Đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ Latin, thế giới bị “khuất tầm nhìn“

08:47 14-05-2020

VOV.VN - Khi dịch Covid-19 bắt đầu hạ nhiệt ở New York và các thủ đô ở châu Âu, thì làn sóng “hủy diệt” và tồi tệ nhất lại tấn công các thành phố ở Mỹ Latin.

Số ca tử vong ở Lima (Peru) tăng gấp đôi, không hề kém tháng tồi tệ nhất của dịch Covid-19 ở Paris. Con số này cũng tăng gấp 3 lần ở Manaus, một đô thị nhỏ nằm sâu trong rừng Amazon của Brazil, và sự gia tăng này tương đương với những gì London và Madrid từng chứng kiến.
Ở Guayaquil, một thành phố cảng ở Ecuador, ghi nhận sự gia tăng đột biến về số ca tử vong do Covid-19 trong tháng 4 tương đương như thành phố New York trải qua trong tháng tồi tệ nhất: số người chết cao gấp hơn 5 lần so với mức trung bình của những năm trước.


Các thành phố của Brazil đang phải lên phương án chôn cất tập thể những hàng dài quan tài đang “xếp hàng” chờ đợi. Ảnh: New York Times
Theo số liệu mà The New York Times tổng hợp và phân tích, khi dịch Covid-19 bắt đầu hạ nhiệt ở New York và các thủ đô ở châu Âu, thì làn sóng “hủy diệt” và tồi tệ nhất lại tấn công các thành phố ở Mỹ Latin.

Những thi thể “xếp hàng” chờ chôn cất

Các thành phố của Brazil đang phải lên phương án chôn cất tập thể những hàng dài quan tài đang “xếp hàng” chờ đợi. Trong khi đó, hàng trăm người Ecuador vẫn đang tìm kiếm thi thể người thân mà trước đó đã nhập viện rồi không còn quay trở lại nữa.

Và trong khi thảm họa ở Mỹ và châu Âu đang được theo dõi chặt chẽ, được báo chí quốc tế quan tâm sát sao, thì phần lớn những nỗi đau ở khu vực Mỹ Latin lại ở “khuất tầm nhìn” của dư luận toàn cầu.

“Chúng tôi không được chuẩn bị cho dịch bệnh này. Khi dịch bệnh ập đến, chúng tôi đã khóa mình lại, phong tỏa vùng đất, cô lập chính mình, nhưng không ai có nguồn lực để mua khẩu trang hay thuốc men. Chúng tôi thậm chí còn thiếu thực phẩm”, Aguinilson Tikuna, một lãnh đạo bản địa ở Manaus và từng mất nhiều người bạn trong đại dịch Covid-19, nói.

NY Times đánh giá tác động của đại dịch ở các thành phố lớn trên thế giới bằng cách so sánh tỷ lệ tử vong trong những tháng gần đây với con số trung bình trong vài năm qua.

Con số tổng thể bao gồm cả những người chết vì Covid-19, cũng như những người chết vì các lý do khác, trong đó có cả những người không được điều trị do các bệnh viện đã quá tải và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Theo các nhà nhân khẩu học, dù không có biện pháp nào là hoàn hảo, thì việc so sánh số người tử vong có thể cho thấy bức tranh đầy đủ nhất về thống kê của đại dịch.

Ở Mỹ Latin, đại dịch tồi tệ hơn bởi các bệnh viện không được đầu tư phù hợp, hệ thống hỗ trợ yếu kém và các nền kinh tế đang vật lộn với tình trạng vô cùng thiếu thốn nguồn lực so với châu Âu hay Mỹ.

Các tuyến đường cao tốc ở Peru đã chứng kiến làn sóng lớn nhất của những người di cư nội địa trong nhiều năm qua, khi người dân bỏ về các vùng nông thôn vì họ mất việc ở các thành phố. Hàng chục nghìn người tị nạn Venezuela đã buộc phải trở lại các vùng quê bị tán phá của mình khi mất việc làm ở các nước láng láng giềng.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Việc cắt giảm ngân sách dành cho y tế sau thời gian dài trì trệ kinh tế cũng là lý do khiến những nước như Ecuador và Brazil chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất trong khu vực.

Cựu Bộ trưởng Y tế Ecuador Carina Vance nói: “Chừng nào các cá nhân với mức thu nhập ít ỏi nhất còn chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu và cơ bản nhất thì mọi người đều có nguy cơ”.


Cảnh sát chặn một người đàn ông vi phạm lệnh giới nghiêm ở ngoại ô Quito, Ecuador hôm 8/5. Ảnh: New York Times
Ngay cả chính Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ cũng là một thách thức đối với các nước ở khu vực Mỹ Latin, bởi họ không có đủ nguồn lực để “chạy đua” mua sắm các trang thiết bị y tế chống dịch với các nước giàu hơn.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đóng băng tài trợ cho WHO cũng làm ảnh hưởng đến những nỗ lực trợ giúp của tổ chức này, và khiến những nước như Venezuela hay Haiti càng dễ bị tác động nặng nề hơn.

