Kịch bản tranh cử 2020 của Trump trước những thách thức chồng chất

10:49 08-06-2020

VOV.VN - 5 tháng trước cuộc bầu cử, ông Trump phải đối mặt với nhiều thách thức nhất đối với một Tổng thống đương nhiệm đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ 2.

Một nền kinh tế đang suy sụp. Hơn 100.000 người chết vì Covid-19. Các cuộc biểu tình, bạo loạn trên khắp đất nước. Tỷ lệ phản đối ở cuối nhiệm kỳ đầu tiên cũng ở mức cao hơn so với bất cứ người tiền nhiệm nào kể từ sau Thế chiến 2. Tổng thống Trump đang ở vào một tình thế khó khăn chưa từng thấy trong bối cảnh ông đang chạy đua để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.


Ông Trump phải đối mặt với nhiều thách thức nhất đối với một Tổng thống đương nhiệm đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ 2. Ảnh: Business Insider
Ông Trump được đánh giá là ít có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, nhưng đã “lách qua khe cửa hẹp” một cách ngoạn mục và đánh bại đối thủ “đáng gờm” dù thua tới gần 2 triệu phiếu phổ thông.

Tuy nhiên, tình thế hiện nay của nước Mỹ cho thấy ông Trump sẽ khó có cơ hội giành đa số trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Ở những bang màu xanh chủ chốt (ủng hộ đảng Dân chủ) như California và New York, ông có thể thua nặng nề hơn. Trên thực tế, ông cũng có thể mất tới 4-5 triệu phiếu ủng hộ.

Tiếp tục chiến lược 2016

Để giành chiến thắng lần thứ 2, ông sẽ tiếp tục chiến lược như đã từng áp dụng năm 2016: thu hút sự ủng hộ của đa số cử tri da trắng (ước tính chiếm tới 2/3 số phiếu trong cuộc bầu cử năm này) - những người đang lo ngại về sự chia rẽ của nước Mỹ, đồng thời tìm cách ngăn cử tri bỏ phiếu cho đối thủ của mình.

Năm 2016, chiến lược kết hợp giữa chỉ trích đối thủ và những quan điểm bảo thủ về chính sách xã hội đã giúp ông Trump thu hút được 46% cử tri Mỹ. Ông chiến thắng nhờ việc tập trung vào các cử tri da trắng thuộc tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động.

Sự công kích gay gắt, trực diện của ông Trump nhằm vào đối thủ Hillary Clinton cũng đã khiến các cử tri có xu hướng ủng hộ cựu Ngoại trưởng này không bỏ phiếu hoặc thay đổi quyết định.

Đối với toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống, các chiến lược vận động và thông điệp của ông Trump luôn pha trộn giữa kiểu “tìm con dê tế thần” và “chuyển hướng chỉ trích”. Ông chưa bao giờ bỏ qua cơ hội nắm bắt những sự kiện bất ngờ để áp dụng chiến lược này.


Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump thường công kích trực diện đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: The Atlantic
Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần chiến lược

Ông Trump có lẽ đã đúng rằng cách tiếp cận lưỡng đảng “cam kết và thích nghi” đối với Trung Quốc không mang lại kết quả như mong muốn. Chính người tiền nhiệm Obama cũng từng xa rời chiến lược này với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Trump đã đưa nó đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Trung Quốc luôn đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động vì nó tạo sự khác biệt giữa ông Trump với đối thủ Joe Biden và đảng Dân chủ về cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc.

Nguồn gốc của Covid-19, cộng với luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong đã đem lại một cơ hội “hoàn hảo” để ông Trump tiếp tục sử dụng chiến lược này. Ông đã lựa chọn cắt đứt quan hệ với WHO và cho rằng tổ chức này là “con rối” của Trung Quốc. Tổng thống đương nhiệm của Mỹ thậm chí còn nói rằng nếu không có Trung Quốc, Mỹ sẽ luôn được tận hưởng nền kinh tế lớn nhất của mình.

