Ký ức của những học sinh miền Nam trên đất Bắc

10:02 22-07-2024

VOV.VN - Hơn 70 năm trôi qua, ký ức của những học sinh miền Nam ra Bắc học tập những ngày cuối năm 1954, đầu năm 1955 vẫn còn vẹn nguyên với nhiều người. Trải qua những ngày tháng không quên đó, có những người từ xa lạ trở nên thân thiết.

Quen với việc xa gia đình

Bà Lê Thị Thịnh, 83 tuổi, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Khai Nguyên (Quận 5) nhớ lại, ngày lên tàu ra bắc học, lúc đó bà còn quá nhỏ để có thể nhớ hết. Nhưng với một người con sinh ra trong một gia đình cách mạng, nhiều lần theo cha nay đây mai đó, nên bà có phần vô tư hơn. Bà chỉ nhớ khi lên tàu, mình không hề bị say sóng, còn chọc ghẹo người này người kia.

Khi tập kết ra Bắc, sau đó học trường Học sinh miền Nam số 4, bà Thịnh đi Trung Quốc học khoảng vài năm rồi lại về lại học ở trường miền Nam số 13, sau đó lên Hà Nội vào Đại học.

“Nhớ lại lúc học khi đó, tôi chắc còn ấn tượng đẹp là các thầy cô dạy rất nhiệt tình, chăm sóc rất chu đáo từ việc ăn uống. Cho đến bây giờ cũng thầm cảm ơn sự chăm sóc và dạy dỗ của các thầy cô ở trường 13, bởi lúc đó chúng tôi còn chưa lớn, được chăm sóc dạy dỗ cho đến khi bắt đầu hoạt động nhiều”, bà Thịnh kể.

Trong câu chuyện kể, bà Thịnh nói vui: cuộc đời bà gần như "nhiễm" lý tưởng cách mạng sâu sắc, luôn yêu thương đồng chí đồng đội. Bà Thịnh nhớ lại, trong bữa cơm trưa ở Đại học, lúc đó thầy Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Hà Nội có nói: miền Nam đang cần chúng ta, chẳng ai nói ai, mọi người rần rần giơ tay tham gia hết.

Năm 1965, bà Thịnh quay trở về miền Nam phục vụ kháng chiến, hành trang là những điều được giáo dục từ các thầy cô miền Bắc trong 10 năm để đóng góp cho cuộc chiến của dân tộc.

“Không hiểu tại sao các thầy cô miền Bắc lại lại truyền cảm hứng cách mạng cho mình sâu sắc đến như thế, lúc đó bỏ cả người yêu để đi. Khi về giới thiệu người yêu cho ba, ba tôi có hỏi là con có cần thiết phải đi không. Tôi trả lời là đi, còn chuyện đó nếu anh còn yêu con thì đợi con về cũng chưa muộn”, bà Thịnh bày tỏ.

Còn bà Diệp Ngọc Sương, nguyên làm nghiên cứu viên chính trung tâm phân tích thí nghiệm Sở khoa học công nghệ môi trường TP.HCM (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) kể, trước đó gia đình bà thuộc thành phần trí thức, ba là luật sư, mẹ là kỹ sư, đều là công chức thời Pháp thuộc. Tuy nhiên bố của bà Sương dấn thân đi theo cách mạng. Từ năm 1950, bà Sương theo cha và gia đình vào chiến khu, nơi "rừng thiêng nước độc". Sau đó vài năm bà Sương được bà nội đón về, đến năm 1954 lại xuống Cà Mau.

Trong ký ức của bà Sương, khi đó vào khoảng tháng 9/1954, bà cùng gia đình ra đến bến Chắc Băng lên tàu đi ra miền Bắc, khi đó trẻ em được tách đoàn đi với thiếu nhi, ba mẹ đi riêng. Lúc bấy giờ bao nhiêu cái mới dồn dập đến với bà, nhưng vốn là đứa trẻ quen với việc xa gia đình nhiều lần nên chuyện hoà nhập không quá khó khăn. 

Lúc cập bến ở Thanh Hoá, bà Sương nhớ lại, lần đầu tiên đi xa, phải di chuyển từ tàu lớn xuống các tàu nhỏ, mọi người xung quanh đều lạ lẫm. Giữa thời tiết lạnh, ai cũng được phát cho bộ quần áo ấm để mặc.

