Nhiều công chức chưa hiểu mình là “công bộc của dân”

09:06 28-11-2019

VOV.VN -Nhiều công chức có cách ứng xử lệch chuẩn không phải vì trình độ học thức kém mà vì sự nhận thức, chưa hiểu mình là “công bộc của dân”...

Trong thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử của một bộ phận công chức, người dân hiện nay có nhiều vấn đề đáng quan ngại. Dù ở đâu, nơi nào cũng xảy ra các hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong khi đối tượng này lẽ ra phải gương mẫu trong ứng xử văn minh, là nòng cốt để lan tỏa những giá trị tốt trong cộng đồng.

Ứng xử lệch chuẩn không phải trình độ kém mà do nhận thức

Tại buổi giao lưu “Văn hoá công sở: Thực trạng và giải pháp” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, nhiều công chức có cách ứng xử lệch chuẩn không phải vì trình độ học thức kém mà vì sự nhận thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người cán bộ, công chức không đúng. Những công chức này chưa hiểu hết cái gốc là công bộc của dân, làm dịch vụ công để phục vụ nhân dân nên nhiều lúc có những lời nói, hành động không chuẩn mực. Tuy cách ứng xử đó là những biểu hiện bên ngoài nhưng tác động lớn đến hiệu quả dịch vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Mặc dù chúng ta đã có những quy định về văn hóa công sở để hướng công chức đến với những chuẩn mực trong công việc và cuộc sống. Song, nếu như liên tiếp có những vụ việc như cán bộ, công chức mạt sát người dân, những hành vi lệch chuẩn về văn hóa khác, thì ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại chất lượng soạn thảo các bộ quy tắc ứng xử đó.

“Nếu bộ quy tắc được soạn thảo quá dài dòng, quá hình thức thì nó cũng khó phù hợp thực tế. Tiếp đến, cũng cần phải xem xét đến những hình thức kỷ luật có đủ sức răn đe đối với những cán bộ, công chức có hành vi ứng xử thiếu văn hóa hay không. Bên cạnh đó, một số thói quen xấu của cán bộ, công chức từ thời bao cấp chưa được xóa bỏ”- bà Lan nhấn mạnh.

nhieu cong chuc chua hieu minh la "cong boc cua dan" hinh 1
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở,  Bộ VHTT-DL 

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở,  Bộ VHTT-DL cho rằng, văn hoá công sở có được thực thi hay không và có hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong mỗi cơ quan. Trong thời gian vừa qua, cũng xuất hiện những hành vi lệch chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ đối với nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức… Một trong những hành vi đó là thái độ hách dịch, cửa quyền, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ trong quá trình tiếp dân.

“Tôi cho rằng nếu như những hành vi đó vẫn tiếp tục tồn tại thì rõ ràng chúng ta không thể thực hiện được nền văn  hoá công sở, vì đây rõ ràng là một trong những hành vi quan trọng nhất mà cán bộ, công chức, viên chức hướng tới thực hiện nghiêm túc về văn hoá công sở theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”- bà Ninh Thị Thu Hương trăn trở.

Cần xử lý nghiêm khắc hành vi lệch chuẩn của cán bộ, công chức

 

Trong thời gian vừa qua  nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa những quy tắc về việc tiếp đón, giải quyết khiếu nại cũng như những quy định về thời gian, địa điểm… tiếp công dân. Và trong thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ thực hiện những nhiệm vụ có hành vi lệch chuẩn đã được các cơ quan đó áp dụng những biện pháp, hình thức tương ứng trong bình xét thi đua, bình bầu, thậm chí có những đơn vị kỷ luật trong cơ quan khi xuất hiện những hành vi lệch chuẩn đó.  

Tuy nhiên, theo bà Ninh Thị Thu Hương, để khắc phục những hành vi lệch chuẩn nhằm xây dựng được văn hoá công sở theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra thì trách nhiệm của những người cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của những người trong quá trình tiếp dân phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa và phải áp dụng xử lý một cách rõ ràng đối với hành vi của cán bộ, công chức. Và chỉ có như vậy, khi những hành vi lệch chuẩn, trong đó có hành vi cửa quyền ở một bộ phận cán bộ, công chức được khắc phục thì chúng ta mới hướng tới một văn hoá công sở theo đúng nghĩa.

Chúng ta đã có rất nhiều các quy định về xử phạt những vi phạm hành chính. Gần đây, Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành, trong những giải pháp nêu ra, có giải pháp cần phải hoàn thiện các quy định về đánh giá công chức, viên chức, đánh giá hay xem xét người thực thi công vụ trong cơ quan, đơn vị.

Trong Luật Cán bộ, công chức, từ năm 2008, năm 2010 đều có quy định cụ thể về việc đánh giá cán bộ, công chức. Nghị định 56 của Chính phủ ban hành các quy định đánh giá công chức, viên chức. Ngày 25/11/2019, sau nhiều lần thảo luận và góp ý, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới. Và để làm được điều này, việc xây dựng văn hóa của mỗi một cán bộ, công nhân, viên chức trong công sở đóng vai trò quan trọng.

Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, Nghị quyết này ra đời như một “cú hích”, một cương lĩnh tiếp theo về văn hóa của Đảng sau Đề cương Văn hóa 1943 và Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, tất cả những gì đã và đang diễn ra cho thấy, việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng được với tình hình mới mà tinh thần Nghị quyết nêu ra lúc ấy là hết sức cấp bách.

Vai trò của văn hóa sẽ được phát huy nếu như nó được gắn liền với văn minh trong các hoạt động của các cơ quan, đó là việc xây dựng các phạm trù đạo đức tốt đẹp, có văn hóa trong giao tiếp công vụ. Văn hóa công sở chính là tổng hợp của hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, là thành quả trí tuệ sáng tạo của con người, thể hiện bản chất nhà nước và bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Vì vậy, vai trò của văn hóa công sở rất quan trọng. Văn hóa công sở thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân thông qua quá trình giao tiếp hành chính, góp phần hình thành nên những chuẩn mực, giá trị văn hóa mà cả hai bên cùng tham gia vào. Việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa công sở không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức mà còn là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với công việc của mình ở các vị trí, cương vị khác nhau trong thực thi công vụ và cung cấp dịch vụ công.

“Thực tế, đã chứng minh không thể coi nhẹ nhân tố con người trong sự phát triển của các cơ quan, công sở. Nói đến con người chính là nói đến văn hóa, vì toàn bộ những giá trị văn hóa làm nên những phẩm chất, năng lực và tinh thần của con người. Vận dụng các yếu tố văn hóa trong việc thúc đẩy mọi hoạt động của công sở như xây dựng hệ thống thi đua-khen thưởng công bằng, minh bạch, tạo ra bầu không khí làm việc phát huy tối đa sự sáng tạo, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực làm việc hăng say sẽ kích thích, loại bỏ được sức ỳ trong công việc”- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh./.

https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-cong-chuc-chua-hieu-minh-la-cong-boc-cua-dan-983468.vov - theo vov.vn