Đánh lạc hướng bằng “luật và sắc lệnh”

Ở mặt trận trong nước, Trump rơi vào “cuộc chiến” với Twitter khi mạng xã hội này tìm cách gắn cờ các tweet được cho là mang tính cực đoan của ông Trump liên quan tới các cuộc biểu tình quy mô lớn ở các thành phố cũng như những bất ổn liên quan đến sự việc người đàn ông da đen George Floyd không mang vũ khí chết trong tay của nhân viên cảnh sát da trắng ở Minnespolis.

Nếu cuộc bầu cử trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về cách chính quyền Trump đối phó với đại dịch Covid-19, rất có thể ông sẽ thua cuộc. Ông cũng sẽ không thể chấp nhận để George Floyd trở thành một vấn đề bầu cử bất lợi đối với ông.

Vì vậy, ông đã tìm cách chuyển câu chuyện kể từ quyền dân sự sang “luật pháp và sắc lệnh” [nhằm vào mạng xã hội-ND].

Nếu chúng ta có học được bất cứ điều gì trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, thì đó là những người ủng hộ nhiệt tình nhất sẽ luôn trung thành với ông, và thậm chí ông còn nhận được thêm sự ủng hộ từ những cử tri khác.

“Triệt tiêu” phiếu bầu của đối thủ

Trong khi Trump đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đối thủ của ông lại có vẻ như đang thắng thế. Trong 3 tháng khó khăn vừa qua, Joe Biden có rất ít cơ hội để xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo. Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ nói chung và các con số thăm dò dư luận đều có lợi cho cựu Phó Tổng thống Mỹ.


Tỷ lệ ủng hộ nói chung và các con số thăm dò dư luận đều có lợi cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times
Để đảm bảo chiến thắng, ông Trump cần tìm cách để càng ít người bỏ phiếu cho Biden càng tốt. Có 2 cách để làm điều này.

Thứ nhất, tấn công Joe Biden một cách dữ dội để những cử tri lưỡng lự hoặc những người có xu hướng bỏ phiếu cho Biden quyết định không bỏ phiếu vào phút chót.

Thứ hai, gây khó khăn cho những người muốn bỏ phiếu cho Biden. Ở khía cạnh này sẽ “cuộc chiến” bỏ phiếu qua thư.

“Chúng tôi không muốn bất cứ ai bỏ phiếu qua thư”, Tổng thống Trump đã tuyên bố như vậy hồi tháng 5.

Nói chung, hai nhóm nhân khẩu học bỏ phiếu qua thư ít nhất theo yêu cầu hiện có ở nhiều bang trước khi cử tri có thể nhận được phiếu bầu vắng mặt là các cử tri trẻ và người Mỹ gốc Phi - những người có xu hướng chờ đến ngày bầu cử mới đi bỏ phiếu nếu họ quyết định có bỏ phiếu. Và nếu quyết định có bỏ phiếu, hai khối cử tri này thường ủng hộ đảng Dân chủ.

Nếu các bang tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận phiếu bầu vắng mặt, như bằng cách chủ động gửi chúng tới tất cả các cử tri, điều này sẽ gia tăng cách biệt cho chiến thắng của ông Biden bởi nó sẽ làm gia tăng số cử tri trẻ và người Mỹ gốc Phi có bỏ phiếu.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ và đảng Cộng hòa cho rằng cần có các biện pháp chống gian lận khi tiến hành bỏ phiếu qua thư, bao gồm cả việc các lá phiếu được gửi cho những người đã qua đời hoặc những người đã chuyển đi nơi khác.

Lịch sử cho thấy Trump sẽ khó tái đắc cử

Với một đại dịch toàn cầu, nền kinh tế suy giảm và bất ổn dân sự, ông Trump là Tổng thống đương nhiệm phải đối mặt với nhiều thách thức nhất ở thời điểm cuối nhiệm kỳ thứ nhất và đang chạy đua để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Lịch sử cho thấy, chưa có đảng (của tổng thống) đương nhiệm nào có thể vượt qua một trong số những thách thức kể trên.

