Nguyên nhân khiến ngay cả Iran cũng phải e dè Israel

08:36 04-06-2020

VOV.VN - Israel được cho là sỡ hữu một quân đội công nghệ cao thiện chiến và được vũ trang cả vũ khí hạt nhân.

Trong một email cá nhân bị rò rỉ ra công chúng vào tháng 9/2016, Colin Powell - cựu Ngoại trưởng và Tướng quân đội Mỹ nghỉ hưu - tiết lộ, Israel có một kho “200 vũ khí hạt nhân”. Con số này có vẻ bị cường điệu, nhưng không có nghi ngờ gì việc Israel sở hữu một kho vũ khí hạt nhân nhỏ nhưng mạnh.

Vũ khí hạt nhân của Israel sẽ được tung ra khi bị thất bại trong chiến tranh thông thường, để ngăn chặn các quốc gia thù địch tiến hành các đòn tấn công hạt nhân, hóa học và sinh học chống lại đất nước nhỏ bé này… mà mục đích cuối cùng là nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nhà nước Do Thái.


Israel có tiềm lực mạnh về kinh tế, khoa học-công nghệ và quân sự, là một trong những gã khổng lồ xuất khẩu vũ khí; Nguồn: offiziere.ch
Để chống lại kẻ thù của mình, vào những năm 1950, Israel đã cố gắng gia nhập câu lạc bộ hạt nhân. Mặc dù là mục tiêu đầy tham vọng đối với một quốc gia nhỏ bé, ban đầu nghèo nàn và phải đương đầu với biết bao khó khăn, Israel đã không có được bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ.

Quốc gia Do Thái đã tự lực, thậm chí mua vũ khí thông thường ngoài thị trường chợ đen, để trang bị cho Lực lượng Quốc phòng non trẻ của mình. Vũ khí hạt nhân sẽ là hình thức đảm bảo cuối cùng cho một dân tộc đã phải chịu ức hiếp nhưng giờ đây đã có cơ hội để kiểm soát vận mệnh của chính họ.

Ben-Gurion (người thành lập nhà nước Do Thái, Thủ tướng đầu tiên của Israel - ND) đã chỉ thị cho cố vấn khoa học của mình, Ernst David Bergmann, chỉ đạo các nỗ lực hạt nhân bí mật của Israel, thành lập và lãnh đạo Ủy ban Năng lượng nguyên tử Israel.

Shimon Peres - người sau này là Tổng thống và Thủ tướng Israel - đã xây dựng mối liên hệ với nước Pháp đang có thiện cảm, thuyết phục họ đồng ý cung cấp một lò phản ứng hạt nhân lớn, nặng và một nhà máy tái chế plutonium dưới lòng đất, chuyển nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng cho lò phản ứng sang nhiên liệu chính cho vũ khí. Lò phản ứng được xây dựng tại Dimona trên sa mạc Negev.

Vào cuối những năm 1960, đánh giá vũ khí hạt nhân của Israel là “có thể”, Mỹ đã có những nỗ lực làm chậm chương trình hạt nhân và buộc Israel tham gia Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân (Nuclear Nonproliferation Treaty - NNT) nhưng không đi đến đâu. Cuối cùng, vào tháng 9/1969, Tổng thống Nixon và Thủ tướng Israel Golda Meir đã đạt được thỏa thuận bí mật, theo đó, Mỹ sẽ ngừng yêu cầu kiểm tra và tuân thủ các nỗ lực chống chạy đua vũ trang của Israel và đổi lại, Israel sẽ không tuyên bố hoặc thử vũ khí hạt nhân.

Israel đã không phải chờ đợi lâu cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên. Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 chứng kiến quân đội Arap đạt được lợi thế chiến lược bất ngờ, khiến các lực lượng mặt đất của Israel bị đánh tơi tả ở cả sa mạc Sinai và cao nguyên Golan. Vũ khí hạt nhân của Israel được đặt trong tình trạng báo động, được gắn vào tên lửa đất đối đất Jericho I và máy bay F-4 Phantoms. May thay, các biện pháp phòng ngự của Israel đã có thể xoay chuyển tình hình ở cả hai mặt trận và vũ khí tối thượng cuối cùng đã không được dùng đến.


