Ngập úng do quy hoạch không bài bản, hạ tầng thoát nước lạc hậu

10:10 08-08-2024

VOV.VN - Các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập úng đô thị ở Hà Nội, trong đó công tác quy hoạch còn hạn chế, hệ thống thoát nước còn lạc hậu, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Nguyên nhân xảy ra ngập lụt khủng khiếp tại Hà Nội

Thời gian vừa qua tại Hà Nội tình trạng ngập úng đô thị, ngập lụt ngoại thành xuất hiện ngày càng nhiều và theo chiều hướng càng tăng về số điểm và mức độ nghiêm trọng hơn. Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, từ đầu năm 2024 đơn vị này khuyến cáo về 19 điểm úng ngập phát sinh trên địa bàn thành phố khi lượng mưa hơn 70mm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong thời gian vừa qua đã gây mưa lớn vượt xa mức dự báo. Tổng lượng mưa đo được từ đêm 23 đến trưa ngày 24/7 tại quận Hà Đông lên tới 300mm.

Địa bàn một số quận như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng hay các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Đông Anh, lượng mưa đều trên 200mm. Mưa lớn khiến nhiều khu đô thị như Dương Nội, Văn Quán, Văn Phú…gặp mưa lớn là ngập sâu 40-60cm. Các điểm ở Yên Xá, Triều Khúc, Văn Quán…ngập nặng. Một số hầm chui tại Đại lộ Thăng Long và khu vực ngã ba giao với đường Lê Trọng Tấn cũng bị nhấn chìm trong nước. Sau mưa, nước rút rất chậm, có nơi bị ngập tới 2-3 ngày.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, mưa lũ kéo dài nhiều ngày ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai đã khiến hai người tử vong do lũ cuốn trôi. Ngập lụt xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại về sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn.

 

Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ, hơn 720m chiều dài kênh mương bị hư hỏng; gần 4.700m đê bị ngập. Ở khu vực đê hữu Bùi, vị trí tường kè xã Tốt Động có hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè dài khoảng 200m; chiều dài đoạn đê qua xã Quảng Bị sạt lở 30m; đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao ngập sâu trong nước; 103 cầu, cống, đập trên địa bàn huyện bị hư hỏng. 

Mưa lũ khiến 19 thôn, xóm bị ngập; trên 1.200 hộ ảnh hưởng; trong đó trên 6.000 người cần cứu trợ và hơn 3.500 người phải sơ tán. Nhiều công trình trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng hứng chịu ngập lụt nặng nề gồm: 12 di tích, 9 nhà văn hóa, 3 trường học, một trạm y tế; hơn 2.000m tường bao bị đổ. Mưa lũ đã làm ảnh hưởng hơn 1.000ha lúa, 354ha rau màu, 243ha diện tích cây ăn quả, gần 1.600ha diện tích lúa, cá và thủy sản, gần 5.000 con gia súc và trên 208.000 con gia cầm...

 

Ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho biết: “Ngập lụt xảy ra ở ngoại thành Hà Nội là vấn đề không mới, chính tại khu vực này đã từng xảy ra ngập lụt lớn trong năm 2008, 2017, 2018. Nguyên nhân là do đặc thù địa hình nằm ở cạnh các con sông như sông Bùi, Tích, thấp trũng xen lẫn gò đồi, sườn núi. Trong khi đó, cao trình đê bên phía bờ hữu sông Bùi ở mức thấp, có chỗ chưa đầu tư nâng cấp đủ cao trình, khép kín nên thường xuyên xảy ra ngập lụt”.

Theo ông Trần Công Tuyên, nguyên nhân xảy ra ngập lụt vùng ngoại thành Hà Nội do từ ngày 22/7 đến hết tháng 31/7 là do khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa tại tỉnh Hòa Bình và Hà Nội lên đến 300-450mm, đặc biệt tại Xuân Mai, Chương Mỹ lên đến 743mm.