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1918, năm xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha, đảng thiểu số tại Thượng viện, lúc này là Cộng hòa, đã có thêm 6 ghế và giành lại thế đa số từ tay Dân chủ.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên trong thời kỳ Đại Suy thoái năm 1932, đảng Dân chủ giành lại được cả Nhà Trắng và Thượng viện từ tay đảng Cộng hòa.

Năm 1968, cuộc bầu cử gần đây nhất chứng kiến sự bất ổn dân sự, đảng Cộng hòa đã thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Năm 2020 kết hợp cả 3 thách thức kể trên. Chưa có tiền lệ nào có thể nói trước về khả năng tái đắc cử của ông Trump.

Kịch bản “Lyndon Johnson 1968”?

Dù rất khó có khả năng xảy ra, nhưng có lẽ lợi ích khách quan tốt nhất của ông Trump là không tranh cử nhiệm kỳ 2 và để Mike Pence trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa.


Tháng 3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ 2. Ảnh: Youtube
Năm 1968, Tổng thống Lyndon Baines Johnson (đảng Dân chủ) sắp kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình và đang cân nhắc việc tranh cử nhiệm kỳ 2. Nước Mỹ lúc đó đang sa lầy vào Chiến tranh Việt Nam và làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh bùng phát trong nước. Johnson đã gây bất ngờ cho nước Mỹ khi tuyên bố ông sẽ không tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong một phát biểu từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Johnson nói rằng ông không muốn để nhiệm kỳ tổng thống bị kéo vào những chia rẽ đảng phái của đất nước.

“Với những người con của nước Mỹ đang ở các chiến trường xa xôi, với tương lai của nước Mỹ đang bị thách thức ngay tại chính nước nhà, với các hy vọng về hòa bình của chúng ta cũng như của thế giới, tôi không tin rằng tôi nên cống hiến thêm một giờ hay một ngày nào trong đời mình cho bất cứ nguyên nhân đảng phái cá nhân nào hay cho bất cứ nhiệm vụ nào ngoài những nhiệm vụ quan trọng của văn phòng này – tổng thống của đất nước”.

Cuộc bầu cử tổng thống năm đó là cuộc đua giữa cấp phó của Johnson, Hubert Humphrey và Richard Nixon.

Mặc dù đảng Dân chủ của tổng thống đương nhiệm phải đối mặt với làn sóng phản đối Chiến tranh Việt Nam và tình hình bất ổn dân sự trong nước, nhưng ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon chỉ thắng cách biệt 0,7% so với đối thủ Hubert Humphrey.

Nói một cách khách quan, Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence có cơ hội chiến thắng tốt hơn ông Trump vào tháng 11 tới. Pence có lợi thế ưu thế từ cả những thành viên Cộng hòa ủng hộ các chính sách của Trump cộng với những “vốn liếng” riêng xây dựng được trong 3,5 năm qua.

Nếu để Pence thay thế, ông Trump sẽ được bảo vệ trước việc đảng Dân chủ đang tiến hành điều tra quy mô lớn về thời gian cầm quyền của ông nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Chiến lược này nghe thì hoàn toàn logic, nhưng lại ít có khả năng được áp dụng với một người có tính cách như ông Trump. Dù vậy, ông Trump là người khó đoán, và thường khiến người ta bất ngờ. Hơn nữa, bây giờ là thời thời điểm của năm 2020, một năm với khủng hoảng kép, những thách thức lớn chưa từng có tiền lệ đối với một tổng thống đương nhiệm đang muốn tranh cử thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/kich-ban-tranh-cu-2020-cua-trump-truoc-nhung-thach-thuc-chong-chat-1056977.vov - theo vov.vn