Quân đội Israel tinh nhuệ, thiện chiến, được trang bị vũ khí hạt nhân; Nguồn: nationalinterest.org
Không có nhiều thông tin về vũ khí của Israel thời kỳ đầu, đặc biệt là về công suất và số lượng. Bối cảnh chiến lược ủng hộ quốc gia Do Thái - Israel có ưu thế hơn về vũ khí thông thường nhưng không có đối thủ hạt nhân; Israel có thể có vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn để tiêu diệt hàng loạt xe tăng tấn công, căn cứ quân sự và sân bay quân sự của Arap. Khoảng cách giữa Israel và các nước láng giềng tương đối ngắn, tên lửa Jericho chỉ với tầm bắn ba trăm dặm, vẫn có thể tấn công Cairo và Damascus từ sa mạc Negev.

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia thường đánh giá nước này hiện có khoảng tám mươi vũ khí hạt nhân, ít hơn các quốc gia như Pháp, Trung Quốc và Anh, nhưng vẫn là một con số đáng kể khi đối thủ của họ không có. Những vũ khí này của Israel tích hợp cho bộ ba hạt nhân của các lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân, đồn trú rải rác để tránh các đòn tấn công hạt nhân bất ngờ.

Vũ khí hạt nhân đầu tiên của Israel có khả năng là bom trọng lực được sử dụng từ máy bay chiến đấu. F-4 Phantom được cho là phương tiện hàng đầu sử dụng chúng của Không quân Israel, là một máy bay chiến đấu với hai động cơ khỏe. Một thế hệ bom hạt nhân trọng lực mới, nhỏ hơn có khả năng được trang bị cho máy bay chiến đấu F-15I và F-16I. Trong khi một số người cho rằng bom trọng lực đã lỗi thời trước những tiến bộ trong công nghệ tên lửa của Israel, máy bay có người lái có ưu thế là cho phép đòn tấn công hạt nhân có thể được hủy cho đến phút cuối cùng.


Hải quân Israel là một trong những thế lực đáng gờm ở Trung Đông; Nguồn: wikipedia.org
Vũ khí hạt nhân trên đất liền đầu tiên của Israel dựa trên tên lửa Jericho I được phát triển với sự hợp tác của Pháp. Jericho I được cho là đã bị loại biên và được thay thế bằng tên lửa đạn đạo Jericho II và III. Jericho II có tầm bắn 932 dặm, trong khi Jericho III có tầm bắn ít nhất 3.106 dặm, được thiết kế để kiềm chế Iran và các quốc gia xa có nguy cơ khác. Tổng số tên lửa đạn đạo của Israel không được công bố, nhưng theo ước tính của các chuyên gia, con số đó ít nhất là hai chục.

Giống như các quốc gia hạt nhân khác, Hải quân Israel được cho là đã tích hợp vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm - phương tiện cơ động và có khả năng sống sót cao nhất. Israel có năm tàu ngầm lớp Cá heo (Dolphin) do Đức chế tạo, mà các chuyên gia tin là được trang bị tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân dựa trên tên lửa không đối đất Popeye hoặc tên lửa chống tàu Gabriel.

Các tàu ngầm này đảm bảo “khả năng tấn công thứ hai”; khi một tàu ngầm đi tuần tra, một phần của lực lượng răn đe hạt nhân Israel vẫn bất khả xâm phạm trước một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên, đảm bảo khả năng tiến hành phản công trả đũa hạt nhân.

Việc thành lập bộ ba hạt nhân cho thấy Israel nghiêm túc thực hiện hóa thành công ý tưởng răn đe hạt nhân như thế nào. Nước này có thể sẽ không sớm tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân; sự mập mờ về vũ khí hạt nhân đã mang lại lợi thế cho họ.

Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (Joint Comprehensive Plan of Action) năm 2015 và sự bất ổn chung ở Trung Đông đã đảm bảo rằng Israel có thể sẽ vẫn là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất của khu vực trong tương lai gần, nhưng sự sụp đổ của thỏa thuận hoặc một số chương trình hạt nhân mới có thể dễ dàng thay đổi thực trạng đó. Trong khi đó, chính sách hạt nhân của Israel sẽ hầu như không có gì thay đổi./.

https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/nguyen-nhan-khien-ngay-ca-iran-cung-phai-e-de-israel-1055251.vov - theo vov.vn