Trung Quốc, nước từng gia hạn khoản nợ hàng tỷ USD cho Mỹ Latin trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng hạn chế gửi các bộ kit xét nghiệm và đồ bảo hộ để giúp khu vực này chống dịch Covid-19.

Covid-19 tác động cả tới những bộ lạc xa xôi ở Amazon

Brazil, quốc gia đông dân nhất khu vực hiện đã ghi nhận 12.461 ca tử vong do Covid-19 (theo Worldometers tính đến 13/5). Đây là một tron những nước có số ca tử vong cao nhất thế giới, nhưng Tổng thống nước này Jair Bolsonaro, vẫn tiếp tục bác bỏ sự cần thiết phải giãn cách xã hội. Con số thực sự ở Brazil có thể còn cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm của nước này bị hạn chế.

Dịch Covid-19 tác động đặc biệt nặng nề đối với Manaus, một đô thị xa xôi, có khí hậu nóng ẩm với 2 triệu dân bên trong rừng nhiệt đới Amazon. Thành phố này ghi nhận 2.800 ca tử vong trong tháng 4, khoảng gấp 3 lần so với mức trung bình của tháng 4 hàng năm. Sự gia tăng này có thể so sánh với những gì thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã trải qua ở thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, theo phân tích của NY Times.

Sự bùng phát dịch ở Manaus đã vạch trần sự bất bình đẳng kinh tế sâu sắc và nền chính trị bị phân cực của Brazil. Manaus đã phải vật lộn để có được các thiết bị y tế cần thiết, theo thị trưởng Arthur Virgílio Neto.

Việc cung cấp các nguồn lực cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu hậu cần, do không có nhiều tuyến đường dẫn tới đây và phải dựa nhiều vào giao thông đường không và đường sông, thị trưởng Virgilio nói.

Ở các nghĩa trang đã quá đông đúc, những người đào huyệt tháng trước đã phải xếp các cỗ quan tài thành 3 lớp dưới các ngôi mộ tập thể để đủ chỗ chôn cất. Khi các bệnh viện sụp đổ do có quá đông các bệnh nhân, các thi thể chật kín các hành lang và lối đi.

Cuộc khủng hoảng của Manaus đang dấy lên mối lo ngại cho hàng trăm nhóm bộ lạc sống ở trong và xunh quanh khu vực rừng Amazon. Họ thường ít hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhiều người có thể phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 khi họ đổ tới các thành phố để nhận những khoản tiền mặt hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ hoặc trong quá trình va chạm với các thợ mỏ xâm phạm bất hợp pháp vùng đất của họ.

Khi Aldenor Basques Félix, một lãnh đạo bộ lạc và là một giáo viên, ngã bệnh ở Manaus với các triệu chứng của Covid-19 cuối tháng 4, anh được điều trị ở nhà – do không có tiền đi xe buýt tới bệnh viện gần nhất. Do tình hình ngày càng xấu đi, những người bạn của Félix đã phải gom góp tiền để bắt một chiếc taxi đưa anh tới bệnh viện. Nhưng đến lúc đó thì Félix đã tử vong.

Ở bệnh viện, các nhân viên từ chối nhận thi thể của Felix vì nhà xác đã chật kín. Những người bạn của Felix phải chờ cùng thi hài trong một nhà thờ cho tới khi họ có thể tìm được người làm dịch vụ tang lễ.

“Họ từ chối đưa thi thể anh ấy đi, họ từ chối làm xét nghiệm”, Tikuna nói về các nhân viên ở bệnh viện.

Ở khu vực Loreto thuộc vùng Amazon của Peru, các bác sỹ nói rằng những bệnh nhân Covid-19 đang chết với tỷ lệ 1 người mỗi giờ xo thiếu nguồn dự trữ oxygen.

Thủ đô Lima của Peru ghi nhận 6.200 ca tử vong trong tháng 4, gấp 2 lần so với mức trung bình cùng thời điểm và gần bằng tỷ lệ tử vong của Paris trong tháng tồi tệ nhất của dịch bệnh.

Ở Ecuador, các binh sỹ vẫn tiếp tục tuần tra đường phố ở Guayaquil nhiều tuần sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến số người chết cao gấp 5 lần so với trung bình những năm gần đây. Mức này tương tự như mức của thành phố New York (Mỹ) trong giai đoạn đỉnh dịch.

Trong 2 tuần Guayaquil “thất thủ”, người dân phải để các thi thể trên đường phố nhiều ngày, hoặc chôn người chết trong những cỗ quan tài bằng thùng các tông. Khi số ca tử vong giảm, chính phủ Ecuador tìm cách tái khởi động nền kinh tế với tuyên bố tuần trước sẽ dần nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên, gần 1 tuần sau đó, chỉ có 2 trong số 221 thành phố của nước này mới được nới lỏng giãn cách xã hội dù vẫn lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dai-dich-covid19-tan-cong-my-latin-the-gioi-bi-khuat-tam-nhin-1048131.vov - theo vov.vn