Đằng sau Covid-19 và biểu tình: “Căn bệnh kinh niên” của xã hội Mỹ

09:27 11-06-2020

VOV.VN-Sự chia rẽ sâu sắc về sắc tộc như một vết rạn hằn sâu trong lòng nước Mỹ, xuất phát từ sự bất bình đẳng dai dẳng về kinh tế trong suốt chiều dài lịch sử.

Bất bình đẳng - “Căn bệnh kinh niên” của xã hội Mỹ

Cái chết của người đàn ông da đen George Floyd hay những cuộc biểu tình lan tới từng thành phố nhỏ của Mỹ không phải là điều chúng ta chưa từng chứng kiến. Những chia rẽ về sắc tộc, màu da đã sục sôi trong xã hội nước này từ những cuộc biểu tình ở Detroit năm 1967 cho tới Los Angeles năm 1992 hay cái chết của Michael Brown ở Ferguson, Missouri năm 2014.


Biểu tình vụ George Floyd ở Mỹ với thông điệp "I can't breathe" (Tôi không thở được). Ảnh: Reuters
Sau những cuộc biểu tình bao giờ cũng là những hứa hẹn về sự thay đổi nhưng trên thực tế, bất chấp những lời cam kết và những kỳ vọng, những cải thiện về kinh tế đối với người Mỹ gốc Phi vẫn diễn ra rất chậm.

Các cuộc biểu tình hiện nay sau cái chết của George Floyd tiếp tục hướng tới nỗ lực cải tổ lực lượng cảnh sát cũng như mở rộng cơ hội về kinh tế cho người Mỹ da đen, những người đang bị bỏ lại phía sau ở quốc gia thuộc hàng phát triển và thịnh vượng nhất thế giới.

Người Mỹ gốc Phi ngày nay vẫn chỉ kiếm được chưa tới 60 cent so với 1 USD mà người da trắng kiếm được (1 USD=100 cent). Số người da đen sống trong cảnh đói nghèo gấp đôi số người da trắng và trong số họ, có cả những người vẫn phải sống trong những ngôi nhà từ thời Richard Nixon còn là Tổng thống.

Trên thực tế, những cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd không chỉ thể hiện sự phẫn nộ với hành động thô bạo của cảnh sát mà còn phơi bày thực tế bất bình đẳng về sắc tộc mà nguyên nhân sâu xa là sự bất bình đẳng về kinh tế. Đặc biệt khi tình trạng bất ổn trên diễn ra trùng với thời điểm của cuộc khủng hoảng kép y tế và kinh tế, việc này đã vô tình thổi bùng lên sự giận dữ và tuyệt vọng vốn vẫn âm ỉ trong xã hội Mỹ.

"Chúng ta đã rơi vào một cơn bão tồi tệ. Covid-19 đã gây ra sự tàn phá về kinh tế", đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi, Cecelia Rouse, giáo sư về kinh tế và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton nhận định.

Những người Mỹ gốc Phi dễ tử vong vì Covid-19 hơn người da trắng. Họ làm những công việc được trả lương thấp nhưng ngay cả những công việc đó cũng không còn nữa sau khi các nhà hàng, rạp chiếu phim, sân bay, khách sạn đóng cửa do tác động của đại dịch.

"Chúng tôi bị đại dịch gạt ra rìa", Imani Fox - một thành viên trong nhóm cộng đồng ONE DC ở Washington nhận định.

Hoặc khi có công việc, những người lao động da màu cũng là đối tượng được thuê nhiều hơn để làm những việc có nguy cơ cao tiếp xúc với dịch bệnh tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng takeaway (mang đồ ăn đi).

"Mọi người đều vô cùng giận dữ. Chúng ta không thể là quốc gia giàu có nhất hay tuyên bố rằng mình là quốc gia giàu có nhất thế giới khi vẫn còn tồn tại nhiều cách biệt và sự bất bình đẳng về sắc tộc lớn như vậy", Monica Lewis-Patrick, chủ tịch một nhóm cộng đồng ở Detroit bày tỏ.