“Lúc đến mọi thứ đều ngơ ngác, chỉ thấy rằng, người dân rồi thiếu nhi đứng hai bên hoan hô, tiếp đón vui vẻ, tất cả những điều đó đều lạ lẫm với mình. Nhưng mình cảm thấy nó gần gũi, dù tiếng nói người dân Thanh Hoá lúc đó họ nói mình không hiểu gì, nhưng chỉ vài ngày sau là biết hết.”, bà Sương nói.

Bà Sương ở Thanh Hoá khoảng 2-3 tháng ở trường Thống Nhất số 2, ấn tượng là khi vào lớp học, thầy giáo là người Nghệ An, mãi đến vài tuần sau, bà mới nghe hiểu được lời thầy giảng bài.

Sau đó giữa năm 1955, bà được đưa ra khu Giảng Võ (Hà Nội) ở nhà dân. Khoảng 1 tháng lại về Thượng Cát, Đan Phượng vào học trường Học sinh miền Nam số 4: “Ở đó chỉ nhớ là mùa hè nóng bức, thế là từng nhóm trẻ con rủ nhau chạy qua bãi ngô, bãi sông Hồng rồi ra sông tắm, có những hôm cũng chới với, nhưng có người vớt, mà không sợ gì cả.”

Trong ký ức của bà Sương, hồi đó được vô Đội Thiếu niên Tiền phong cực kỳ khắt khe và ai được vào Đội đều cảm thấy vinh dự lắm. Khi đó, có những ngày chạy máy bay, chạy giặc còn nhiều hơn cả thời gian học.

Đến khoảng tháng 9 năm 1955 bà Sương về Hải Phòng, theo học trường số 4, học lớp 4, sau đó  từ 1956-1959 học trường số 6 và 1959-1962 học cấp 3 trường số 8.

Học xong cấp 3, bà về học Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi tốt nghiệp bà được ra nước ngoài học tập và trở về miền Nam công tác, làm giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM, rồi làm việc ở Sở Khoa học Công nghệ Môi trường (nay là sở Khoa học và Công nghệ).

Những năm tháng xa gia đình, bên cạnh là những người bạn học sinh miền Nam, tình cảm giữa bạn bè với nhau càng trở nên gắn kết.

“Buồn vui hay có việc gì chúng tôi đều tâm sự, trao đổi, cũng có nhóm bạn thân, bạn tri kỷ. Cuộc sống thời đó đã xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, sống vì mọi người. Ba má tôi thì ra ngoài Bắc hết nên thường chia sẻ với những bạn ra Bắc một mình”, bà Sương cho hay.

Tất cả vì miền Nam

Nhiều con em học sinh miền Nam lúc bấy giờ, có những người lần đầu tiên xa gia đình nên không tránh khỏi nỗi nhớ nhà và niềm xúc động trên những chuyến tàu năm đó.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhớ lại: “Trên sông Ông Đốc, lúc tôi đi ngang nhà, tôi nghe tiếng gà gáy, tiếng chày giã gạo của quê mà nhớ má, tôi đứng khóc một mình, nước mắt chảy giàn giụa mà đâu dám nói với ai là nhớ má quá.”

Xa mẹ, xa em đến tận 2 năm, bà Thu lúc đó chỉ mong quãng thời gian này trôi qua thật nhanh.

Tàu cập bến ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) phải mất đến 2-3 ngày sau bà Thu mới khỏi cơn say sóng. Những ngày đầu mới ra ở Thanh Hoá, bà Thu vẫn nhớ đó là khoảng thời gian đầy khó khăn của người dân, thế nhưng bà và những học sinh miền Nam khác vẫn được lo cho ăn uống đầy đủ.

“Trước khi mình ăn cơm, họ cho con họ đi chơi. Lúc đó mình ăn còn không đủ, nhưng ở nhà dân nên mình ăn cơm cũng để lại chút cho con họ ăn. Còn người lớn họ ăn khoai nó trước rồi ăn chút cơm độn với bắp. Lúc bấy giờ nghèo lắm nhưng nhân dân Thanh Hoá họ vẫn cố nuôi mình”, bà Thu chia sẻ.

Sau đó một thời gian ngắn, bà được đưa ra Hà Nội theo học trường Học sinh miền Nam tại Hà Đông, rồi về Hải Phòng học trường Học sinh miền Nam số 4. Khi đó, mỗi năm một học sinh được phát 2 bộ đồ, gồm quần đen hoặc quần xanh, áo trắng. Ở Hải Phòng lúc bấy giờ, cuộc sống của học sinh miền Nam được chăm lo kỹ, từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành.

