vệ và bảo vệ trật tự này. Các hầm chứa tên lửa ở sa mạc là một phần trong nỗ lực tăng cường hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm các tàu ngầm, máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh mới.
Các cuộc đàm phán kiểm soát vũ trang với Trung Quốc, những nỗ lực từng được thực hiện nhưng đều bất thành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Trump, có thể sẽ không khá hơn dưới thời Tổng thống Biden. Việc Trung Quốc tăng cường khả năng hạt nhân được nhà quan sát Matthew Kroenig cho là nhằm làm suy yếu sự phòng thủ của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, phá vỡ liên minh khu vực của Washington và xác lập vị thế của Bắc Kinh như một siêu cường.
Để đối phó với thách thức này, theo nhà phân tích Matthew Kroenig thì Mỹ cũng cần tăng cường kho hạt nhân của mình. Washington nên tiếp tục kế hoạch lưỡng đảng nhằm hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc nên nghiên cứu liệu có thể đáp ứng các yêu cầu răn đe với số lượng vũ khí hiện có hay không, hay là cần mở rộng bên ngoài giới hạn được quy định trong Hiệp ước New START.
Nhà quan sát này cho rằng, kiểm soát vũ trang là một nỗ lực có thể theo đuổi nhưng cần phải thực tế. Trung Quốc chưa từng đàm phán về việc hạn chế các lực lượng hạt nhân và thực tế là việc đó khó có thể khởi động hiện nay khi mà Bắc Kinh đang trong quá trình mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu kiểm soát vũ trang thì cho rằng, Mỹ không nên quá lo ngại bởi những hầm chứa tên lửa này chỉ đảm bảo các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể vượt qua cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên của Mỹ. Họ cho rằng giải pháp cần thực hiện là tiến hành đàm phán kiểm soát vũ trang với Bắc Kinh.
Theo Washington Post, câu trả lời cho một cuộc chạy đua vũ trang là kiểm soát vũ trang. Nếu thành công, việc này có thể làm chậm tốc độ cuộc đua và mang đến sự xác minh cần thiết. Chính quyền Tổng thống Biden đã khẳng định sẽ tiến hành những cuộc trao đổi như vậy với Trung Quốc, nhưng phía Bắc Kinh cho tới nay hầu như rất ít quan tâm đến vấn đề này. Dù vậy, đây không phải lý do để từ bỏ.
Những dấu hiệu về một cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang đã rõ ràng và những cuộc trao đổi ngay từ đầu sẽ giúp kiểm soát được một cuộc khủng hoảng hạt nhân, các vũ khí thế hệ mới cũng như các vũ khí chống vệ tinh, vũ khí lượn siêu thanh, cùng với các vấn đề gai góc hơn như phòng thủ tên lửa và thử hạt nhân./.