60 năm quân giải phóng miền Nam Việt Nam: Sự lựa chọn của lịch sử

08:30 20-01-2021

VOV.VN - Sự ra đời của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cho thấy sự chỉ đạo chiến lược rất đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, quy luật phát triển của chiến tranh, trực tiếp tăng cường sức mạnh của cách mạng miền Nam.

Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức thành lập ngày 15/2/1961, giữ vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trải qua chặng đường 15 năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu (1961-1975), Quân giải phóng miền Nam từng bước trưởng thành vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Ngày 15/2/1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức thành lập.
Mỹ mở các cuộc hành quân càn quét, dồn dân lập “ấp chiến lược”

Đến đầu năm 1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang đứng trước tình thế mới. Phong trào Đồng khởi (1959 - 1960) của nhân dân miền Nam thắng lợi đã chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ. Trước sự đấu tranh của quần chúng cách mạng, địch tăng cường đàn áp. Trên thế giới, phe xã hội chủ nghĩa không ngừng lớn mạnh, là chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân phát triển. Hệ thống các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc đang tan rã từng mảng ở nhiều nơi.

Để đối phó, đầu năm 1961, John F. Kennedy lên làm Tổng thống Mỹ, đề ra chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt”. Mỹ thực hiện thí điểm ở miền Nam Việt Nam chiến lược toàn cầu mới, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới được tiến hành bằng quân đội tay sai dưới sự chỉ huy của hệ thống “cố vấn” quân sự Mỹ và sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ nhằm chống lại phong trào cách mạng và nhân dân miền Nam. Thực hiện chiến lược mới đề ra, chỉ thời gian ngắn, Mỹ tăng nhanh viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đưa vào miền Nam số lượng ngày càng nhiều các cố vấn quân sự và lực lượng hỗ trợ chiến đấu; đồng thời tăng cường bắt lính, mở các cuộc hành quân càn quét, dồn dân lập “ấp chiến lược”,...


Các xe tăng chủ lực của quân giải phóng miền Nam Việt Nam
Đấu tranh vũ trang không phải để tự vệ mà phải tiến công và tiêu diệt địch

Căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, cuối tháng 1/1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp bàn về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam, đề phương châm đấu tranh: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”. Đấu tranh vũ trang trước đây cốt để tự vệ nay đã được nâng lên nhiệm vụ tiến công và tiêu diệt địch, phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị nhằm đủ sức đương đầu với những bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Bộ Chính trị nhấn mạnh: Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang cần phải làm hết sức khẩn trương. Phải sớm hình thành tổ chức thống nhất, giải quyết tốt các vấn đề về kỹ chiến thuật, chỉ đạo tác chiến, trang bị, cung cấp cho bộ đội, chú trọng xây dựng những đơn vị tập trung mạnh. Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, chủ trương này rõ ràng là nội dung mới, hình thái mới của chiến tranh cách mạng miền Nam, là sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị nhằm đương đầu với kẻ thù rất hung bạo, nguy hiểm và xảo quyệt.

Thực hiện quyết nghị của Bộ Chính trị đề ra, ngày 15/2/1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức thành lập. Trong chỉ thị gửi lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương) khẳng định rõ: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo (...). Quân giải phóng miền Nam Việt Nam kế tục truyền thống anh dũng, tinh thần quật khởi và đoàn kết chiến đấu của nhân dân miền Nam anh hùng, kế tục truyền thống vẻ vang phục vụ nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục tiêu chiến đấu của quân đội, đó là kiên quyết thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Sau khi thành lập, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam vừa chiến đấu vừa xây dựng, kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc; được sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân miền Nam và sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ của quân dân hai nước bạn Lào, Campuchia, nhờ đó có sự lớn mạnh nhanh chóng, hình thành tổ chức quân sự tập trung thống nhất trên phạm vi toàn miền, trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; đồng thời không ngừng đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt địch, từ đánh tập trung quy mô đại đội (1961), tiến lên đánh tập trung quy mô tiểu đoàn, trung đoàn (1963 - 1965), sư đoàn (từ cuối 1965). Từ năm 1972, Quân giải phóng đã tiến lên đánh tập trung quy mô nhiều sư đoàn rồi quân đoàn và nhiều quân đoàn, tác chiến hợp đồng binh chủng, quân chủng, từng bước làm thất bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1975)” của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Những chiến công vang dội tiêu biểu như Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Vạn Tường, Ia Đrăng (1965), Tết Mậu Thân, Khe Sanh (1968), Quảng Trị (1972) và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, đã khẳng định sức mạnh to lớn của Quân giải phóng miền Nam, góp phần tô thắm thêm truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự lựa chọn của lịch sử

Sự ra đời của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nó đánh dấu bước chuyển căn bản của cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, cho thấy sự chỉ đạo chiến lược rất đúng đắn, sáng tạo đáp ứng yêu cầu, quy luật phát triển của chiến tranh, trực tiếp tăng cường sức mạnh của cách mạng miền Nam, sẵn sàng đương đầu và đập tan các kế hoạch quân sự mới của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Đồng thời, góp phần khẳng định sự độc lập, tự chủ về đường lối kháng chiến đã chính thức thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9.1960). Theo đó, cách mạng miền Nam vận dụng tư tưởng chiến lược tiến công, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả vể chính trị và quân sự, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng là tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.


Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Những chiến công xuất sắc mà Quân giải phóng miền Nam giành được góp phần quyết định trực tiếp vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Thành quả ấy bắt nguồn từ nhiều nhân tố: đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam; sự chỉ đạo kịp thời, chính xác của Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh, Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền; tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của từng cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng; sức mạnh đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân; sự chi viện to lớn từ hậu phương miền Bắc và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế; tình đoàn kết liên minh chiến đấu ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia.

Hướng đến kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961 - 15/2/2021) cũng là dịp chúng ta bày tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ, càng thêm tự hào về những chiến công vang dội mà Quân đội giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ gian khổ, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước nồng nàn của mỗi con dân đất Việt./.

https://vov.vn/chinh-tri/60-nam-quan-giai-phong-mien-nam-viet-nam-su-lua-chon-cua-lich-su-829851.vov - theo vov.vn