“Do mưa lớn trong khu vực và lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi, sông Tích lên rất nhanh. Ngày 24/7, trong vòng chưa đầy 12 giờ lũ sông Bùi lên đến gần 2m; lũ sông Bùi đạt đỉnh lúc 14h/28/7 là 7,43m (trên báo động 3 là 43cm), lũ sông Tích đạt đỉnh lúc 13h/24/7 là +8,33m (trên báo động 3 là 33cm). Đồng thời, do mực nước sông Đáy ở mức cao do mưa lớn tại lưu vực kéo dài nhiều ngày, khu vực nhập lưu từ sông Bùi vào sông Đáy có lòng dẫn co hẹp. Vì vậy việc tiêu thoát nước từ sông Bùi ra sông Đáy chậm, dẫn đến mực nước sông Tích, sông Bùi vượt mức báo động 3 dài ngày dẫn đến ngập lụt một số khu vực có địa hình trũng thấp phía bờ hữu sông Tích, sông Bùi…”, Trần Công Tuyên chia sẻ.

Hạ tầng thoát nước hiện nay lạc hậu, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập úng ở Hà Nội và một số đô thị lớn ở Việt Nam, trong đó nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan, mưa lớn đột ngột, kéo dài, diễn ra ngày càng nhiều, lượng mưa vượt quá tần suất thiết kế hệ thống thoát nước đô thị gây ngập úng.

“Tốc độ đô thị hóa nhanh làm tăng tỷ lệ bê tông hóa nên mặt đường, cống hóa kênh mương, nhiều đô thị san lấp các hồ chứa tự nhiên để phát triển nhà ở, dự án xây dựng làm giảm hệ số thấm tự nhiên. Tính đến tháng 9/2023 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 42,6% với 902 đô thị các loại. Trong khi hệ thống thoát nước của các đô thị đều được hình thành từ khá lâu, trải qua nhiều thời kỳ, dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng còn chắp vá, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Ví dụ như tại Hà Nội, theo quy hoạch, công suất thiết kế của hệ thống thoát nước là dưới 100 mm/2h, với các trận mưa to đến rất to (lượng mưa đến 150 ÷ 200 mm) sẽ xuất hiện các điểm úng”, ông Tạ Quang Vinh cho hay.

 

Về nguyên nhân chủ quan, theo Tạ Quang Vinh, quy hoạch và quản lý cao độ nền chưa được xem trọng, chất lượng còn thấp. Nhiều đô thị chưa có cao độ nền, chưa xác định được cốt khống chế toàn đô thị. Nhiều khu vực có cao độ xây dựng cao hơn cao độ khống chế gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực đó.

Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước ở các đô thị chủ yếu là hệ thống chung cho nước mưa và nước thải lại đa phần đã được xây dựng từ lâu nên thường hư hỏng, nhiều bùn, rác; việc kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và cũ, giữa hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống thủy lợi còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Chi phí xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cần có nguồn vốn lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế; tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết vấn đề về thoát nước chống ngập còn chậm. Ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước của cộng đồng chưa cao như xả rác thải xuống hồ điều hòa, mương thoát nước, lấp bịt ga thu nước diễn ra khá phổ biến.

Tại một số đô thị, thực tế đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên, một số nhà máy hoạt động chưa đạt công suất thiết kế do tỷ lệ đấu nối thoát nước từ các hộ gia đình còn thấp hoặc mạng lưới thu gom chưa được đầu tư đồng bộ (trung bình vận hành khoảng trên 50% công suất thiết kế). Mạng lưới tiêu thoát nước mưa, nước thải tại các đô thị còn thiếu, tiết diện cống nhỏ, xây dựng không đồng bộ, một số tuyến cống xuống cấp và hư hỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước thực tế.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam cho rằng: “Hiện nay công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước ở Hà Nội còn lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị nên việc thường xuyên xảy ra úng ngập là điều dễ hiểu nhất là khi những trận mưa lớn bất thường xảy ra”.