Lời hẹn 2 năm quay trở lại kéo dài đến tận 10 năm sau, những cái Tết là khoảng thời gian mà bà Thu nhớ nhà da diết vì xa mẹ và em lâu đến thế: “Tết mà không về nhà mà ở lại tại trường, trường cũng lo kỹ cho mình. Sáng thì báo các cô cắt cơm đi coi phim, về ăn phở, ăn chè, ăn thạch, đi ngủ với nhau. Tối về mới cảm thấy buồn”.

Bên cạnh việc học, bà còn tham gia đi cấy, đi gặt, đi cạo mặn, đi dạy xoá mù chữ và cả những buổi đi biểu tình khi biết tin có những cuộc đàn áp nhân dân miền Nam. Tối đến, ai cũng lo lắng vì không biết người thân, gia đình của mình ra sao.

“Ban đêm nghĩ không biết trong đó có cha có mẹ, có bà con dòng họ của mình hay không, nhớ, buồn! Có những người được tin ba má trong này hy sinh, họ khóc, mình thấy các bạn buồn nên cũng khóc theo”, bà Thu kể lại.

Ở trường, thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai. Trên lớp, học sinh lúc bấy giờ được tận tình chỉ bảo không quản ngày đêm, ai không hiểu bài sẽ được thầy cô giảng đến khi hiểu được mới thôi. Buổi tối các thầy cô đi kiểm tra, nhắc nhở học sinh ngủ riêng, tránh truyền bệnh cho nhau, lưu ý mắc màn cẩn thận để không bị muỗi cắn.  

Trong ký ức của bà Thu, cô Thuần dạy Địa lý, thầy Tự, thầy Võ Ký dạy Trung văn, thầy Giảng,...là những cái tên mà bà Thu sẽ không bao giờ quên được: "Nhớ một lần, sau khi ăn cơm, học sinh của trường trúng độc, ông Đỗ Mười khi đó là Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã chỉ đạo cho bệnh viện Việt Tiệp bằng mọi giá phải cứu được học sinh miền Nam, không để người nào chết. Sau đó toàn bộ học sinh đã cứu được.”

Và kỷ niệm nhớ nhất là lần bà được gặp Bác Hồ tại Hội trường Đại học Sư phạm tháng 10/1964. Khi đó bà lại một trong 6 người được chọn để tặng hoa cho Bác. Bà được phân công đứng hàng đầu tặng hoa. 

“Hồi đó Bác Hồ hỏi tôi là phải học sinh miền Nam không, tôi dạ, Bác nói với tôi, học sinh miền Nam phải ráng học để sau này về dạy con em học sinh miền Nam”, bà Thu nhớ lại.

Cũng chính từ lời dặn đó, mà sau khi tốt nghiệp Đại học, bà Thu liền quay trở về miền Nam để chiến đấu, góp sức mình vào công cuộc thống nhất đất nước.

Gặp nhau từ những ngày chưa tròn 10 tuổi ở trường thiếu sinh quân Trần Quốc Toản ở Cà Mau, cùng được giáo dục ở trường Học sinh miền Nam, bà Thu, bà Thịnh và và Sương không ngờ rằng, hơn 70 năm trôi qua, sau rất nhiều khó khăn, biến động, họ vẫn còn được ngồi bên nhau như lúc này. Lật cuốn sách kỷ niệm về trường học sinh miền Nam, bà Thu vẫn còn nhận ra những người thầy cô đã từng dạy mình, bộ trang phục mà mình từng mặc lúc bấy giờ. Ở họ bây giờ không chỉ là những người bạn, mà còn là những người chị em ruột thịt. Và hơn hết, họ đã chọn trở về miền Nam để đóng góp cho quê hương, đất nước.

“Chúng tôi vô cùng tự hào, chúng tôi đã sống qua một giai đoạn lịch sử hào hùng, đầy biến động đầy khó khăn nhưng đầy niềm tin. Và chúng tôi cũng rất trưởng thành, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phải đi lên, sống tốt và phục vụ đất nước”, bà Diệp Ngọc Sương nói.

https://vov.vn/xa-hoi/ky-uc-cua-nhung-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-post1109252.vov - theo vov.vn