An toàn internet: Khi xã hội “ảo” tác động tiêu cực đến xã hội thật

09:54 11-02-2020

VOV.VN - Khi người dùng mù quáng tin vào thông tin không đúng trên mạng xã hội, thậm chí trở thành “nạn nhân”, thì xã hội “ảo” đã ảnh hưởng tới xã hội thật.

Giật tít “câu” view, lượt like hay tương tác là một trong những cách làm để thu hút sự chú ý của mọi người trên các mạng xã hội hiện nay. Nhiều lúc vì đuổi theo lượt like, tương tác, mà nhiều cá nhân đưa thông tin bất chấp đúng, sai và cũng không lường hậu quả gây ra của các thông tin đó. Điều này còn xảy ra ở cả tài khoản của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dân…


Nhiều lúc vì đuổi theo lượt like, tương tác, mà nhiều cá nhân đưa thông tin bất chấp đúng, sai và cũng không lường hậu quả. (Ảnh minh họa: KT)
Thời gian gần đây, khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra diễn biến phức tạp, đã có không ít tin đồn, tin thất thiệt về các trường hợp nghi nhiễm virus corona, thậm chí có kẻ tung tin giả mạo là có tới 33 người tử vong do virus này tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vụ việc này đã khiến Bệnh viện Chợ Rẫy phải báo công an và khẳng định đây là thông tin bịa đặt.

Theo Bộ Công an, đến nay có 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch corona trên Facebook đã bị triệu tập, xử lý. Thế nhưng, vẫn còn không ít những thông tin sai sự thật, tin tức giả mạo về tình hình dịch bệnh do virus corona mới vẫn lan tràn trên mạng xã hội. Điều này gây không ít hoang mang cho cộng đồng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi vừa phải chống dịch, vừa phải chống tin giả.

Hàng loạt tài khoản trên các mạng xã hội tung tin giả, tin sai sự thật về các trường hợp dương tính với virus corona trong 2-3 tuần trở lại đây, đang khiến nhiều người lo lắng.

Chị Đào Mỹ Dung, ở quận Thanh Xuân, Hà Nôi cho biết, các thông tin cập nhật liên tục, thậm chí những video giống như cảnh chết chóc tang thương ở Vũ Hán, hay những người đang đi chết trên đường… nhưng bản thân chị cũng không thể biết được thật giả thế nào.

“Những thông tin như vậy rất nguy hiểm. Người dân đã hoang mang lại càng hoang mang hơn nữa. Việc hoang mang không giải quyết được bất cứ vấn đề gì, nhưng có thể làm tình hình càng ngày càng trở nên tồi tệ”, chị Dung cho hay.

Anh Nguyễn Văn Nam, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thì cho rằng: “Quá nhiều những tin đồn thất thiệt làm nghiêm trọng hơn tình trạng dịch bệnh, khiến chúng tôi hoang mang. Ngay như việc, người ta đổ xô đi tích trữ khẩu trang, nước rửa tay tiệt trùng… gấp nhiều lần so với nhu cầu của gia đình, rồi tích trữ lương thực thực phẩm.... không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà mà còn gây ra những xáo trộn lớn về tâm lý xã hội”.

“Tôi nghĩ mọi người cần phải nâng cao cảnh giác, đồng thời cơ quan chức năng cũng cần cởi mở và thông tin nhanh, kịp thời hơn nữa để người dân tiếp cận được nguồn tin chính thống, không bị hoang mang, tốn kém một cách vô lý”, anh Nam đề xuất.


Khi người dùng mù quáng tin vào thông tin không đúng trên mạng xã hội, thậm chí trở thành “nạn nhân”, thì xã hội “ảo” đã ảnh hưởng tới xã hội thật. (Ảnh minh họa: KT)
Người sử dụng mạng xã hội dù vô tình hay cố ý chia sẻ, nhấn like… cũng góp phần lan truyền nhanh chóng các thông tin giả, xấu, độc và khiến chính những người sử dụng mạng xã hội trở thành nạn nhân của chính những thông tin xấu, độc không được kiểm chứng đó.

Và khi bản thân người sử dụng mạng xã hội mù quáng, tin vào những thông tin không đúng trên mạng xã hội, thậm chí trở thành “nạn nhân”, thì xã hội ảo đã ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội thật.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội là từ 10 - 20 triệu đồng.

Nghị định mới cùng với Luật an ninh mạng sẽ góp phần giúp ngăn ngừa hiệu quả thông tin sai sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và của chính mỗi người dân.

Bên cạnh đó, cần triển khai tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân tìm kiếm những thông tin chính thống. Cùng với đó, tuyên truyền cho người sử dụng mạng xã hội hiểu rằng những hành vi vi phạm trên môi trường mạng cũng có thể bị xử phạt tương tự những hành vi vi phạm trong xã hội thật.

Ngày An toàn internet năm 2020 được chọn có chủ đề “Cùng nhau vì một mạng internet tốt hơn” nhằm hướng mọi người tới việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, sáng tạo.

Sáng kiến “Ngày internet an toàn” được khởi động từ năm 1999 và hiện diễn ra rộng rãi ở 140 quốc gia trên thế giới, nhằm nâng cao ý thức về các mối đe dọa liên quan đến môi trường mạng. Đây cũng là ngày thế giới đồng tâm hợp lực chống lại mọi mối đe dọa từ internet để mang lại một môi trường an toàn hơn cho người sử dụng trên toàn cầu./.

https://vov.vn/cong-nghe/an-toan-internet-khi-xa-hoi-ao-tac-dong-tieu-cuc-den-xa-hoi-that-1008834.vov - theo vov.vn