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, hiện nay tạm chia úng ngập ở Hà Nội thành 3 khu vực: Khu 1 là 4 quận nội thành, sau nhiều nỗ lực hiện nay đã được cải thiện rất nhiều. Đợt úng ngập gần đây chủ yếu xảy ra ở khu vực thứ 2 là các khu đô thị mở rộng, các khu này mở rộng rất nhanh nhưng hạ tầng thoát nước không được kết nối với nhau, không theo kịp sự phát triển. Khu thứ 3 là ở các huyện ngoại thành, chủ yếu liên quan đến hệ thống đê điều ngăn lũ, thủy lợi không tiêu thoát kịp. Ngoài 3 vùng này ra có một số điểm úng ngập cục bộ, do điểm trũng, không kết nối tốt, hiện nay đang được TP Hà Nội khắc phục nhanh trong thời gian tới.

Nguyên nhân chính xảy ra ngập úng tại quận Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm là do mưa lớn trong khi tốc độ đô thị hóa lại rất nhanh nhưng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước chủ yếu bằng phương pháp tự chảy, các trạm bơm đầu mối, các hồ điều hòa chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Vì vậy việc tiêu thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tiêu thoát nước của sông Nhuệ, Cầu Bây.

Khu vực ngoại thành ở phía Nam và Tây Nam TP. Hà Nội nằm ở lưu vực hữu Nhuệ, chủ yếu thoát nước phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ và Trạm tiêu thoát nước Yên Nghĩa để thoát ra sông Đáy. Do mực nước sông Nhuệ và sông Đáy vừa rồi lên cao nên tại khu vực Hà Đông xảy ra ngập úng. Trong khi trạm bơm Yên Nghĩa đã xây dựng xong nhưng do kênh dẫn và hồ điều hòa chưa hoàn thành nên việc hạ mực nước của sông Nhuệ rất chậm. Hệ thống thoát nước từ Đại lộ Thăng Long ra kênh Đào Nguyên thoát ra sông Đáy chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch dẫn đến ngập úng ở một số nơi trên trục đường này.

Hà Nội mất 80% diện tích mặt nước trong 50 năm qua

GS.TS Nguyễn Việt Anh khẳng định, hiện nay TP Hà Nội chưa kiểm soát được cốt san nền: “Cứ nhà xây sau lại muốn cao hơn nhà xây trước. Lẽ ra nước chảy từ trên xuống dưới thì gặp nền cao hơn nên tạo ra vùng trũng bị úng ngập cục bộ. Ao hồ bị san lấp rất nhiều, theo nghiên cứu của Đại học Xây dựng và các đối tác, trong 50 năm vừa qua chúng ta đã mất 80% diện tích mặt nước. Hiện nay diện tích mặt nước của Hà Nội chỉ đáp ứng 2% tổng diện tích của thành phố nên việc chứa nước khi mưa lớn bị hạn chế theo.

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, hiện nay các khu đô thị chưa có hạ tầng đáp ứng đồng bộ, kịp thời. Các công trình đầu mối lớn chưa được thực thi đồng bộ… Trong khi bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh và khốc liệt, tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt như hiện nay, tình trạng ngập lụt sẽ vẫn còn tiếp diễn ở Hà Nội trong thời gian tới.

GS.TS Trần Đức Hạ - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng: “Hà Nội chuẩn bị ứng phó với những trận mưa lũ lớn chưa tốt, cụ thể như như công tác nạo vét sông, tiêu thoát nước của Hà Nội chưa kịp thời. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa hợp lý và có nhiều bất cập. Năng lực thoát nước nhiều nơi chưa đảm bảo”.

Theo đại diện Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ngập úng hiện nay ở Hà Nội và một số nơi là do việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch chưa tính toán thật sát với tốc độ phát triển đô thị: “Trước đây quy hoạch của chúng ta chưa được làm bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Quy hoạch của chúng ta chủ yếu làm về quy hoạch phát triển đô thị, các hạ tầng dịch vụ, dân cư nhưng chúng ta chưa tính thật sâu, thật sát đến định hướng lâu dài. Chúng ta phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, trong đó đề nghị nâng cấp hệ thống thoát nước của các đô thị”.

https://vov.vn/xa-hoi/ngap-ung-do-quy-hoach-khong-bai-ban-ha-tang-thoat-nuoc-lac-hau-post1112952.vov - theo vov.vn