Chuyên gia lý giải nguyên nhân động đất thường xuyên xảy ra ở khu vực Kon Tum
08:27 31-07-2024
VOV.VN - Nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5,0 độ richter ở Kon Plông, Kon Tum trưa 28/7 và mật độ xảy ra liên dày đặc trong thời gian gần đây được cho là do động đất kích thích, có yếu tố từ hoạt động của con người mà ra.
Vì sao xảy ra liên tiếp xảy ra động đất mạnh ở Kon Tum?
Như VOV.VN đã đưa, vào khoảng 11h35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) trưa 28/7 tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trận động đất với độ lớn 5,0 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Đây là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này. Nhiều người dân ở Đông Giang, Hiệp Đức, Điện Bàn, Hội An… (tỉnh Quảng Nam) và ở TP. Đà Nẵng cho biết cảm nhận rất rõ một đợt rung lắc mạnh từ 5-7 giây.
Vụ việc khiến những khu vực ở xa như nhưng TP.HCM, Campuchia, Thái Lan… cũng cảm nhận được rung chấn. Đại diện UBND huyện Kon Plông cũng cho biết, trận động đất này đã gây nứt một số công trình trường học, cơ sở y tế, trụ sở công an... trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện Kon Plông, các trận động đất vừa qua không có thiệt hại về người nhưng ít nhiều gây thiệt hại về tài sản. Trong đó, điểm trường THCS và Trạm Y tế xã Đắk Ring bị rạn nứt các vách ngăn tường. Tại xã Đắk Nên có điểm trường mầm non, phòng làm việc công an xã xuất hiện vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn. Ngoài ra, một số nhà dân bị hư hỏng tài sản.
Ngày 29/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg của Thủ tướng, về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất. Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để có biện pháp chỉ đạo ứng phó.
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trước khi trận động mạnh này xảy ra, từ sáng sớm đến trưa 28/7, khu vực này đã ghi nhận 3 trận động đất liên tiếp. Ngày 29/7, Viện Vật lý địa cầu đã liên tiếp phát 25 tin động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (trước đó, ngày 28/7 đã phát 21 tin).
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: "Trận động đất xảy ra vào khoảng 11h35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) trưa 28/7 tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với độ lớn 5,0 độ richter là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được ở khu vực này; đạt ngưỡng độ lớn trung bình. Chúng tôi đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 do động đất. Nguyên nhân gây ra trận động đất ở Kon Plông là do động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới".
Theo chuyên gia, tại Việt Nam, động đất kích thích từng ghi nhận xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrinh. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết: "Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra khoảng 150 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ richter tại Kon Tum. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này. Theo dự báo, hoạt động động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, tuy nhiên có độ lớn không quá 5,5 độ richter. Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực. Đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông".
Từ 4/2021 đến nay Kon Tum trở thành điểm nóng về động đất
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, thời gian qua, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài khiến nền địa chất yếu, trong khi động đất xảy ra ở vị trí nông khiến cảm nhận rung chấn trên mặt đất rõ hơn, vùng ảnh hưởng rộng hơn. Có 3 điều kiện dẫn đến động đất kích thích, gồm cấu trúc địa chất, hoạt động của đới đứt gãy bị siết ép mạnh và hoạt động tích nước của hồ chứa đủ lớn.
Khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này, động đất kích thích từng xảy ra tại Thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và Thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi). Về cấu trúc địa chất, khu vực xảy ra động đất nằm trên nền địa chất có nhiều đá biến chất.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, trước đây, khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định so với nhiều khu vực trên cả nước, ít ghi nhận hoạt động động đất cho đến tháng 4/2021 khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Theo số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ richter. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại tỉnh, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5,0 độ richter, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ richter.
TS Nguyễn Xuân Anh lưu ý chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn. UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân. Cơ quan chức năng cũng cần cập nhật thường xuyên thông tin động đất để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư.
Khi xảy ra động đất, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống; thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, để phòng ngừa các rủi ro đáng tiếc do các trận động đất gây ra, các địa phương, cơ quan chức năng và người dân cần tuân thủ những biện pháp phòng chống; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác: "Thiên tai động đất rất khó lường, dự báo thời điểm xảy ra động đất rất là khó kể cả mức độ hoạt động động đất lớn, cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá. Đối với địa phương, đơn vị chức năng cần kiểm tra đánh giá thiệt hại trong đợt vừa qua. Đối với những công trình yếu thì phải gia cố, thực hiện các giải pháp phòng chống động đất. Đối với người dân cần tiếp tục tuyên truyền kỹ năng phòng chống động đất. Cách đây 2 năm, Viện Vật lý Địa cầu cũng đã triển khai các lớp học cho cán bộ quản lý và người dân ở Kon Tum. Trong nhà đồ đạc như thế nào thì phải có cách thức phù hợp cùng với đó là 3 giải pháp gồm: Đánh giá thiệt hại; Rà soát những công trình yếu; Tuyên truyền cho người dân. Những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ".
Động đất mạnh 5,0 độ richter được người dân Kon Tum cảm nhận rõ rệt
Sau khi xảy ra trận động đất độ lớn 5,0, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị 3 thủy điện gồm: Thủy điện Thượng Kon Tum, Đắk Đrinh, Đắk Re theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly. Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.
https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-dong-dat-thuong-xuyen-xay-ra-o-khu-vuc-kon-tum-post1111118.vov - theo vov.vn