Rouse đã cho biết bà đã đọc lại một số phần trong báo cáo của Ủy ban Kerner (Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Mất trật tự dân sự) năm 1968 nhằm kêu gọi cải cách trước tình trạng bất ổn ở đô thị vào cuối những năm 1960 và sau đó phải đặt câu hỏi rằng: "Thật tuyệt vọng. Điều gì đã thay đổi?"

Mặc dù một tháng sau báo cáo Kerner, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật chống phân biệt đối xử về nhà ở, song khi đánh giá về đạo luật này cách đây 2 năm, Margery Turner thuộc Viện nghiên cứu đô thị nhận định rằng, người Mỹ gốc Phi và những cộng đồng thiểu số khác vẫn đang tiếp tục đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử mặc dù các hình thức phân biệt "trắng trợn nhất" đã giảm bớt.

"Chúng ta vẫn sống trong những khu dân cư có sự phân biệt lớn", Margery Turner viết, đồng thời nêu ra rằng 1 người Mỹ da trắng điển hình thường sống ở khu dân cư mà 75% là người da trắng và 8% là người Mỹ gốc Phi trong khi 1 người da đen điển hình sống ở khu dân cư mà 35% là người da trắng và 45% là người da đen.

"Khi có biến cố nào đó xảy ra với tất cả người lao động Mỹ, sự việc đó sẽ tác động một cách không cân xứng với người Mỹ gốc Phi, những người vốn thường là đối tượng dễ ảnh hưởng nhất trong nền kinh tế", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New Jersey Cory Booker nhận định.
Những khoảng cách khó thu hẹp

Những cuộc biểu tình vẫn nổ ra vào một thời điểm nào đó nhưng sự thay đổi lớn thì vẫn chưa diễn ra, ít nhất là trong khoảng cách về kinh tế giữa người da đen và người da trắng ở Mỹ.

Về thu nhập, mặc dù thu nhập trung bình của các hộ gia đình người da đen tăng lên từ năm 1968 - 2018 nhưng nếu so với người da trắng, sự chênh lệch có thể thấy rõ. Khoảng cách về thu nhập vẫn rất lớn mặc dù trình độ giáo dục của người Mỹ gốc Phi đã được nâng cao.

Tỷ lệ người Mỹ da đen nhận được bằng tốt nghiệp THPT tăng từ 54% năm 1968 lên 92% năm 2018. Tuy nhiên, số người da đen sống trong cảnh đói nghèo vẫn nhiều gấp đôi số người da trắng. Tỷ lệ đói nghèo ở bộ phận người da đen tại Mỹ giảm từ 55% năm 1959 xuống 35% năm 1968 và còn 21% năm 2018, trong khi tỷ lệ đối nghèo ở người da trắng chỉ khoảng 10%.

Về nghề nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc phi cũng cao gấp đôi tỷ lệ này ở người da trắng. Ngày 5/6, báo cáo nghề nghiệp ở Mỹ cho thấy, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 đã giảm xuống còn 13,3% so với con số 14,7% vào tháng trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc Phi lại tăng từ 16,7% lên 16,8%, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Sự kết hợp của tình trạng thất nghiệp, dịch Covid-19, tình trạng bất ổn xã hội có nguy cơ khiến những chia rẽ về sắc tộc ở Mỹ ngày càng sâu sắc. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã nhận định rằng, cái chết của ông George Floyd chỉ là một trong "nhiều chương của một cuốn sách. Tiêu đề của cuốn sách ấy vẫn tiếp tục là sự bất công và bất bình đẳng ở Mỹ”. Cách duy nhất để chấm dứt câu chuyện trên là thừa nhận rằng sự bất bình đẳng về kinh tế và sắc tộc có liên hệ sâu sắc với nhau, đồng thời tìm cách giải quyết những bất ổn xã hội trên từ những nguyên nhân gốc rễ của chúng./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-covid19-va-bieu-tinh-can-benh-kinh-nien-cua-xa-hoi-my-1058215.vov - theo vov.vn